Lời tòa soạn
Trong những năm qua, tỷ lệ học sinh đỗ vào lớp 10 công lập tại Hà Nội cao nhất chỉ hơn 60%. Một suất học công lập giữa lòng Thủ đô trở thành “cuộc đua nóng” khiến nhiều phụ huynh, học sinh như “ngồi trên đống lửa”. Thực tế này có nguyên nhân tồn tại nhiều năm do hệ thống trường công ở Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu. VietNamNet thực hiện tuyến bài về thực trạng và giải pháp tháo gỡ vấn đề này trong bối cảnh bỏ cấp huyện, sáp nhập phường xã và sắp xếp trụ sở dôi dư.
'Thi vào nhiều trường ở nội thành, cứ hai em thi có một em trượt'
Chiều 13/5, Hà Nội công bố tỷ lệ chọi thi lớp 10 từng trường THPT năm 2025. Theo đó, tỷ lệ chọi lớp 10 công lập Hà Nội cao nhất là 1/2,44 (Trường THPT Yên Hòa) - tức trung bình gần 3 thí sinh dự thi mới có 1 em đỗ. Lần lượt xếp sau về mức độ cạnh tranh suất vào cao là các trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông với tỷ lệ chọi 1/2,35; THPT Kim Liên với tỷ lệ chọi 1/2,15.
Đây cũng là lần đầu sau 3 năm liên tiếp, không trường nào ở Hà Nội có tỷ lệ chọi vượt mức 1/3.
Năm nay, trong 127.000 học sinh tốt nghiệp THCS, có hơn 103.456 em đăng ký thi lớp 10 THPT công lập. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 được Sở GD-ĐT Hà Nội giao cho 115 trường công lập không chuyên là 75.670, số còn lại gần 30.000 học sinh có thể chọn trường tư, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên hay trường trung cấp, cao đẳng nghề đào tạo chương trình 9+.
Về con số này, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết ngành giáo dục Thủ đô “đã rất cố gắng” tăng tỷ lệ học sinh được tuyển vào lớp 10 của các trường THPT công lập lên mức 64%, cao hơn so với mức 60-61% của các năm học trước.
Dẫu vậy, trong những năm qua, kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội vẫn được đánh giá là vô cùng khốc liệt. Chẳng hạn, tại Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy), tỷ lệ chọi năm ngoái lên tới 1/3,11, tức trung bình cứ 3 thí sinh dự thi chỉ có một em đỗ. Năm 2024 là năm thứ ba liên tiếp, tỷ lệ chọi lớp 10 ở Hà Nội vượt mức 1/3.
Xét chung các quận nội thành, tỷ lệ chọi rất nhiều trường vẫn lên tới 1/2, tức trung bình cứ hai em thi sẽ có một em trượt.
Nhiều phụ huynh có con trượt lớp 10 công lập phải xoay sở cho con vào trường tư, nếu không muốn theo học trường công xa nhà hay vào trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện kinh tế để cho con vào trường tư. Cuộc đua vào trường công bằng mọi giá vì thế càng nóng hơn bao giờ hết.
Về vấn đề này, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Quản lý Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) nhận định, nguyên nhân khiến “cuộc đua” vào lớp 10 trường THPT công lập tại các thành phố lớn như Hà Nội trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết là do tâm lý phụ huynh muốn con “phải vào được lớp 10 công lập bằng mọi giá”. Trong khi đó, hệ thống trường ở Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu.
Mặt khác, hệ thống trường lớp ở các thành phố lớn không theo kịp tốc độ tăng của dân số. Việc có quá nhiều chung cư, nhà cao tầng mọc lên, quy hoạch thiếu đồng bộ khiến những khu vực đông dân cư trở nên quá tải.
“Một khu đô thị mới mọc lên thì dân số tương đương với một phường. Trong khi trường lớp không đủ đã gây ra tình trạng thiếu chỗ học cho học sinh”, bà Huyền nói.
Học sinh thi vào lớp 10 tại điểm thi Trường THPT Kim Liên năm 2024. Ảnh: Phạm Hải
Đồng quan điểm, hiệu trưởng một trường THPT tư thục tại Hà Nội nhìn nhận hầu hết học sinh đều không muốn học trường nghề hay trung tâm giáo dục thường xuyên; cũng không có phụ huynh nào muốn con em mình lỡ dở việc học chỉ vì thi trượt.
Do đó, cuộc đua vào lớp 10 cứ thế trở nên khốc liệt và căng thẳng. Với nhiều phụ huynh, kỳ thi vào lớp 10 của con còn căng thẳng hơn cả thi đại học, thậm chí đây được coi là cơ hội "quyết định cả đời người".
Tuy nhiên, vị hiệu trưởng này cũng cho rằng, không phải phụ huynh chỉ thích vào trường công nên mới có tâm lý như vậy. “Điều phụ huynh mong muốn là con được vào những ngôi trường có chất lượng giáo dục tốt, kinh phí phù hợp, bất kể là công hay tư. Trong khi đó, các trường tư hầu như đều đang đua nhau nâng giá thành", ông nói.
Trong số các trường tư có công bố mức thu học phí lớp 10, mức thấp nhất hiện nay khoảng 2 triệu đồng/tháng, cao nhất lên tới gần 90 triệu đồng. Học phí của các trường hầu hết đều tăng qua các năm, ở mức 10-30%.
Con số thống kê trên chỉ là mức cơ bản. Ngoài học phí, nhiều trường thu thêm phí chương trình bổ trợ, tăng cường, tiếng Anh, năng khiếu... từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng một tháng.
So với thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội hiện nay là khoảng 6,86 triệu đồng/người/tháng, chuyên gia đánh giá chi phí học tập trên là mức "quá sức chịu đựng".
"Nhà nước cần can thiệp để giải bài toán hạ học phí, khiến người dân đồng ý cho con học tư thục với mức kinh phí trong ngưỡng chấp nhận được”, vị hiệu trưởng này nói.
Khối công lập chưa đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh
Hiện nay, Hà Nội có 119 trường THPT công, trên 100 trường tư và một số loại hình khác. Theo PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, hệ thống giáo dục đa dạng loại hình cho người học lựa chọn sau bậc THCS như trường ngoài công lập, trường trung cấp nghề, hệ giáo dục thường xuyên…
Trong trường nghề, các em vẫn có thể vừa học nghề, vừa hoàn thiện chương trình phổ thông. Đối với học sinh có lực học trung bình, điều kiện kinh tế gia đình không cao, có thể coi đây là một con đường hiệu quả vì học phí thấp, sau đó có nhiều lựa chọn như đi làm luôn hoặc tiếp tục bậc đại học.
Theo Giám đốc GD-ĐT Trần Thế Cương, Hà Nội kiên trì chủ trương bảo đảm 100% số học sinh đã tốt nghiệp THCS có nguyện vọng tiếp tục đi học đều được tuyển vào các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
"Các loại hình trường học của Thủ đô đảm bảo đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh", ông Cương nói.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, nhất là ở cấp THCS hiện nay ở Hà Nội còn chịu nhiều áp lực từ phụ huynh và chưa thực sự hiệu quả.
Ông Cương cũng thừa nhận, áp lực về chỗ học không như sự tính toán cơ học, vì còn lệ thuộc rất nhiều vào nhu cầu, lựa chọn của phụ huynh, học sinh. Điều này dẫn tới tình trạng có nơi không tuyển đủ chỉ tiêu, có nơi áp lực quá lớn vì số học sinh đông, trong khi trường công quá ít.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, tính đến hiện tại, 5 quận thiếu nhiều trường THPT công lập nhất là Cầu Giấy, Tây Hồ, Hà Đông, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm.
(Còn nữa)
Thúy Nga
Hoàng Thanh