Cửa hàng Katinat ở thành phố Huế. Ảnh: Katinat.
Cuối tháng 9, Starbucks khiến khách hàng thích thú khi mở cửa hàng mới ngay gần chợ Đà Lạt. Ít lâu sau đó, Highlands Coffee cũng mở cửa hàng mới ở vị trí có phần còn đặc địa hơn ngay búp hoa Atiso, quảng trường Lâm Viên của thành phố ngàn hoa.
Động thái của 2 chuỗi cà phê thuộc nhóm lớn nhất thị trường trong nước phản ánh xu hướng mới khi các thành phố du lịch như Hội An, Huế, Đà Lạt, Phú Quốc... đang trở thành thị trường tiềm năng của các chuỗi trà - cà phê.
Đổ về các thành phố du lịch
Gần đây, Starbucks có xu hướng mở cửa hàng mới tại các thành phố du lịch với tần suất dày đặc. Sau cửa hàng tại Đà Lạt, Starbucks tiếp tục mở 2 cửa hàng tại sân bay Phú Quốc, VinWonders Phú Quốc cùng 1 cửa hàng tại Vincom Hạ Long.
Chuỗi cà phê lớn nhất thế giới cũng bật mí cửa hàng đầu tiên tại Huế sẽ sớm đi vào hoạt động. Giống như cửa hàng tại Đà Lạt, cửa hàng tại Huế được dự đoán trở thành cửa hàng biểu tượng của chuỗi tại cố đô khi tọa lạc ngay cạnh sông Hương với phong cách độc đáo, khác biệt so với những cửa hàng cùng chuỗi.
Trong khi đó, vào tháng 10, Katinat cũng đã mở cửa hàng đầu tiên tại Huế, sau cửa hàng tại Vũng Tàu, Cần Thơ và Hải Phòng. Trong đó, cửa hàng ở Vũng Tàu nổi bật với mặt tiền đắc địa, rộng rãi với view hướng thẳng ra biển.
Cửa hàng Starbucks ở Hạ Long có tầm view đẹp nhìn ra vịnh Hạ Long. Ảnh: Starbucks.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Việt Nam, cho biết khi thị trường tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM đã bão hòa, các chuỗi lớn sẽ tìm đến những địa điểm mới để tiếp cận tệp khách hàng mới.
"Nơi nào chưa thiết lập hiện diện và có ít đối thủ cạnh tranh đồng nghĩa với cơ hội kinh doanh càng cao", ông David khẳng định.
Chuyên gia đánh giá các địa điểm du lịch tuy chưa đạt lượng khách quốc tế như mức trước dịch nhưng vẫn có tiềm năng kinh doanh khá hấp dẫn nhờ triển vọng hồi phục du lịch tích cực cộng với nguồn khách nội địa tăng đáng kể.
Do vậy, sau khi xem xét yếu tố nguồn khách du lịch cũng như được thúc đẩy bởi dự báo tình hình kinh tế năm sau, các thương hiệu F&B tăng trưởng nhanh đang tranh thủ thời điểm này để mở cửa hàng, đón mùa cao điểm du lịch cuối năm (Giáng sinh, Tết) và hè năm 2025.
Lợi thế khi mở cửa hàng ở những vị trí này là giá thuê còn hợp lý nếu so với khu trung tâm tại những thị trường trọng điểm như TP.HCM và Hà Nội. Nếu kết hợp với chiến dịch tiếp thị và truyền thông tốt, việc khai trương cửa hàng mới có thể tạo hiệu ứng lan tỏa, kích thích du lịch và kinh tế của khu vực.
Bàn đạp để vươn ra quốc tế
Cùng quan điểm, ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty Tư vấn FnB Director và Horeca Business School đánh giá các chuỗi cà phê có khả năng mở rộng dễ dàng hơn nhà hàng và quán ăn.
Việc vận hành chuỗi cung ứng cho các cửa hàng trên phạm vi toàn quốc tương đối linh hoạt. Điều này cho phép thương hiệu có thể chỉ cần 1-2 cửa hàng ở mỗi tỉnh mà vẫn vận hành hiệu quả, điều mà các chuỗi nhà hàng có thể gặp nhiều thách thức hơn.
Bên cạnh đó, cửa hàng tại các điểm du lịch phát triển mang đến lượng khách hàng nội địa rất lớn từ các thành phố, từ thị trường tỉnh lân cận và đặc biệt là khách quốc tế. Các chuỗi trà - cà phê khi làm tốt ở thị trường này có thể tăng đáng kể uy tín thương hiệu, tạo ra các điểm đến mà khách hàng trong và ngoài nước đều muốn ghé thăm.
Ngoài ra, ông Thanh khẳng định thành công tại các điểm đến du lịch cũng là bàn đạp để các thương hiệu ngoại như Starbucks được địa phương hóa trong khi các thương hiệu nội địa như Katinat hay Highlands Coffee có cơ hội quốc tế hóa.
Cửa hàng Highlands Coffee ở quảng trường Lâm Viên, Đà Lạt. Ảnh: Minh Phan.
Việc xây dựng các cửa hàng tại các điểm du lịch quan trọng có thể giúp các chuỗi thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế, từ đó tạo ra các cơ hội hợp tác và mở rộng ở các thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, ông David nhận định lượng khách và mức độ sôi động của các địa điểm du lịch thường mang tính chu kỳ (theo mùa). Đây là yếu tố cần suy xét kỹ trước khi quyết định đầu tư vào bất kỳ mặt bằng bán lẻ mới nào.
Bên cạnh đó, các thương hiệu cần có phương án tối ưu chi phí vận hành tại các chi nhánh mới mở để không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chung của cả chuỗi.
Trước đó, hồi tháng 8, The Coffee House đã phải đóng cửa toàn bộ chi nhánh ở Cần Thơ và Đà Nẵng sau 6-7 năm hoạt động tại 2 thị trường này. Đại diện The Coffee House cho biết quyết định này nhằm thích ứng với điều kiện thay đổi, tối ưu hóa chi phí giúp đảm bảo hiệu quả kinh doanh toàn hệ thống.
Diệu Thanh