Cuộc đời bi thảm của 'ông trùm' từng 'khống chế' 3 siêu sao Lý Tiểu Long, Thành Long, Lý Liên Kiệt

Cuộc đời bi thảm của 'ông trùm' từng 'khống chế' 3 siêu sao Lý Tiểu Long, Thành Long, Lý Liên Kiệt
3 giờ trướcBài gốc
Trong thời kỳ hoàng kim của điện ảnh Hong Kong (Trung Quốc), phim võ thuật chiếm ưu thế không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên toàn cầu. Các tên tuổi như Lý Tiểu Long, Thành Long, Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan và Ngô Kinh đã trở thành biểu tượng của dòng phim này, khẳng định tài năng và tầm ảnh hưởng của mình. Nhưng điều ít ai ngờ là cả ba siêu sao võ thuật Lý Tiểu Long, Thành Long và Lý Liên Kiệt đều từng hợp tác với đạo diễn lừng danh La Duy (Lo Wei).
Ba ngôi sao võ thuật là Thành Long, cố diễn viên Lý Tiểu Long, Lý Liên Kiệt (từ trái qua phải) đều được một đạo diễn tài năng phát hiện.
La Duy sinh năm 1918 tại Giang Tô, Trung Quốc, bắt đầu sự nghiệp tại Hong Kong (Trung Quốc) vào năm 1948. Ông khởi đầu với vai diễn trong một số bộ phim nổi tiếng như "Thanh Cung bí sử" và "Giam cầm tình yêu". Đến năm 1957, La Duy tự thành lập công ty sản xuất phim mang tên Tứ Duy và bắt đầu sự nghiệp đạo diễn. Ông nhanh chóng tạo dựng được tên tuổi với nhiều tác phẩm nổi bật.
Năm 1965, La Duy gia nhập hãng phim Thiệu Thị Huynh Đệ, nơi quy tụ nhiều đạo diễn và ngôi sao danh tiếng. Tại đây, ông đã đạo diễn các bộ phim võ thuật kinh điển như "Ngạc Ngư hà", "Ngũ hổ đồ long", "Ảnh tử thần tiên" và "Băng Thiên hiệp nữ".
Đạo diễn, nhà sản xuất phim La Duy.
Tuy nhiên, năm 1970, ông bất ngờ chuyển sang Gia Hòa điện ảnh (Golden Harvest Film Company). Đây là một trong những công ty phân phối phim có ảnh hưởng nhất trong thời kỳ hoàng kim của điện ảnh Hong Kong (Trung Quốc). Chính Lý Tiểu Long, Thành Long, Trương Mạn Ngọc và hàng loạt siêu sao nổi tiếng có tầm ảnh hưởng quốc tế đã làm nên thành công cho Gia Hòa điện ảnh.
Năm 1971, La Duy mời Lý Tiểu Long đóng vai chính trong Tinh vũ môn và giành được giải bộ phim xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Kim Mã Đài Loan lần thứ 10. Đây cũng là bộ phim tạo nên làn gió mới cho phim kungfu Trung Quốc. Thừa thắng xông lên, La Duy và Lý Tiểu Long tiếp tục kết hợp với nhau đóng thêm 5 bộ phim hành động võ thuật khác. Cả 5 tác phẩm đều thành công ngoài mong đợi đồng thời giúp tên tuổi Lý Tiểu Long nổi danh trên thế giới, tạo ra cơn sốt phim kungfu Trung Quốc.
La Duy và Lý Tiểu Long thời còn hợp tác vui vẻ.
Các bộ phim "Đường Sơn đại huynh" và "Tinh Vũ Môn" đã mang về doanh thu hơn 1 triệu HKD, con số kỷ lục vào thời điểm đó. Thành công này khiến La Duy tự xem mình là "người đỡ đầu" cho sự nghiệp của Lý Tiểu Long. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai người bắt đầu trở nên căng thẳng khi La Duy cố kiểm soát các quyết định nghệ thuật của ngôi sao võ thuật, khiến Lý Tiểu Long cảm thấy bị gò bó và dần xa cách ông. Cuối cùng, Lý Tiểu Long từ chối hợp tác với La Duy, khép lại mối quan hệ đầy căng thẳng giữa hai tên tuổi lớn.
Theo HK01, mối quan hệ giữa La Duy và Lý Tiểu Long dần xấu đi. Thậm chí, truyền thông Hong Kong (Trung Quốc) từng đồn, chính Lý Tiểu Long từng ẩu đả với La Duy trên phim trường thậm chí còn đe dọa tìm người giết La Duy khiến nhà sản xuất phim nổi tiếng phải gọi cảnh sát.
Sau này cả hai nảy sinh xung đột và quyết không nhìn mặt nhau.
Tháng 7/1973, Lý Tiểu Long đột ngột qua đời khiến cả thế giới bị sốc. Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với TVB sau này, La Duy rất xúc động khi nói về Lý Tiểu Long và bật khóc dù hai người trước đó từng xích mích. Ông cho biết, sau này mối quan hệ hai người không còn tốt đẹp như xưa nhưng ông là người giúp Lý Tiểu Long có nhiều tác phẩm để đời với nhân loại.
Năm 1975, La Duy tự mình đứng ra thành lập công ty La Duy ảnh nghiệp. Vào thời điểm đó, Thành Long vẫn chưa được mài dũa để trở thành một ngôi sao. Ông được biết đến với cái tên Trần Cảng Sinh và là con trai của một bếp trưởng ở Úc. Nhận thấy Thành Long có tiềm năng, La Duy đã lên kế hoạch biến anh thành Lý Tiểu Long thứ hai với tác phẩm Tân Tinh vũ môn. La Duy cũng là người giúp anh đổi nghệ danh thành "Thành Long" như hiện nay.
Từ biết ơn, Thành Long dần bất mãn với La Duy và đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Trong giai đoạn này, Thành Long đóng nhiều phim của La Duy như Tân tinh vũ môn, Thiếu Lâm mộc nhân hạng, Kiếm hoa yên vũ giang nam nhưng đều không thành công. Mãi cho tới năm 1978, khi Ngô Tư Viễn mời Thành Long đóng phim của đạo diễn Viên Hòa Bình, anh mới được thỏa sức sáng tạo võ thuật. Nhờ Xà hình điêu thủ và Túy Quyền, tên tuổi Thành Long nổi tiếng, không bị coi là bản sao của Lý Tiểu Long.
Nhận thấy phong cách hài hước trong võ thuật của Viên Hòa Bình giúp Thành Long trở nên nổi bật, La Duy đã quyết định áp dụng phương pháp làm phim tương tự và sản xuất nhiều tác phẩm theo phong cách này. Theo tờ Setn, trong cuốn tự truyện của Thành Long, anh tiết lộ rằng trong thời gian làm việc với La Duy, anh chỉ nhận được 3.000 HKD (khoảng 9 triệu VND hiện nay) với tư cách là diễn viên chính, trong khi một đạo diễn hành động nhận 12.000 HKD (khoảng 36 triệu VND hiện nay).
Sự bóc lột của La Duy đã khơi dậy sự bất mãn và phản kháng của Thành Long. Lúc này, anh đơn phương chấm dứt hợp đồng với công ty của La Duy để gia nhập hãng phim Gia Hòa nổi tiếng. Tuy nhiên, việc này khiến La Duy vô cùng tức giận và kiện đến Hội Tam Hoàng. Sự tranh chấp giữa hai bên chỉ được giải quyết khi có sự can thiệp của đạo diễn Vương Vũ. Sau khi rời công ty La Duy, Thành Long chính thức gia nhập Gia Hòa và trở thành ngôi sao võ thuật nổi tiếng quốc tế.
Lý Liên Kiệt cũng được La Duy nhìn trúng nhưng lại bị con trai ông "nẫng tay trên".
Sau khi đánh mất Thành Long, năm 1989, La Duy quyết định mở ra chương cuối trong sự nghiệp của mình. Anh thuyết phục Lý Liên Kiệt trở về Hong Kong (Trung Quốc) đóng phim. Mặc dù La Duy có tài năng trong việc phát hiện nhân tài, nhưng ông lại không biết cách giúp họ trở thành ngôi sao. Sau khi ra mắt bộ phim "Long Tại Thiên Nhai", phản ứng của khán giả đối với Lý Liên Kiệt vẫn khá lạnh nhạt, khiến tên tuổi của ông chưa phát triển.
Lúc này, con trai của La Duy là La Đại Vệ nhìn ra điểm thiếu sót của cha mình. Chính La Đại Vệ đã khuyên Lý Liên Kiệt nên ký hợp đồng với một công ty lớn khác để sự nghiệp được phát triển. Vào thời điểm trên ở Hong Kong (Trung Quốc), ngoại trừ Thiệu Thị chỉ có Gia Hòa là công ty làm phim lớn. Con trai của La Duy đã thuyết phục Lý Liên Kiệt ký hợp đồng với Gia Hòa và giúp ngôi sao họ Lý thành danh.
Đầu những năm 1990, sự nghiệp của La Duy trở nên ảm đạm. Là một nhà sản xuất kiêm đạo diễn, ông đã chi đến 18 triệu HKD (khoảng 53 tỷ VND hiện nay) cho bộ phim "Nhất Đao Khuynh Thành", nhưng tác phẩm này lại thất bại thảm hại.
Đạo diễn nổi tiếng qua đời năm 1996 vì một cơn đau tim.
Ngày 20/1/1996, La Duy qua đời ở tuổi 77 do một cơn đau tim. Sự ra đi của ông để lại nhiều tiếc nuối cho người hâm mộ. Năm 2006, tên tuổi của đạo diễn quá cố được vinh danh tại Đại Lộ Ngôi Sao Hồng Kông, ghi nhận những đóng góp của ông cho nền điện ảnh.
Tùng Lâm (t/h)
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/cuoc-doi-bi-tham-cua-ong-trum-tung-khong-che-3-sieu-sao-ly-tieu-long-thanh-long-ly-lien-kiet-204241015215949296.htm