Việc bỏ room tín dụng sẽ giúp các ngân hàng chủ động hơn khi lập kế hoạch tín dụng, tối ưu hóa lợi nhuận. Ảnh: Đ.T
Ngân hàng nào được hưởng lợi khi bỏ room tín dụng?
Liên quan tới chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc gỡ bỏ công cụ hành chính “room tín dụng”, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết cho rằng, việc bỏ room tín dụng giúp Việt Nam tiệm cận chuẩn quốc tế, phù hợp mục tiêu nâng hạng thị trường tài chính. “Quan trọng hơn, bỏ room tín dụng buộc các ngân hàng thương mại phải tăng trách nhiệm và năng lực tự chủ. Theo đó, thay vì ‘xin room’, ngân hàng thương mại phải tự quyết việc tăng tín dụng dựa trên sức khỏe tài chính và khả năng quản trị rủi ro”, ông Ngọc nhận định.
Đối với ngân hàng thương mại, việc bỏ room tín dụng sẽ giúp họ chủ động hơn khi lập kế hoạch tín dụng, tối ưu hóa lợi nhuận, đặc biệt trong mùa cao điểm nhu cầu vốn cuối năm. Thị trường chứng khoán cũng kỳ vọng hưởng lợi gián tiếp khi dòng vốn tín dụng linh hoạt, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hoạt động.
Tuy vậy, để tránh lặp lại “vết xe đổ”, các chuyên gia cho rằng, cần có “bộ phanh” hiệu quả. Nếu không, khi room tín dụng được gỡ bỏ, tín dụng sẽ ồ ạt chảy vào bất động sản, ngân hàng đua lãi suất, nợ xấu tăng cao, gây bất ổn kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng nhanh, nhưng phải bền vững của Chính phủ.
Theo TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Khoa Kinh tế học (Đại học Kinh tế quốc dân), NHNN chỉ có thể bỏ room tín dụng sau khi hoàn thiện và công khai một hệ thống tiêu chí đảm bảo an toàn hệ thống dựa trên bộ tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rủi ro ngân hàng và an toàn vốn (Basel III). Theo đó, ngân hàng nào đáp ứng 100% các tiêu chí, thì có thể được gỡ bỏ hoàn toàn room tín dụng. Các ngân hàng chưa đáp ứng điều kiện, sẽ bị kiểm soát tín dụng ở hạn mức phù hợp.
Thực tế, từ đầu năm nay, NHNN đã bỏ room tín dụng cho một nhóm ngân hàng (ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, Ngân hàng Hợp tác xã và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng). Hiện tại, cơ chế room tín dụng chỉ còn duy trì với nhóm ngân hàng thương mại trong nước.
Ông Lê Thanh Tùng, thành viên HĐQT VietinBank cho rằng, việc bỏ room tín dụng là xu thế tất yếu. Hiện NHNN đã có quy định khá đồng bộ về quản trị rủi ro và đang sửa đổi một số quy định để các ngân hàng tiệm cận tiêu chuẩn quản trị rủi ro quốc tế (như Basel III). Đây là các công cụ mà NHNN có thể áp dụng, buộc các ngân hàng thương mại phải tăng vốn tương ứng, nếu muốn tăng cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Nhiều khả năng, NHNN chưa thể bỏ ngay room tín dụng trong năm nay. Tuy nhiên, khi khả năng này xảy ra, bức tranh thị phần tín dụng của các ngân hàng sẽ có sự thay đổi. “Gỡ bỏ cơ chế hạn mức tín dụng sẽ có lợi cho các ngân hàng có bộ đệm vốn mạnh, do họ có khả năng mở rộng cho vay tốt hơn”, chuyên gia phân tích SSI Research đánh giá.
Giữ “phanh” an toàn khi bỏ “barrie” tín dụng
Lâu nay, room tín dụng là công cụ hiệu quả giúp NHNN dễ dàng kiểm soát cung tiền ra nền kinh tế. Hạn chế lớn nhất của công cụ này là làm nảy sinh cơ chế xin - cho, gây ách tắc dòng vốn, làm méo mó thị trường và cản trở cơ hội kinh doanh của ngân hàng thương mại. Vì vậy, dù ủng hộ việc gỡ bỏ room tín dụng, song các chuyên gia cảnh báo, rủi ro sẽ tăng lên khi thị trường không còn “barrie” an toàn, buộc NHNN phải có công cụ giám sát hiệu quả.
Việc bỏ room tín dụng có thể dẫn tới tình trạng cho vay quá mức, nhất là tại các ngân hàng yếu, dẫn tới nợ xấu gia tăng. Ngoài ra, việc kiểm soát tổng cầu tín dụng sẽ khó hơn, đòi hỏi NHNN có cơ chế điều hành vĩ mô đủ linh hoạt và mạnh mẽ.
- Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết
Ông Phan Linh, CEO Công ty cổ phần TechProfit cho rằng, nếu bỏ room mà thiếu công cụ kiểm soát thay thế, các ngân hàng sẽ chạy đua cho vay để tối đa hóa lợi nhuận, vốn dễ chảy vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán. Khi đó, áp lực lạm phát, tỷ giá có thể quay lại, bong bóng tài sản dễ hình thành. “Bỏ room tín dụng là xu thế đúng, nhưng phải đi kèm kỷ luật quản trị và giám sát đủ mạnh. Nếu không, rủi ro quay lại thời tín dụng nóng là hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Linh cảnh báo.
Theo nguồn tin từ SSI Research, NHNN đã ban hành dự thảo thông tư về CAR, cập nhật các quy định mới tại chuẩn mực Basel III (2017) và đang lấy ý kiến từ các ngân hàng.
Tuy vậy, với thực trạng sức khỏe hệ thống ngân hàng đang phân hóa mạnh như hiện nay, đưa ra bộ “phanh” như thế nào để đảm bảo thị trường không bị ách tắc mà vẫn có thể khuyến khích được ngân hàng lành mạnh là vấn đề khó.
Chưa kể, ngay cả khi áp dụng tiêu chuẩn Basel II, Basel III, việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng nếu thiếu công cụ “room”, sẽ rất khó khăn, nhất là khi hệ thống còn nhiều ngân hàng yếu kém.
Trao đổi với báo chí đầu tuần này, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, cơ chế room tín dụng dược NHNN áp dụng từ năm 2012, khi tín dụng toàn ngành tăng trưởng nóng (có năm tăng 54%), một số tổ chức tín dụng đứng trên bờ vực phá sản, lãi suất trên thị trường tăng cao, các ngân hàng rơi vào vòng xoáy cạnh tranh không lành mạnh. Đến nay, những hệ lụy của quá khứ tăng trưởng nóng vẫn còn tồn tại. Do đó, việc bỏ room tín dụng phải phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam. “Thời gian tới, NHNN sẽ nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động chính sách để có tiền đề bỏ hoàn toàn room tín dụng”, ông Quang cho biết.
Trong khi đó, theo các chuyên gia quốc tế, để thực hiện chính sách tiền tệ đa mục tiêu như hiện nay, muốn gỡ bỏ room tín dụng mà không để xảy ra các hệ lụy như đua lãi suất huy động, tăng trưởng tín dụng nóng…, thì NHNN phải có tính chủ động cao, đặc biệt trong điều hành lãi suất.
Hà Tâm