Cuộc dịch chuyển vì mưu sinh - Kỳ 3: Quê nhà vẫn hơn

Cuộc dịch chuyển vì mưu sinh - Kỳ 3: Quê nhà vẫn hơn
8 giờ trướcBài gốc
Nhiều địa phương đã đổi mới cách dạy nghề sao cho phù hợp.
Thoát cảnh tính toán đường về
Vào dịp Tết, việc đi lại trở thành vấn đề lớn với hàng triệu người lao động xa quê. Tuy nhiên, giá vé tàu, xe, máy bay lại thường tăng cao, thậm chí gấp rưỡi, gấp đôi so ngày thường. Điều này không chỉ gây khó khăn về tài chính mà còn thể hiện sự bất hợp lý trong cách vận hành của một số doanh nghiệp vận tải hành khách. Các doanh nghiệp lý giải việc này là để bù đắp chi phí vận hành chiều vắng khách và những chi phí khác tăng thêm trong dịp cao điểm. Tuy nhiên, giá vé tăng vượt ngưỡng thông thường đã trở thành gánh nặng lớn cho người lao động và những người có thu nhập thấp.
Chị Nguyễn Thị Loan, quê huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, đã làm công nhân may tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc, TP Hồ Chí Minh hơn 7 năm. Chị Loan cho biết: “Lúc trước, những ngày cuối năm, giữa không khí nhộn nhịp của phố thị, tâm trí lại ngổn ngang lo tính về một mùa Tết sum vầy mà lo tính thiệt tình vất vả”.
Ba năm trước, chị Loan chia sẻ rằng mỗi dịp cuối năm, những nỗi lo lại bủa vây. “Không biết năm nay công ty có thưởng Tết không? Lương tháng 13 có đủ để lo Tết. Quà Tết chi cũng quý nhưng nhỏ gọn”, chị Loan tâm sự.
Việc nhiều công nhân mất việc ở các thành phố lớn và trở về quê làm việc trong các khu công nghiệp trong tỉnh hoặc chuyển sang các công việc nông nghiệp, dịch vụ tại quê hương đã mang lại một số tác động đáng chú ý cho cả cá nhân và cộng đồng. Làm tại quê nhà “sáng đi làm, tối về nhà” không chỉ mang lại sự gắn bó gia đình mà còn giúp họ tiết kiệm chi phí ăn ở, đi lại và tạo ra sự ổn định lâu dài. Nhiều người cảm thấy thoải mái hơn khi có thể sống và làm việc gần người thân.
“Bốn năm qua, tôi đã làm việc cho công ty may trên địa bàn huyện. Những ngày cuối năm, tôi chỉ chờ lương và thưởng để sắm Tết, chứ không phải lo chặng đường dài về quê”, anh Cao Văn Khoa, quê ở xã Hoằng Phong (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), cho hay. Trước kia, anh Khoa và vợ là một trong hàng triệu lao động rời quê hương, là công nhân tại TP Hồ Chí Minh, anh Khoa thường xuyên đối mặt với nỗi buồn. Anh kể: “Bố tôi mất sớm, mẹ tôi đã già, sống quen ở quê và không muốn theo con vào nam. Một năm làm việc quần quật, tiền để dành được cuối cùng cũng không đủ dư dả vì vé tàu xe dịp Tết tăng giá. Cứ về quê một lần là hết sạch!”.
Mỗi khi Tết đến, niềm vui được đoàn tụ gia đình xen lẫn với gánh nặng tài chính. Những người lao động xa quê như anh Khoa không chỉ gánh vác việc mưu sinh mà còn phải đối diện với chi phí lớn mỗi dịp về quê ăn Tết, khiến áp lực kinh tế càng thêm nặng nề.
Tâm sự của anh Khoa cũng là câu chuyện của nhiều công nhân khác. Với lương công nhân, họ chắt chiu từng đồng để dành dụm cho gia đình. Anh Khoa chia sẻ thêm: “Đôi khi nghĩ đến chuyện Tết là lại vừa vui vừa buồn. Vui vì được về nhà, được gặp mẹ, được cảm nhận cái lạnh se se của quê mình, nhưng cũng buồn vì biết rằng sau Tết lại phải rời xa quê, lại bắt đầu từ con số 0”.
Gia đình chị Loan từng bàn bạc rất nhiều về cách trở về quê. Chồng chị, anh Tô Văn Hoàng, đề xuất cả nhà đi xe máy về để tiết kiệm chi phí, nhưng chị lại lo ngại quãng đường xa và nguy hiểm cho các con nhỏ. “Chúng tôi muốn các con được an toàn và thoải mái hơn, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa là phải chi thêm tiền cho vé xe khách. Mỗi lần ngồi xe khách đông đúc, chen chúc với hành lý nặng, khi đó, tôi chỉ mong sao an toàn”, chị Loan cho hay.
Những nỗi niềm này không chỉ là câu chuyện riêng lẻ mà là vấn đề chung. Để giảm bớt gánh nặng cho họ, nhiều địa phương và tổ chức xã hội đã tổ chức các chương trình hỗ trợ vé tàu xe hoặc những chuyến xe miễn phí về quê đón Tết. Tuy vậy, những hỗ trợ này vẫn còn hạn chế so với nhu cầu thực tế.
Công nhân đang muốn gì?
Ở góc độ làng quê, sự trở về của công nhân làm giảm tình trạng “chảy máu lao động” vốn khiến nhiều làng quê trở nên hoang vắng, thiếu sức sống. Họ mang theo những kinh nghiệm, kỹ năng học được từ môi trường công nghiệp ở thành phố, đóng góp vào sự phát triển của các khu công nghiệp địa phương. Gần đây, nhiều địa phương cũng đổi mới đào tạo nghề cho nông dân gắn với đặc điểm tiềm năng của địa phương. Những thay đổi này giúp tạo thêm việc làm, kích thích kinh tế địa phương và hồi sinh các ngành nghề truyền thống vốn dĩ cũng rất thiếu lao động.
Chị Loan cho biết, với những người lao động như chị, Tết không cần phải cầu kỳ, chỉ mong được đoàn tụ cùng gia đình và có một chút gì đó gọi là đủ đầy. “Quà Tết công ty trong tỉnh phát, dù chỉ là vài món đồ cơ bản như gạo, dầu ăn hay bánh kẹo, đối với chúng tôi cũng quý lắm. Quà Tết lại gần nhà đó là niềm vui chứ không phải lo lắng bê vác lên xe, xuống bến cồng kềnh dập bẹp”.
Tuy nhiên, chị Loan vẫn hy vọng rằng những năm tới, đời sống công nhân sẽ được cải thiện hơn, lương thưởng xứng đáng hơn để không phải đắn đo quá nhiều mỗi dịp cuối năm. “Tết là dịp để sum họp, nhưng đối với công nhân xa nhà, Tết còn là sự gồng gánh và chỉ mong sao nỗi lo này vơi đi”.
Câu chuyện của chị Loan không chỉ là tâm tư của riêng chị mà là nỗi lòng của hàng triệu công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên khắp cả nước. Trong dòng chảy hối hả của cuộc sống, ước mong Tết được đủ đầy và bình yên vẫn luôn cháy bỏng trong lòng những người lao động, những con người luôn cố gắng không ngừng để mang lại niềm vui cho gia đình.
Những năm đi làm công nhân xa, cực chẳng đã, sau thời gian về quê, nhiều người bắt đầu nhận ra rằng cuộc sống ở quê tuy vất vả nhưng lại mang đến sự bình yên. Việc không phải lo nghĩ về tiền nhà trọ hằng tháng, áp lực công việc và tàu xe về quê cuối năm giúp họ cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
“Khi đã quen với nhịp sống ở quê, vợ chồng tôi cảm thấy biết ơn vì bị mất việc nhưng đó cũng là có cơ hội trở về bên gia đình và quê hương”, anh Lương Văn Tân và chị Đỗ Thị Hải, ngụ thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa (Phú Yên), cho biết. Nhiều người tìm được niềm vui trong công việc đồng áng, chăn nuôi và sự gần gũi với xóm làng. Những năm tháng sống và làm việc ở thành phố giúp họ hiểu rõ hơn giá trị của sự bình yên nơi quê nhà. Tuy vậy, đôi khi họ cũng không tránh khỏi tâm lý so sánh, nhất là khi thấy bạn bè hoặc người thân ở thành phố có điều kiện kinh tế tốt hơn.
Quá trình từ chật vật ở thành phố lớn đến trở về quê hương là một hành trình đầy cảm xúc. Ban đầu, họ có thể buồn bã và lo lắng, nhưng về lâu dài, sự an yên và gắn kết gia đình giúp họ tìm lại được giá trị cuộc sống. Quan trọng nhất, họ học được cách trân trọng những gì mình đang có và tìm thấy hạnh phúc ngay trong chính những điều giản dị, quen thuộc ở quê hương mình. Chính những người công nhân mất việc về quê cũng là bài học tốt cho những bạn trẻ đang có manh nha tìm đến thành phố lớn làm công nhân, họ phải xác định thật kỹ trước khi đi chứ không phải sự bột phát như những người đi trước.
Anh Nguyễn Văn Lợi (Phú Lộc, Huế), cho hay: “Sau khi vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, tôi bắt đầu định hình lại cuộc sống và đặt mục tiêu mới. Tôi và có thể có nhiều người khác sẽ chuyển hướng sang làm kinh tế ở quê bằng cách áp dụng các kỹ thuật nông nghiệp hiện đại, hoặc đầu tư vào những mô hình sản xuất nhỏ, tận dụng kinh nghiệm từ thành phố”.
Theo DUYÊN DUYỀN, CẨM CHÂU (NDO)
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/cuoc-dich-chuyen-vi-muu-sinh-ky-3-que-nha-van-hon-post307409.html