Cuộc gặp gỡ đầy cảm xúc với các anh hùng Tám Thảo, Tư Trung, Từ Đễ

Cuộc gặp gỡ đầy cảm xúc với các anh hùng Tám Thảo, Tư Trung, Từ Đễ
10 giờ trướcBài gốc
Đoàn tới thăm anh hùng Tám Thảo (người mặc quân phục)
Đoàn do Thiếu tướng Trần Vinh Ngọc - Chính ủy Quân khu 7 dẫn đầu. Tham gia đoàn có ông Phan Nguyễn Như Khuê - ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, bà Nguyễn Thị Bạch Mai - Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận thành ủy, lãnh đạo các quận Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình...
Người đầu tiên mà đoàn tới thăm là Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Mỹ Nhung (còn gọi là Nguyễn Thị Yên Thảo hay Tám Thảo).
Chị Nguyễn Thị Kiều Nhi - Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận cho biết, địa phương vẫn thường xuyên thăm hỏi, động viên nữ anh hùng.
Ảnh thời trẻ của bà Tám Thảo
Bà Nguyễn Thị Mỹ Nhung sinh năm 1932 trong một gia đình tiểu tư sản, buôn bán ở chợ Bến Thành (Sài Gòn). Năm 16 tuổi, bà theo cha mẹ về Vĩnh Long rồi tìm ra vùng chiến khu và được giao nhiệm vụ ban đầu là lái đò đưa cán bộ qua sông. Sau đó, bà được đưa vào nội thành Sài Gòn làm giao thông viên bí mật.
Khi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, bà là Thượng úy, cán bộ của cụm tình báo H63 huyền thoại thuộc Đoàn J22, Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng Tham mưu (nay là Tổng cục II, Bộ Quốc phòng).
“Những chiến công xuất sắc của bà khẳng định bản lĩnh, tài trí và quyết tâm cống hiến cho cách mạng, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Bà trở thành niềm tự hào của lực lượng Tình báo Quốc phòng Việt Nam” - Trung tướng Phan Văn Việt, Chính ủy Tổng cục II, khẳng định tại lễ phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho bà Tám Thảo, diễn ra tại TPHCM tháng 11/2018.
Anh hùng LLVTND, Đại tá Từ Đễ (ngoài cùng bên trái) tặng sách cho đoàn
Anh hùng LLVTND, Đại tá Từ Đễ tặng đoàn cuốn sách "108 phi công chiến đấu Việt Nam". Đây là cuốn sách về lực lượng phi công vừa được xuất bản, gửi từ Hà Nội vào.
Đại tá Từ Đễ sinh năm 1949, là Trung đoàn trưởng thứ 9 Trung đoàn Không quân 923 anh hùng. Ông là một trong 6 phi công Phi đội Quyết Thắng lái máy bay A37 oanh kích sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975, góp phần quan trọng trong thắng lợi của cuộc tổng tiến công Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông cho biết mình vui mừng trong những ngày này, khi tất cả cùng hướng về dịp kỷ niệm trọng đại của đất nước. Ông rất tự hào tham dự lễ diễu binh, diễu hành sắp tới.
Bức ảnh lịch sử ghi lại thời điểm phi công Từ Đễ (thứ 3 từ trái qua) cùng Phi đội Quyết Thắng tại sân bay Thành Sơn (Phan Rang) chiều tối 28/4/1975. Cả 6 phi công vừa rời máy bay, trong tay mỗi người cầm mũ bay. Các anh cười rạng rỡ, vui mừng sau khi thắng trận trở về. Ảnh tư liệu
Trận đánh của Phi đội Quyết thắng vào sân bay Tân Sơn Nhất tháng 4/1975 là một mốc son trong lịch sử vẻ vang của lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam. Với tinh thần “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, quyết thắng” chỉ sau 6 ngày luyện tập, chuyển loại máy bay khẩn trương, chiều 28/4/1975, Phi đội Quyết thắng gồm 4 phi công của Trung đoàn 923 là Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng và phi công Nguyễn Thành Trung, Trần Văn On, sử dụng máy bay A37 tập kích sân bay Tân Sơn Nhất.
Cuộc tập kích đã phá hủy 24 máy bay, làm cho tinh thần của Mỹ - ngụy hoảng loạn, thúc đẩy nhanh chóng quá trình tan rã của chính quyền Sài Gòn.
Sau này, các phi công Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng đã được phong tặng Anh hùng LLVTND. Phi công Trần Văn On được tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất.
Anh hùng LLVTND Nguyễn Thành Trung
Anh hùng LLVTND Nguyễn Thành Trung là cựu Đại tá Không quân Nhân dân Việt Nam. Ông đã lái máy bay F-5E ném bom vào dinh Độc Lập ngày 8/4/1975, thành viên Phi đội Quyết Thắng và là người Việt Nam đầu tiên lái máy bay Boeing 767 và 777.
Sinh năm 1947, tới năm 1965, ông được Ban Binh vận T2 (khu 8) đưa lên Sài Gòn tiếp tục học hết bậc phổ thông, rồi vào đại học. Sau đó, ông được Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo thi tuyển vào Không lực Việt Nam Cộng hòa. Ngay sau khi nhận được giấy báo trúng tuyển, ngày 31/5/1969, ông được kết nạp vào Đảng Nhân dân Cách mạng Miền Nam (sau hợp nhất trở lại Đảng Cộng sản Việt Nam).
Sau hơn một năm huấn luyện ở Nha Trang, năm 1970, ông được đưa đi đào tạo phi công ở các căn cứ Hoa Kỳ. Năm 1972 thì về nước, đóng quân tại căn cứ không quân Biên Hòa, biên chế trực thuộc sư đoàn 3 không quân, phi đoàn 540 Thần Hổ.
Ngày 8/4/1975, lúc 8h30, phi công Nguyễn Thành Trung (lúc đó là Trung úy Không lực Việt Nam Cộng hòa) lái máy bay F5-E ném bom dinh Độc Lập, rồi dùng súng 20 ly bắn vào kho xăng Nhà Bè.
Ngày 22/4/1975, ông được điều ra sân bay Đà Nẵng để hướng dẫn các phi công miền Bắc lái máy bay A-37 (Phi đội Quyết Thắng) do quân giải phóng chiếm được và huấn luyện trong vòng 1 tuần. Chiều 28/4/1975, Phi đội Quyết Thắng với ông là 1 trong 6 thành viên ném bom sân bay Tân Sơn Nhất.
Sau này, ông là Phó Tổng Giám đốc Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), cơ trưởng, giáo viên của loại máy bay Boeing 777 và là một trong những phi công dày dạn kinh nghiệm nhất của Việt Nam, với hơn 35 năm kinh nghiệm và hơn 22.000 giờ bay.
Với những đóng góp to lớn, ông đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 20/1/1994.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Mão, nguyên Phó Giám đốc Học viện Lục quân
Trong buổi gặp gỡ, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Mão kể rằng theo Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, cần phải viết sách, tập hợp tư liệu về các anh hùng, nhân chứng lịch sử.
Hiện nay, Thiếu tướng đã viết xong một cuốn sách với 7 chương kể lại hành trình của mình, đã đưa tới nhà in và đang chờ ngày ra mắt.
Đoàn cũng tới thắp hương cho Anh hùng LLVTND, Đại tá Bùi Văn Tùng - nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2.
Đại tá Bùi Văn Tùng sinh ngày 4/2/1930 tại quận Hải Châu, Đà Nẵng trong một gia đình công nhân. Tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, ông là một trong những sĩ quan đầu tiên của quân đội được đào tạo bài bản chuyên môn về tăng thiết giáp.
Suốt đời binh nghiệp đều phụ trách công tác chính trị, nhưng ông Tùng hẳn cũng không ngờ mình lại được lịch sử chọn làm người của thời khắc hòa bình.
Trung tá Bùi Văn Tùng (bên trái) - Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 cùng nhà báo Borries Gallasch (Đức, bên phải) tại sân dinh Độc Lập, Sài Gòn trưa 30/4/1975. Ảnh tư liệu
Về chi tiết lịch sử này, ngày 14/3/2022, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã có Kết luận số 974-KL/QUTW khẳng định như sau: “Vào thời điểm trưa ngày 30/4/1975, sau khi trực tiếp chỉ huy việc áp giải Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn; tại đây, đồng chí Đại úy Phạm Xuân Thệ, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 cùng các cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tổ chức soạn thảo lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh. Văn bản đang được soạn thảo thì đồng chí Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 có mặt.
Từ đó đồng chí Bùi Văn Tùng cùng bộ phận cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 66 tiếp tục soạn thảo và hoàn chỉnh lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm để phát trên Đài phát thanh.
Riêng lời Tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh do đồng chí Bùi Văn Tùng soạn thảo và trực tiếp đọc trên Đài phát thanh”.
Ông từ trần ngày 9/2/2023, thọ 94 tuổi. Tháng 10/2023, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Ngân Anh
Nguyễn Huế
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/cuoc-gap-go-day-cam-xuc-voi-cac-anh-hung-tam-thao-tu-trung-tu-de-2392808.html