Cuộc sống mới ở Phăng Sô Lin

Cuộc sống mới ở Phăng Sô Lin
10 giờ trướcBài gốc
Phăng Sô Lin từng nghèo khó bởi tâm lý trông chờ, ỷ lại của dân bản và các hủ tục như tảo hôn, cúng ma trừ tà, sinh nhiều con đã cản trở sự phát triển của xã. Trước tình hình đó, xã cử nhiều đợt cán bộ xuống các bản tuyên truyền, chỉ ra cho nhân dân thấy hệ lụy mà hủ tục mang lại, không chỉ đói nghèo liên miên, nhận thức hạn chế, dễ vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thế hệ sau. Trong tuyên truyền, cán bộ xã còn chỉ ra hướng để bà con phát triển kinh tế, tiếp cận với khoa học kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh để thay đổi cuộc sống.
Người dân bản Phăng Sô Lin (xã Phăng Sô Lin) chăm sóc vườn sâm Ngọc Linh...
Là địa bàn có điều kiện thuận lợi để trồng cây dược liệu, ăn quả ôn đới, xã tìm hiểu thị trường, tham mưu, đề xuất lên các phòng ban chuyên môn của huyện, đưa các loại giống chất lượng về trồng, hướng dẫn các bước thực hiện để có hiệu quả tốt. Trong chăn nuôi, chính quyền đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn dân bản cách làm chuồng trại, quy hoạch bãi chăn thả, chủ động phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, xã yêu cầu các hội, đoàn thể lập danh sách, đăng ký cho hội viên tham gia các lớp dạy nghề ngắn ngày, tổ chức tham quan học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, và nhất là giúp đỡ nhau về vốn, cây trồng, con giống để cùng thoát nghèo.
... đầu tư kinh doanh xăng tự động mang lại thu nhập cao cho người dân.
Có động lực, cơ hội để phát triển, người dân ở 7/7 bản của xã vượt khó, chủ động vay vốn, tích cực học hỏi đầu tư xây dựng các mô hình. Nhiều hộ cải tạo đất sản xuất, đưa giống sâm Ngọc Linh, đương quy, khoai sâm vào trồng, với diện tích 49ha, làm nhà lưới che chắn, thuê nhân công, chăm sóc theo kỹ thuật. Cùng với đó, bà con mở rộng diện tích canh tác lúa, hiện toàn xã có 550ha lúa, chủ yếu là các giống phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, đưa tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 2.044 tấn. Ngoài ra, bà con trồng 20ha cây ăn quả, rau màu các loại mang lại năng suất cao.
Trong chăn nuôi bà con thay đổi phương thức, không còn thả rông, người dân chủ động chăn dắt, trồng các loại cỏ chất lượng, kết hợp với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi để tăng cân nặng, sức đề kháng, chú trọng phòng dịch, vệ sinh chuồng trại. Nhiều mô hình như: nuôi trâu vỗ béo, gà, vịt siêu trứng, lợn sinh sản, dê, ngựa xuất hiện với số lượng hằng chục đến hơn trăm con/1 mô hình, trở thành nguồn cung về thịt, trứng cho địa phương và các xã lân cận. Có kinh phí, nhiều hộ đầu tư kinh doanh, mở các cửa hàng chuyên bán hàng tạp hóa, sửa chữa xe máy, tiệm làm đẹp, bán đồ điện tử, máy móc sản xuất. Hiện nay, toàn xã có 25 cửa hàng, tạo việc làm cho nhiều lao động. Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh phát triển giáo dục, xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, xây dựng xã hội ngày càng văn minh, hiện đại.
Hết năm 2024, tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 35,91%, thu nhập bình quân đạt 23,5 triệu đồng.
Với quyết tâm cao của toàn thể hệ thống chính trị, xã Phăng Sô Lin đã phát huy tinh thần vượt khó của dân bản, tiềm năng, thế mạnh của địa phương vững bước phát triển kinh tế, tạo nền tàng vững chắc xây dựng nông thôn mới.
Thái Hà Nhấn để tìm kiếm tin cùng tác giả
Nguồn Lai Châu : https://baolaichau.vn/kinh-te/cuoc-song-moi-o-phang-so-lin