Xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, ngoài 80ha chè shan tuyết được trồng từ những năm 1950, còn có loại chè cổ thụ hàng trăm năm ở bản Leo. Với hương vị đặc trưng, loại chè này được nhiều người ưa chuộng.
Để đến được khu vực có những cây chè cổ, phóng viên cùng người dân bản địa đi xe máy từ trung tâm bản Leo, theo đường dốc cao khoảng 1km. Vùng chè cổ thụ của bản Leo được rừng bao bọc xung quanh. Đa số cây chè có tuổi đời cao, thân to đầy rêu phong. Theo nhân dân trong bản, hầu hết cây chè cổ thụ ở bản Leo đều trên 100 tuổi.
Ông Đặng Văn Lôi (95 tuổi, bản Leo, xã Chiềng Yên) cho biết, những cây chè ở bản Leo mọc tự nhiên, không ai biết rõ có từ bao giờ. Từ khi còn nhỏ, ông Lôi đã thấy cây chè gắn bó với bà con trong bản, hái về làm trà, nhưng chưa thành hàng hóa.
Bản Leo có khí hậu mát mẻ, độ cao khoảng 900m so với mực nước biển, nhiều tháng có sương mù bao phủ và xung quanh còn nhiều rừng nên độ ẩm cao, rất phù hợp cây chè. Chè cổ thụ bản Leo là giống chè shan tuyết, tôm có phấn trắng. Sau khi sao lên, chè có màu phấn trắng tự nhiên như tuyết phủ bên ngoài. Nước chè có màu vàng trong, nhấp ngụm cảm nhận vị đắng nhẹ, thơm; khi uống, vị ngọt đượm lại rất lâu.
Là người dân bản bảo tồn và phát triển kinh tế từ cây chè, anh Đặng Văn Phúc chia sẻ, trước đây, cây chè mọc hoang, không có ai chăm sóc, có cây cao 6m. Sau này, nhận thấy chè cổ thụ được nhiều người ưa chuộng, anh cùng một số anh em trong bản chăm sóc 1ha chè của gia đình làm mẫu, sau đó vận động bà con gìn giữ và bảo vệ chè. "Cây chè được chúng tôi chăm sóc theo hướng hữu cơ, không phun thuốc hay dùng phân bón hóa học để giữ hương vị tự nhiên vốn có; chỉ cắt tỉa cành, đốn cây hạ thấp độ cao để cây ra tán rộng cho nhiều búp và dễ thu hái; phát dọn cỏ xung quanh gốc và dùng chính cỏ đã phát đó để rải cho mục làm phân hữu cơ cho cây", anh Phúc nói.
Anh Phúc cho biết thêm, năm 2019, bắt tay sản xuất chè khô. Anh thu mua toàn bộ chè búp tươi của bà con trong bản. Sản phẩm được những người sành trà khá thích, khen ngon, thơm và đậm vị. Tận dụng lợi thế xã phát triển du lịch, anh Phúc tiếp cận quảng bá sản phẩm với khách du lịch. Tiếng lành đồn xa, sản phẩm chè shan tuyết cổ thụ ngày càng được nhiều người biết đến.
Những cây chè cổ thụ ở bản Leo có đường kính lớn, cây cao nên việc hái chè cũng rất khó khăn.
"Muốn hái được chè ngon, người dân phải dậy từ lúc sáng sớm, khi ngọn chè vẫn còn những giọt sương; tuyệt đối không được hái chè lúc có mưa", anh Phúc chia sẻ.
Anh Đặng Văn Lún (SN 1990, ở bản Leo) cho hay, gia đình có gần 1ha chè cổ thụ. Từ ngày cây chè được chăm sóc, nhà có thêm nguồn thu nhập ổn định hơn, mỗi năm thu 7 lứa, sản lượng đạt khoảng 4 tấn búp tươi, thu trên 40 triệu đồng.
Theo lãnh đạo xã Chiềng Yên, trước đây, cây chè cổ thụ tập trung ở bản Leo và bản Niên nhưng do nhiều năm bỏ hoang, không ai canh tác, người dân bản Niên đã đào bán. Hiện nay, chè cổ thụ chỉ còn ở bản Leo với tổng diện tích khoảng 6ha. Giữ gìn và khai thác diện tích chè cổ thụ, xã khuyến khích, vận động nhân dân chăm sóc chè theo hướng hữu cơ, định hướng tạo sản phẩm đặc trưng của địa phương, từng bước xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị.
Cây chè cổ thụ ở bản Leo được bà con chung tay giữ gìn và chăm sóc, khai thác như món quà quý thiên nhiên ban tặng. Với định hướng xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương, cây chè cổ thụ ở bản Leo sẽ ngày càng nâng cao giá trị, mang thêm nguồn thu nhập cho bà con địa phương.
Nhị Tiến