Pano, áp phích cỡ lớn chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại ngã tư đường Nguyễn Du - Trương Định (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN
Trong cuộc phỏng vấn, ông đã đưa ra những đánh giá về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng ngày 30/4/1975 đối với Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới, chính sách đại đoàn kết dân tộc của Việt Nam, những thay đổi của Việt Nam sau 50 năm thống nhất, và khả năng vận dụng những yếu tố từ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vào bối cảnh phát triển hiện nay.
Về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng 30/4/1975, ông Gerhard Feldbauer nhấn mạnh rằng điều kiện tiên quyết dẫn đến thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh là ý chí cách mạng kiên cường của nhân dân Việt Nam, bắt nguồn từ truyền thống kháng chiến chống thực dân và giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cũng đề cập đến sự giúp đỡ to lớn của khối Xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là vũ khí hiện đại từ Liên Xô cũ, và sự đoàn kết quốc tế của các dân tộc và lực lượng hòa bình, trong đó cả người dân Mỹ. Theo ông, cách mạng Việt Nam đã có ảnh hưởng quyết định đến cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, đồng thời lưu ý rằng kinh nghiệm giải phóng đất nước của Việt Nam vẫn tiếp tục cung cấp những bài học quý giá về việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của đất nước.
Liên quan đến chính sách đại đoàn kết, hòa hợp, hòa giải dân tộc của cách mạng Việt Nam, nhà báo Gerhard Feldbauer cho rằng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam mang đặc trưng là tinh thần đoàn kết dân tộc và sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân. Ông dẫn chứng việc những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam đã thể hiện tinh thần nhân văn khi tiến vào giải phóng Sài Gòn, ngăn chặn những hành động tiêu cực từ phía sĩ quan và viên chức chế độ cũ.
Ông cũng nhắc đến việc Tướng Dương Văn Minh, Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, đã được trở về dinh thự và sinh sống cho đến năm 1981. Ông Feldbauer đánh giá cao việc Việt Nam và Mỹ đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995, cũng như các chuyến thăm của các cựu binh Mỹ và các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước, trong đó có việc Tổng thống Barack Obama tuyên bố chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí và cam kết hỗ trợ giải quyết vấn đề ô nhiễm chất độc da cam.
Về những thay đổi ở Việt Nam sau 50 năm thống nhất, ông Gerhard Feldbauer nhận định Việt Nam đã có bước đột phá hoàn toàn kể từ Đại hội VI năm 1986 với đường lối đổi mới, đề ra chính sách kinh tế nhiều thành phần và thực hiện các chính sách tài chính theo định hướng thị trường. Ông nhấn mạnh rằng Việt Nam đã vươn lên từ một quốc gia lạc hậu về kinh tế trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng ấn tượng và sự cải thiện đáng kể về thu nhập bình quân đầu người cũng như đời sống của người dân. Ông đặc biệt ca ngợi những đóng góp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc phân tích con đường phát triển của Việt Nam. Ông cũng lưu ý rằng Việt Nam luôn kiên quyết phản đối mọi âm mưu hạn chế chủ quyền kinh tế và coi đây là bảo đảm quan trọng cho sự thành công trên con đường XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Khi được hỏi về việc vận dụng những yếu tố từ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vào bối cảnh kinh tế số và cách mạng công nghiệp hiện nay, nhà báo Gerhard Feldbauer chỉ ra rằng trong khi các nước Đông Nam Á theo mô hình tư bản chủ nghĩa gặp nhiều khó khăn về tăng trưởng, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024. Ông cho rằng việc phát triển nền kinh tế số dựa trên bốn trụ cột chính là động lực quan trọng cho tương lai của Việt Nam.
Ông cũng đề cập đến những nỗ lực của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm việc thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia và hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Ông nhấn mạnh chính sách đối ngoại rộng mở, hướng tới quan hệ đối tác và hợp tác của Việt Nam là một yếu tố quan trọng trong bối cảnh quốc tế hiện nay, đặc biệt là mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diệnvới Trung Quốc và quan hệ hữu nghị truyền thống với Nga.
Ông Gerhard Feldbauer cùng vợ, phóng viên ảnh Irene, làm việc tại Hà Nội từ năm 1967-1970 với tư cách là phóng viên thường trú nước ngoài của hãng thông tấn ADN của CHDC Đức. Ông có bằng Tiến sĩ về lịch sử Việt Nam và Tiến sĩ lịch sử Italy. Năm 1980, ông chuyển sang ngành ngoại giao và từng làm Đại sứ tại Zaire (nay thuộc CHDC Congo), Burundi và Rwanda. Từ năm 1987 đến năm 1990, ông giảng dạy tại Học viện Quan hệ Quốc tế của CHDC Đức. Ông đã viết nhiều sách và tài liệu, trong đó có bốn cuốn sách và nhiều bài viết về Việt Nam.
Thu Hằng - Vũ Tùng (TTXVN)