Cuộc đấu tranh vì chân lý và sự thật Bài 4: Quyền con người ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế

Cuộc đấu tranh vì chân lý và sự thật Bài 4: Quyền con người ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế
6 giờ trướcBài gốc
Ngày 12.11.2013, với 184 phiếu thuận trên 192 phiếu bầu, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 68 bầu Việt Nam là thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, bất chấp nhiều nỗ lực ngăn cản, chống phá của các thế lực thù địch Việt Nam. Đó là sự khẳng định thành tựu và uy tín của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người tại đất nước mình, đồng thời có những đóng góp trong đấu tranh vì quyền con người trên thế giới.
Giải quyết các vấn đề xã hội
Từ sau Đại hội lần thứ VIII của Đảng năm 1996, thực hiện chủ trương “tích cực, chủ động hội nhập quốc tế” nước ta càng có những bước tiến nhanh trong việc cải thiện quyền con người. Với chủ trương đổi mới đúng đắn, nhất là trong phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, đất nước đã có bước tiến đáng kể trong cải thiện điều kiện, mức sống của người dân.
Bằng nội lực và sự giúp đỡ, cộng tác với Liên Hợp Quốc, các tổ chức phi chính phủ trên thế giới, Việt Nam đã có bước tiến nhanh chóng trong xóa đói giảm nghèo, trở thành điển hình thành công được thế giới thừa nhận. Hội nhập tích cực, chủ động với thế giới, nước ta đã thực hiện nhiều đổi mới, hoàn thiện thể chế chính trị, hệ thống luật pháp trên các mặt, nhất là Luật Dân sự và Tố tụng dân sự, Luật Hình sự và Tố tụng hình sự.
Trên thực tế, các quyền dân sự, chính trị của người dân, bao hàm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do đi lại, tham gia vào đời sống chính trị, quyền của người dân tộc thiểu số, của nhóm bất lợi trong xã hội... được nhận thức, tôn trọng và được bảo đảm tốt hơn.
Những thành tựu đó được người dân và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng, một mặt chúng ta nhìn nhận rõ thành tựu và khuyết điểm trong việc tôn trọng và bảo đảm quyền con người, đồng thời phải làm cho thế giới hiểu rõ những thành tựu đã đạt được, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, vu cáo của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.
Chúng ta cần nhìn nhận rõ những thuận lợi và khó khăn, thách thức trên con đường phát triển hơn nữa quyền con người của đất nước. Thuận lợi rõ ràng là sự phát triển nhận thức lý luận của Đảng, nhận thức của các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của vấn đề quyền con người đã được nâng lên rõ rệt.
Những thể chế pháp lý của Nhà nước pháp quyền đã hình thành và ngày càng hoàn thiện tạo khuôn khổ để bảo đảm trên thực tế các quyền con người. Thể chế kinh tế thị trường đã hình thành và ngày càng hoàn thiện tạo điều kiện để quyền tự do sở hữu và kinh doanh của cá nhân rộng rãi hơn.
Điều kiện tiếp cận với các nguồn thông tin của người dân ngày càng thuận lợi hơn. Việt Nam được xếp thứ hai ở châu Á về tăng trưởng viễn thông và số người sử dụng internet. Thái độ hiểu biết, thiện chí và những quan hệ thiết thực được xây dựng giữa các tổ chức quốc tế với chính phủ Việt Nam và các cấp chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ thể chế, kinh nghiệm, tài chính trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, mở rộng dân chủ ở nước ta (chỉ riêng Ngân hàng Thế giới trong vòng 20 năm đã hỗ trợ cho Việt Nam 17 tỷ USD để thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo)...
Song, những khó khăn và thách thức trong việc bảo đảm và thực hiện quyền con người trong điều kiện hội nhập quốc tế cũng đặt ra là: Việc bảo đảm, thúc đẩy quyền con người phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhận thức của một bộ phận chính quyền từ trung ương đến địa phương và người dân chưa theo kịp sự tiến bộ của vấn đề. Mức độ hoàn thiện thể chế pháp lý còn có hạn.
Còn nhiều điều về mặt pháp lý cần phải nghiên cứu và quy định rõ ràng hơn. Trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn có hạn chế, còn nhiều chính sách phát triển chưa hợp lý, trình độ quản lý còn kém, ảnh hưởng tới sự ổn định và tăng trưởng kinh tế, cải thiện an sinh xã hội, đời sống của người dân ở miền núi, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Tất cả những điều này không thể cải thiện ngay trong một tháng, một năm, mà phải bằng thập niên.
Khó khăn còn xuất phát từ thái độ thù địch, thiếu thiện chí của một số thế lực xấu. Hằng năm, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn công bố báo cáo nhân quyền ở các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, với tinh thần thiếu thiện chí và thực tế. Năm 2012, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã thông qua Luật 1869 về nhân quyền ở Việt Nam với nhiều thông tin và nhận xét sai lệch, thậm chí xuyên tạc đối với những sự kiện xảy ra, chẳng hạn biến những vụ xét xử tội phạm hình sự thông thường thành những vụ đàn áp tôn giáo, đàn áp tự do báo chí, ngôn luận...
Điều này gián tiếp gây khó khăn cho các cấp chính quyền tại các địa phương, nhất là những nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và trực tiếp ảnh hưởng tới cuộc sống bình yên của người dân ở các vùng miền đó, làm xấu hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Những hành động đó tất yếu gây nên phản ứng dè chừng, đề phòng của các cấp chính quyền Việt Nam đối với một số tổ chức phi chính phủ và cá nhân trong quan hệ với Việt Nam, không có lợi cho việc hỗ trợ các chương trình xóa đói, giảm nghèo và phát triển các vùng khó khăn.
Trong thực tế, việc vi phạm quyền con người còn xuất phát từ chính các cá nhân mà không phải nhà nước nào cũng có thể kiểm soát và bảo vệ kịp thời, ngay cả với các chính phủ ở các nước tự coi là mẫu mực về quyền con người (ví dụ: các vụ khủng bố ở nhà ga, siêu thị, hoặc xả súng tại các trường học, nơi công cộng giết hại hàng chục, hàng trăm người ở Anh, Mỹ).
Không ngừng thúc đẩy quyền con người
Ở nước ta, không phải không còn những cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước chưa có nhận thức đúng đắn về vấn đề quyền con người, chưa có hiểu biết cần thiết về nghĩa vụ bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trong việc xây dựng, hoàn thiện chính sách và chấp hành chính sách và pháp luật của Nhà nước trong vấn đề quyền con người, quyền công dân.
Đó còn là tình trạng quan liêu, tham nhũng, vi phạm quyền dân chủ và những quyền chính đáng khác của người dân, ảnh hưởng xấu tới hình ảnh, uy tín của Đảng, Nhà nước ta. Đây là những nguyên nhân chủ quan góp phần vào những khuyết điểm, hạn chế không đáng có.
Lý luận và thực tiễn về vấn đề quyền con người cho thấy có ba cấp độ mà các nhà nước cần tuân theo. Với bản chất xã hội chủ nghĩa, Nhà nước ta cũng phải giải quyết quyền con người theo những cấp độ sau:
Tôn trọng, bảo vệ quyền con người, trước hết là các quyền dân sự là nghĩa vụ bắt buộc của chính quyền. Đây là những quyền mang tính phổ biến tuyệt đối, tối thiểu, mà việc thực hiện không lệ thuộc vào chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế, sự khác biệt văn hóa.
Trên cơ sở và phù hợp với các điều kiện khách quan của đất nước, bảo đảm trong thực tế các quyền con người, nghĩa là bảo đảm mỗi người đều có cơ hội thỏa mãn các quyền con người như luật định, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa.
Một số quyền chính trị (như quyền dân chủ, quyền tự do ngôn luận...) cũng nằm trong nhóm này. Đây là các quyền phổ biến mang tính tương đối, cần có điều kiện để thực hiện và thỏa mãn. Không ngừng thúc đẩy quyền con người, nghĩa là nhận thức và biến các nhu cầu chính đáng của con người trong thời đại toàn cầu hóa, thời đại thông tin, thành quyền của con người.
Đó cũng chính là phương châm hành động cần thiết của Nhà nước ta trong vấn đề quyền con người. Từ thành công, hạn chế và tham khảo kinh nghiệm các nước đang phát triển, phương hướng và các giải pháp trong vấn đề quyền con người trong thời kỳ đẩy mạnh hội nhập sâu rộng vào quá trình toàn cầu hóa của nước ta là: chủ động, tích cực tham gia các công ước quốc tế, các diễn đàn quốc tế về quyền con người trong phạm vi toàn cầu và khu vực.
Việt Đông
(còn tiếp)
Ngoài hai công ước lớn là Công ước về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội và Công ước về quyền dân sự, chính trị, thế giới còn 7 công ước sau hợp thành “cốt lõi” của quyền con người. Đó là: Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (được thông qua năm 1966, có hiệu lực năm 1969);
Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt với phụ nữ (thông qua năm 1979, có hiệu lực năm 1981); Công ước về chống tra tấn (thông qua năm 1984, có hiệu lực năm 1984); Công ước về quyền trẻ em (thông qua năm 1989, có hiệu lực năm 1989); Công ước về quyền của người khuyết tật (thông qua năm 2006, có hiệu lực năm 2008); Công ước về bảo vệ quyền của lao động di cư và gia đình họ (thông qua năm 1990, có hiệu lực năm 2003).
Nguồn Tây Ninh : https://baotayninh.vn/bai-4-quyen-con-nguoi-o-viet-nam-trong-dieu-kien-hoi-nhap-quoc-te-a182085.html