Cuộc đối đầu ác liệt thực sự giữa Nga - Ukraine

Cuộc đối đầu ác liệt thực sự giữa Nga - Ukraine
một giờ trướcBài gốc
Các tổng thống Ukraine, Mỹ và Nga. Ảnh: RTE
Theo CNN, đó là lý do tại sao cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Trump và người đồng cấp Nga Putin vào ngày 19/5 lại có tầm quan trọng then chốt như vậy. Hiện, cả Moscow lẫn Kiev đều cố gắng chứng tỏ bên kia mới là rào cản thực sự đối với hòa bình. Cả hai bên đều hy vọng xoay chuyển được quan điểm hay thay đổi của ông Trump theo hướng có lợi cho mình, ít nhất trong một thời gian nhất định.
Các quan chức châu Âu tuyên bố sẽ thảo luận với ông Trump trước khi người đứng đầu Mỹ điện đàm với Tổng thống Nga Putin. Cuộc điện đàm lần thứ 3 kể từ đầu năm giữa ông Trump và ông Putin dự kiến diễn ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại rằng quan điểm của lãnh đạo Nhà Trắng về cuộc xung đột ở Ukraine sẽ do người trò chuyện cuối cùng với ông định hình.
Tháng trước, sau khi trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại lễ tang của cố Giáo hoàng Francis, ông Trump đã có một số tuyên bố chỉ trích Tổng thống Nga, lên án ông Putin về việc Moscow tấn công tên lửa vào Kiev. Tổng thống Mỹ cũng bày tỏ ông không chắc liệu Tổng thống Nga có nghiêm túc trong việc chấm dứt xung đột hay không.
Theo các nhà phân tích, chừng nào cuộc điện đàm còn kéo dài, ông Putin còn khiến ông Trump lắng nghe mình. Trong đó, nhà lãnh đạo Nga có thể rót vào tai ông Trump bất kỳ điều gì có lợi cho Moscow nhất. Ngoài ra, ông Trump và ông Putin dường như có cùng niềm tin không thể lay chuyển rằng, chỉ có họ mới đủ thẩm quyền và kỹ năng cá nhân để giải quyết cuộc xung đột Moscow - Kiev, trong khi châu Âu và Ukraine cuối cùng sẽ là các bên phải làm theo chỉ dẫn.
Các cuộc đàm phán không mấy ấn tượng giữa Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỹ tuần trước dường như đã nhấn mạnh đến cảm nhận riêng của ông Trump về vai trò trung tâm của một thỏa thuận. Điều đó khuyến khích vị tổng thống thứ 47 của Mỹ tiếp tục các nỗ lực hòa bình ông gần đây từng đe dọa từ bỏ, thông qua quyết định điện đàm trực tiếp với người đồng cấp Nga.
Nỗi sợ lớn nhất của Ukraine lúc này là hai nguyên thủ Mỹ và Nga sẽ tự đưa ra kế hoạch hòa bình qua điện đàm, sau đó ông Trump sẽ tìm cách áp đặt các điều khoản của Nga với Ukraine bằng các đe dọa rút viện trợ quân sự và kinh tế quan trọng của Mỹ. Theo kế hoạch, sau khi điện đàm với Tổng thống Nga Putin, ông Trump sẽ trò chuyện với người đồng cấp Ukraine và các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU).
Tổng thống Trump có thể dùng đòn bẩy với Nga, nếu ông lựa chọn làm điều đó. Với số thương vong trong cuộc xung đột với nước láng giềng ngày càng tăng và nền kinh tế trong tình trạng căng thẳng, Điện Kremlin chắc chắn không muốn hướng ông Trump tới việc khôi phục hoặc có thể thể tăng gấp đôi sự hỗ trợ của Washington cho Kiev.
Giới quan sát lưu ý, vấn đề tồn tại dai dẳng giữa Nga và Ukraine vẫn là cả hai bên đều không muốn chấp nhận các điều khoản tối thiểu của nhau để có thể đi tới sự thỏa hiệp đủ làm bên kia hài lòng. Điều đó không có nghĩa, các cuộc đàm phán, dù gặp mặt trực tiếp hay qua điện thoại đều vô nghĩa. Ngoài ra, ngay cả dưới sức ép của Mỹ và sau cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin, cả Moscow và Kiev vẫn có thể chọn tiếp tục đối đầu.
Hoài Linh
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/cuoc-doi-dau-ac-liet-thuc-su-giua-nga-ukraine-2402729.html