Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Steve Witkoff tại thành phố St. Petersburg, ngày 11/4/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Trong một động thái bất ngờ, các quan chức cấp cao của Nga và Mỹ đã cùng nhau lên tiếng sau vòng đàm phán kín tại Istanbul, khẳng định sự cấp thiết phải giải quyết những "vấn đề gây khó chịu" tích tụ dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden trước đây. Đáng chú ý, trọng tâm của vòng tham vấn thứ hai này dường như đã chuyển hướng, tập trung vào việc khôi phục hoạt động bình thường của các phái bộ ngoại giao giữa hai cường quốc. Thông tin này được báo Izvestia của Nga tiết lộ, trùng với thời điểm Moskva và Washington tiến hành một cuộc trao đổi tù nhân khác, cho thấy những nỗ lực song song nhằm hạ nhiệt căng thẳng song phương.
Một chi tiết đáng chú ý mà các chuyên gia đánh giá là một sự thay đổi chiến lược, đó là tình hình Ukraine đã không nằm trong chương trình nghị sự chính thức của các cuộc đàm phán tại Istanbul. Dmitry Novikov, Phó Giáo sư tại Trường Kinh tế Cao cấp Moskva, nhận định rằng dưới thời chính quyền Biden, quan hệ Nga-Mỹ "vẫn bị ràng buộc" bởi cuộc xung đột Ukraine.
Tuy nhiên, ông Novikov cho rằng mối quan hệ hiện tại đang trải qua một quá trình "phi Ukraine hóa", mở ra khả năng thảo luận về nhiều vấn đề song phương tách biệt với vấn đề Ukraine. Mặc dù thừa nhận Ukraine vẫn là một "nguồn rủi ro" tiềm ẩn, có khả năng làm chệch hướng đàm phán, chuyên gia Novikov tin rằng việc nối lại hoạt động bình thường của các phái bộ ngoại giao và các chuyến bay thẳng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao tiếp nhất quán hơn giữa hai nước ở nhiều cấp độ.
Về phần mình, Ivan Loshkaryov, Phó Giáo sư tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhà nước Moskva, nhấn mạnh rằng việc Nga và Mỹ có thể tách biệt quan hệ song phương khỏi nỗ lực giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine là nhờ vào "uy tín của các nhà đàm phán". Ông Loshkaryov lưu ý rằng việc khôi phục lòng tin trong quan hệ quốc tế là một quá trình lâu dài, có thể mất nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ. Theo chuyên gia Loshkaryov, những nỗ lực hợp tác chung trong các vấn đề khác, ví dụ như ở Trung Đông hoặc châu Phi, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng lại lòng tin.
Vòng đàm phán thứ hai tại Istanbul, diễn ra vào ngày 10/4 và kéo dài 5 tiếng rưỡi, tiếp nối cuộc họp đầu tiên diễn ra vào ngày 27/2. Phái đoàn Nga tiếp tục do Đại sứ Nga tại Mỹ Alexander Darchiev dẫn đầu, trong khi phía Mỹ vẫn là Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Nga và Trung Âu Sonata Coulter. Để đảm bảo tính cân bằng, cuộc họp tháng 4 được tổ chức tại Tổng lãnh sự quán Nga ở Istanbul, sau khi vòng đàm phán trước đó diễn ra tại dinh thự của Tổng lãnh sự quán Mỹ.
Sau cuộc gặp, Đại sứ Darchiev tuyên bố rằng hai bên đã đạt được tiến triển trong việc bình thường hóa công việc của các phái bộ ngoại giao. Một kết quả cụ thể là Nga và Mỹ đã trao đổi công hàm ngoại giao, đồng ý đảm bảo quyền tiếp cận thông suốt các dịch vụ ngân hàng cho các phái bộ của nhau. Bên cạnh đó, hai nước cũng nhất trí thực hiện các biện pháp tiếp theo để nới lỏng hạn chế đi lại và cấp thị thực cho các nhà ngoại giao.
Đặc biệt, phái đoàn Nga và Mỹ cùng nhấn mạnh "nhu cầu cấp thiết phải loại bỏ những vấn đề gây khó chịu mà chính quyền Biden để lại". Nga cũng ưu tiên việc thu hồi nhanh chóng các tài sản ngoại giao đã bị tịch thu tại Mỹ. Ông Darchiev tin rằng việc nối lại dịch vụ hàng không trực tiếp giữa hai quốc gia sẽ giúp mở rộng quan hệ kinh doanh và giao lưu nhân dân giữa hai nước. Moskva và Washington dự kiến sẽ hoàn tất công việc theo các đề xuất đưa ra tại Istanbul trong cuộc họp tiếp theo, thời gian cụ thể sẽ được xác định sau.
Về phía Mỹ, Bộ Ngoại giao nước này trong một tuyên bố cũng xác nhận rằng hai bên đã thảo luận về kế hoạch tổ chức một cuộc họp tiếp theo để giải quyết những vấn đề tồn đọng trong quan hệ song phương. Tuyên bố cho biết Coulter và Darchiev "đã thảo luận về việc tổ chức một cuộc họp tiếp theo về các vấn đề này trong thời gian tới, nếu cần thiết".
Trong khi đó, hãng thông tấn TASS ngày 11/4 đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp với Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff tại St. Petersburg. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov xác nhận cuộc họp này, cho biết hai bên cũng thảo luận về việc bình thường hóa quan hệ giữa Moskva và Washington và một số khía cạnh của giải pháp cho vấn đề Ukraine.
Chuyên gia kinh tế Mỹ Jeffrey Sachs trả lời hãng thống tấn TASS ngày 12/4 rằng quá trình đàm phán giữa Nga và Mỹ đang có hiệu quả và có khả năng dẫn đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà Washington áp đặt trước đó đối với Moskva.
"Tôi nghĩ rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Mỹ và Nga có thể rất hiệu quả. Có hy vọng, chắc chắn là có. Mọi thứ đang diễn ra theo đúng hướng hướng đến việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga, tôi nghĩ vậy", chuyên gia Sachs nhấn mạnh.
Chuyên gia Sachs, hiện là Giáo sư và Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững tại Đại học Columbia ở New York, cho biết thêm rằng ông không thấy có rủi ro cấp bách nào đối với Nga vào lúc này liên quan đến chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump: "Cái gọi là cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Trump sẽ không phải là vấn đề lớn đối với Nga, vì nó sẽ không có tác động trực tiếp và đáng kể đến quốc gia này".
Vũ Thanh/Báo Tin tức