Cuộc đua lợi nhuận ngân hàng quý I/2025: Những cái tên mới vươn lên top đầu

Cuộc đua lợi nhuận ngân hàng quý I/2025: Những cái tên mới vươn lên top đầu
9 giờ trướcBài gốc
Kết thúc quý I/2025, nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng nhờ kiểm soát chi phí hiệu quả, lựa chọn tín dụng một cách thận trọng và gia tăng mạnh mẽ thu nhập ngoài lãi.
Tuy nhiên, đằng sau những con số tích cực ấy là sự phân hóa ngày càng rõ nét trong toàn ngành. Trong khi một số ngân hàng vươn lên mạnh mẽ với mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới ba chữ số, thì vẫn còn không ít đơn vị phải đối mặt với đà suy giảm, phản ánh những thách thức nội tại riêng biệt.
Nhiều ngân hàng tăng tốc, xáo trộn vị trí top 10
Khách hàng giao dịch tại Vietcombank. Ảnh: BNEWS phát
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu toàn ngành với lợi nhuận trước thuế quý I/2025 đạt 10.859 tỷ đồng, nhỉnh hơn 1% so với cùng kỳ. Dù tổng thu nhập hoạt động giảm nhẹ và chi phí hoạt động tăng đáng kể lên mức 11,3%, Vietcombank vẫn bảo toàn mức lãi nhờ cắt giảm mạnh chi phí dự phòng – chỉ còn 752 tỷ đồng, bằng một nửa cùng kỳ năm ngoái.
Vượt qua nhiều tên tuổi để vươn lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng lợi nhuận, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB )ghi nhận 8.386 tỷ đồng, tăng vọt 45% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng mạnh của MB đã khiến Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lùi xuống vị trí thứ ba dù ngân hàng quốc doanh này vẫn giữ lợi nhuận ổn định ở mức 7.413 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với quý I/2024.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) – ngân hàng từng đứng đầu khối tư nhân về lợi nhuận – bất ngờ tụt xuống vị trí thứ tư khi lợi nhuận giảm 7%, còn 7.236 tỷ đồng. Diễn biến này phần nào phản ánh thách thức trong tăng trưởng tín dụng và áp lực thu hẹp biên lãi ròng trong bối cảnh cạnh tranh lãi suất tăng cao.
Vị trí tiếp theo thuộc về Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) với lãi trước thuế hơn 6.823 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bảng tổng kết quý này, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) cũng là cái tên gây ấn tượng khi lợi nhuận đạt 5.355 tỷ đồng, tăng 33% và vượt qua mức lợi nhuận 5.015 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) để trở thành ngân hàng tư nhân có lợi nhuận cao thứ hai sau Techcombank. VPBank dù vẫn tăng trưởng tốt ở mức 20% nhưng bị các đối thủ bám sát về quy mô lãi ròng.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) lần lượt ở các vị trí tiếp theo với lợi nhuận đạt mức 4.597 tỷ đồng và 4.400 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) nổi bật với mức tăng trưởng lợi nhuận “khủng” – gần 189% so với cùng kỳ, lọt vào top 10 với lợi nhuận đạt 4.350 tỷ đồng. Nhờ đẩy mạnh thu nhập ngoài lãi, SeABank đã hoàn thành gần gấp đôi kế hoạch quý, trở thành ngân hàng có tốc độ tăng lợi nhuận nhanh nhất trong top 10.
Khách hàng giao dịch tại SeABank. Ảnh: BNEWS phát
Nếu xét về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, nhóm ngân hàng nhỏ đang gây ấn tượng mạnh sau kỳ báo cáo này. Trong số 10 ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất, nhiều cái tên có quy mô tài sản khiêm tốn nhưng đã có bước nhảy vọt về hiệu quả kinh doanh như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) tăng trưởng đến 238% so với cùng kỳ, SeABank tăng trưởng 189%, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) tăng trưởng 125%...
SeABank không chỉ đạt lợi nhuận cao mà còn thể hiện chiến lược tái cấu trúc hiệu quả, khi thu nhập ngoài lãi đóng góp chủ đạo và tỷ lệ nợ xấu giảm so với đầu năm. VietBank và ABBank cũng cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực khi thu nhập lãi thuần tăng mạnh, kiểm soát tốt chi phí.
Lợi nhuận phân hóa mạnh
Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Nhất Việt (VFS), kết quả lợi nhuận khả quan của các ngân hàng trong quý I được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng tích cực trước hết đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng. Thực tế từ giữa tháng 4 đến nay, nhiều mã cổ phiếu trong nhóm này đã có diễn biến phục hồi rõ nét từ vùng đáy. Một số mã như VAB, STB, MBS… thậm chí đã quay trở lại vùng giá cao trước khi điều chỉnh mạnh vào đầu tháng 4 – điều này phản ánh phần nào kỳ vọng tích cực của thị trường vào kết quả kinh doanh quý I.
Về triển vọng dài hơi hơn, vị chuyên gia cho rằng nếu lợi nhuận của các ngân hàng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025, xu hướng tích cực này sẽ tiếp tục lan tỏa đến cổ phiếu ngân hàng và góp phần hỗ trợ thị trường chung. Cần nhấn mạnh rằng, cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn nhất trên thị trường, vì vậy sự khởi sắc của nhóm này sẽ là lực đẩy quan trọng đối với chỉ số VN-Index.
"Ngoài ra, diễn biến tích cực của nhóm ngân hàng cũng góp phần củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. Trong bối cảnh nhiều cổ phiếu ngân hàng đang được định giá hấp dẫn, điều này có thể kích hoạt dòng tiền quay trở lại không chỉ với nhóm ngân hàng mà còn lan tỏa sang các ngành khác", ông Nguyễn Minh Hoàng chia sẻ.
Tính chung toàn ngành ngân hàng, lợi nhuận trước thuế quý I/2025 đạt trên 82.000 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ – một con số tăng trưởng tích cực trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Song bức tranh tổng thể cho thấy sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngân hàng. Trong khi nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội, một số ngân hàng khác lại đối mặt với sụt giảm lợi nhuận.
OCB giảm tới 27%, còn 893 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế do thu nhập ngoài lãi suy giảm mạnh
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) giảm tới 27%, còn 893 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế do thu nhập ngoài lãi suy giảm mạnh. Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) cũng giảm 17,3% xuống chỉ còn 96 tỷ đồng.
Từ bảng xếp hạng lợi nhuận quý I/2025, có thể thấy rõ sự dịch chuyển về vị trí giữa các ngân hàng, phản ánh khả năng thích ứng chiến lược và hiệu quả triển khai kinh doanh.
MB là trường hợp điển hình khi vượt qua BIDV để chiếm vị trí thứ hai nhờ tăng trưởng mạnh cả về tín dụng và thu nhập ngoài lãi. HDBank lần đầu vượt mặt ACB, VPBank để lọt vào top 5, cho thấy sự chuyển dịch trong hệ sinh thái ngân hàng tư nhân.
Ở chiều ngược lại, những ngân hàng sụt giảm lợi nhuận đang chịu áp lực lớn về tái cấu trúc mô hình kinh doanh, kiểm soát chi phí, cũng như đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn thu. Trường hợp của OCB hay PGBank cho thấy dù có lợi thế vốn và tài sản nhưng nếu không linh hoạt trong chiến lược, việc giữ vị trí trong top đầu sẽ ngày càng khó khăn hơn.
Thứ hạng các ngân hàng có thể tiếp tục thay đổi mạnh trong những quý tới, khi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, chiến lược mở rộng tín dụng và hiệu quả hoạt động sẽ là yếu tố then chốt định vị lại vị thế trong toàn hệ thống.
Lê Phương/BNEWS/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/cuoc-dua-loi-nhuan-ngan-hang-quy-i-2025-nhung-cai-ten-moi-vuon-len-top-dau/372075.html