Cuộc đua mới giành thế thống trị Bắc Cực giữa Nga và các nước NATO

Cuộc đua mới giành thế thống trị Bắc Cực giữa Nga và các nước NATO
5 giờ trướcBài gốc
Nga và Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực. Vào năm 2024, Lầu Năm Góc cho biết Nga và Trung Quốc sẽ dựa nhiều hơn vào các công nghệ không người lái để giám sát những mối đe dọa trong khu vực này.
Chia sẻ với Business Insider, các nhà phân tích quân sự nhận định UAV có thể đóng vai trò quan trọng nếu xung đột quân sự bùng nổ ở Bắc Cực. Tuy nhiên, việc triển khai UAV với quy mô lớn ở nơi mà nhiệt độ mùa đông có thể xuống tới -40 độ C như Bắc Cực lại không hề dễ dàng.
UAV Norut của Na Uy được thử nghiệm ở Bắc Cực. Ảnh: High North News
Giành thế thống trị
Trong xung đột ở Ukraine, UAV trên không và trên biển đã được sử dụng rộng rãi làm nhiệm vụ giám sát, hoặc trang bị thuốc nổ để tấn công mục tiêu.
Ông Nicolas Jouan, nhà phân tích quốc phòng và an ninh tại RAND châu Âu, cho hay thách thức khi sử dụng UAV ở Bắc Cực đến từ "môi trường khắc nghiệt, và thiếu kết nối". Theo ông, hầu hết UAV đều chạy bằng pin, do đó dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh. Một vấn đề khác là phần lớn UAV dùng bộ điều khiển sử dụng tín hiệu GPS. Tuy nhiên, phạm vi phủ sóng của GPS lại “bị giảm" ở Bắc Cực.
Vào cuối tháng 4, Nhóm khai thác thông tin biệt kích số 30 của Anh cho biết đã thử nghiệm những giới hạn của công nghệ UAV khi triển khai huấn luyện trong điều kiện thời tiết cực lạnh ở Na Uy, đồng thời thử nghiệm các mô hình UAV mới tại đó.
Cùng thời điểm đó, Đại tá Joshua Glonek, chỉ huy đội chiến đấu Lữ đoàn 3 của Mỹ thuộc Sư đoàn miền núi số 10, cũng thừa nhận trong quá trình huấn luyện ở điều kiện thời tiết cực lạnh tại Đức, hoạt động của các UAV đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Chúng tôi phát hiện ra tuổi thọ pin bị giảm đáng kể trong điều kiện thời tiết lạnh, và ảnh hưởng đến thời gian bay, cũng như khả năng sử dụng một số loại UAV”, ông Glonek nói.
Lợi thế của Nga
Phó Giáo sư Gregory Falco tại Trường Kỹ thuật Cơ khí và Hàng không Vũ trụ Sibley thuộc Đại học Cornell, cho biết các hệ thống mà UAV sử dụng để thu thập dữ liệu như camera và lidar, công nghệ sử dụng tia laser để ghi lại khoảng cách và lập biểu đồ lãnh thổ, cũng có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi.
"Thách thức lớn nhất đối với việc phát triển UAV phục vụ xung đột ở Bắc Cực là cảm biến trong môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng", ông Falco nói.
Trong khi đó, Nga dường như chiếm lợi thế về công nghệ UAV trong khu vực này. Quân đội Nga đã triển khai các mẫu UAV bao gồm Orlan-10 và Inokhodets ở Bắc Cực, và đang phát triển UAV chiến đấu chuyên dụng S-70 Okhotnik.
UAV S-70 có kích thước bằng máy bay, và có thể được triển khai cho nhiệm vụ tấn công hoặc giám sát. Theo báo cáo, nó đã được thử nghiệm trong điều kiện ở Bắc Cực, song thông tin về công nghệ mà S-70 sử dụng vẫn là bí mật được Nga giấu kín. Thậm chí, Nga được cho đã bắn hạ một chiếc S-70 vào năm 2024 để ngăn nó rơi vào tay Ukraine.
Binh sĩ NATO tiến hành huấn luyện tại một thung lũng ở vùng núi Na Uy. Ảnh: PA
Phương Tây tăng cường hợp tác phát triển UAV
Trong cuộc đua tăng cường sự hiện diện ở Bắc Cực và tích hợp các công nghệ UAV mới, một số nước phương Tây đang hợp tác chặt chẽ với nhau. Như vào tháng 5/2024, Đan Mạch và Na Uy tuyên bố họ sẽ triển khai các hoạt động trinh sát chung bằng UAV, và mẫu UAV MQ-4C Triton là một trong những thiết bị đang được xem xét sử dụng.
Một báo cáo vào năm 2024 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết, UAV MQ-4C Triton tầm xa của tập đoàn Northrop Grumman là một trong số ít UAV do phương Tây sản xuất có khả năng hoạt động hiệu quả trong điều kiện khắc nghiệt ở Bắc Cực. Tuy nhiên, do UAV MQ-4C được thiết kế để giám sát ở độ cao lớn, nên chúng có thể dễ dàng trở thành mục tiêu của Nga.
Trong khi đó, tờ Barents Observer đưa tin, Na Uy cũng chuẩn bị mở một căn cứ giám sát UAV ở trung tâm quân sự Andøya. Bên cạnh đó, các quốc gia Scandinavia cũng đang tìm cách tự phát triển các UAV có khả năng chịu được điều kiện ở Bắc Cực.
Trong báo cáo năm 2024, CSIS cho biết khu vực Bắc Cực cũng sẽ cần đến số lượng lớn UAV như ở Ukraine. Do đó, các nước phương Tây nên ưu tiên số lượng, chứ không chỉ là chất lượng.
Minh Thu
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/cuoc-dua-moi-gianh-the-thong-tri-bac-cuc-giua-nga-va-cac-nuoc-nato-2400359.html