Cuốc nương, trồng sắn nuôi 3 con ăn học

Cuốc nương, trồng sắn nuôi 3 con ăn học
6 giờ trướcBài gốc
Bước sang tuổi thất thập, ông Dương Tài Phủ, xóm Suối Bến, xã Liên Sơn (Lương Sơn) có niềm tự hào mà nhiều người ở vùng sâu, vùng xa như ông không làm được. Không phải về tiền bạc, của cải, mà ông luôn tự hào cả đời làm lụng vất vả đã nuôi được 3 người con học cao đẳng, đại học và trưởng thành. Ở thành phố, thị xã chuyện đó là bình thường, nhưng ở vùng khó khăn như xã, xóm của ông thì không phải ai cũng làm được.
Nhà văn hóa thôn Suối Bến, xã Liên Sơn (Lương Sơn) được ông Dương Tài Phủ vận động bà con góp công sức xây dựng.
Từ trung tâm huyện Lương Sơn về xóm Suối Bến gần 40km. Xóm nằm ẩn mình dưới những tán cây rừng ven suối. Ngôi nhà của ông Phủ ở ngay đầu xóm. Chia sẻ về chuyện gia đình, mắt ông ánh lên niềm tự hào: Vợ chồng tôi sinh được 3 người con, cả 3 đều được học cao đẳng, đại học. Đó là thành tích rất đáng tự hào với gia đình tôi.
Khi được hỏi về "bí quyết” dạy con học giỏi, ông Phủ thành thật: "Tôi không có bí quyết gì cả. Bản thân sinh ra nơi vùng sâu, vùng xa, quanh năm bám đất, bám rừng nên không có nhiều kiến thức để dạy con". Ông kể, khi các con còn nhỏ hai vợ chồng thay nhau kèm cặp, biết chữ nào dạy con chữ ấy. Ông bà không bao giờ dạy bằng đòn roi mà chỉ khuyên bảo các con chăm chỉ học hành. Không phụ lòng bố mẹ, các con đều chăm chỉ, ham học. Những năm đó, ở xóm vô cùng khó khăn. Gia đình ông cũng như bao gia đình khác bám đất, bám rừng trồng ngô, sắn, lấy măng… Cả gia đình 5 nhân khẩu chỉ dựa vào nguồn thu nhập từ ít ruộng và bám vào rừng mà sống. Có lúc đủ, lúc thiếu ăn. Những người con mỗi tuổi mỗi lớn, không chỉ phải lo ăn mà còn lo chuyện học hành khiến nỗi lo toan, vất vả ngày càng nặng trĩu trên đôi vai hai vợ chồng. Điều kiện học hành lại càng vất vả. Con đường từ nhà đến trường khoảng 7km là đường rừng xe không thể đi được. Các con đi bộ đến trường. Nhiều hôm trời mưa, rét, chiều tối muộn thương các con ông phải đi bộ đến tận trường đón.
Nhưng càng vất vả ông bà càng quyết tâm nuôi các con ăn học nên người. Bởi theo ông chỉ có con đường học hành mới giúp gia đình thoát khỏi khó khăn, vất vả, con cái mới trưởng thành. Rồi bao vất vả của ông bà được báo đáp. Cô con gái đầu Dương Thị Lệ (sinh năm 1990) được học trung cấp sư phạm khoa mầm mon và liên thông bằng đại học. Tự hào về con, hai vợ chồng ông tích cực làm để nuôi con ăn học. Có những lúc thấy bố mẹ vất vả, các con muốn ở nhà làm nhưng ông Phủ không đồng ý. Ông bảo: "Con đã thấy đời cha mẹ lam lũ, vất vả. Con đã thấy đồng bào mình đói nghèo vì thiếu cái chữ. Vì thế, con phải cố gắng học mà thoát khỏi đói nghèo, có cái chữ để cùng đưa bà con mình tiến lên...”.
Nghe lời bố mẹ, các con ông quyết tâm theo đuổi con đường học tập. Sau cô con gái cả, người con thứ là Dương Chí Luật thi đỗ trường Đại học Tây Bắc và Đại học Bách khoa Hà Nội. Còn cậu út Dương Chí Tài sau khi học xong THPT đi bộ đội và học sĩ quan dự bị. Đến nay, cả 3 người con của ông đã trưởng thành. Chị Dương Thị Lệ là giáo viên mầm non ở xã Cao Sơn (Lương Sơn), anh Dương Chí Luật làm kỹ sư công tác ở Yên Bái, con trai út làm công an tại xã Liên Sơn.
Ở gia đình, ông là người mẫu mực làm gương cho con, cháu. Ở xóm, ông giữ cương vị bí thư chi bộ, tích cực tham gia tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế, hiến đất mở đường, xây dựng trường học... Nhiều trường hợp khi làm đường đi qua, ông đến tận nhà tuyên truyền, vận động gia đình hiến hơn 4.000m2 đất để mở đường. Nhờ đó, tuyến đường bê tông đi vào xóm được sạch sẽ, thuận tiện trong lưu thông, chở hàng hóa ra bên ngoài. Ông là tấm gương sáng của người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng. Dù bận công việc gì, nhưng nghe bà con trong thôn có việc ma chay, ốm đau, hoạn nạn là ông sắp xếp đến động viên, chia sẻ. Ông vinh dự 2 lần được gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Chúng tôi ra về với cái bắt tay ấm áp và nụ cười mãn nguyện của hai ông bà, trong lòng cảm phục về một tấm gương gia đình hiếu học, vượt qua mọi khó khăn để nuôi dạy các con nên người.
Việt Lâm
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/246/194615/cuoc-nuong,-trong-san-nuoi-3-c111n-an-hoc.htm