Cuộc sống trước khi qua đời của nữ văn sĩ Quỳnh Dao

Cuộc sống trước khi qua đời của nữ văn sĩ Quỳnh Dao
12 giờ trướcBài gốc
Chiều 4/12 (giờ địa phương), truyền thông Đài Loan đưa tin nữ văn sĩ Quỳnh Dao tự tử tại nhà riêng ở tuổi 86. Thông tin này ngay lập tức làm chấn động làng giải trí Hoa ngữ.
Trước khi ra đi, nhà văn Quỳnh Dao để lại những lời tâm sự trên trang cá nhân: "Tôi không muốn cam chịu số phận, không muốn để thời gian làm tôi cằn cỗi. Tôi mong muốn được quyền quyết định số phận của mình cho lần cuối cùng này".
Nhà văn Quỳnh Dao
Theo lời con trai Quỳnh Dao, nữ nhà văn đã để lại một bức thư tuyệt mệnh và dặn thư ký đến nhà bà vào buổi trưa để giải quyết công việc. Khi thư ký đến nơi thì thấy bà đã bất tỉnh. Gia đình vô cùng sốc trước sự ra đi đột ngột của bà.
Vào tháng 3/2017, Quỳnh Dao từng công khai bức thư dặn dò con cháu sau khi bà mất. Trong thư, Quỳnh Dao ghi rõ nếu bệnh nặng, bà muốn thực hiện "quyền được chết". Bà không muốn mai táng theo bất kỳ nghi thức tôn giáo nào. Nữ sĩ dặn con không đăng cáo phó, không làm lễ truy điệu, không lập linh đường, không đốt vàng mã, không làm giỗ, không cúng bái tiết Thanh Minh.
Sự nghiệp của tác giả "Hoàn Châu cách cách"
Quỳnh Dao, tên thật là Trần Triết, sinh năm 1938. Bà là nhà văn nổi tiếng tại Đài Loan (Trung Quốc) cũng như châu Á với hàng loạt tiểu thuyết diễm tình ăn khách dành cho độc giả nữ, đồng thời còn được biết đến với tư cách là nhà biên kịch, sản xuất phim thành công.
Nhiều tác phẩm của bà từng được chuyển thể thành phim truyền hình như Hoàn Châu cách cách, Xóm vắng, Trôi theo dòng đời, Dòng sông ly biệt, Mùa thu lá bay, Bên dòng nước...
Năm 16 tuổi, Quỳnh Dao viết bộ tiểu thuyết đầu tay Vân ảnh. Đến năm 24 tuổi, bà có gần 100 tập truyện ngắn, hai bộ tiểu thuyết Tầm mộng viện và Hạnh vân thảo. Năm 1963, tác phẩm Song ngoại của Quỳnh Dao được phát hành rộng rãi, đánh dấu bước khởi nghiệp của nữ sĩ. Tới nay, bà đã sáng tác 56 bộ tiểu thuyết, trong đó 17 bộ dựng thành phim truyền hình và điện ảnh.
Năm 1966, tác phẩm Kỷ độ tịch dương hồng của bà được chuyển thể lên màn ảnh rộng. Bộ phim này đã giúp đưa tên tuổi của diễn viên Chân Trân đến gần hơn với khán giả. Năm 1975, cơn sốt bộ phim Bên dòng nước giúp Quỳnh Dao ghi dấu ấn trong lòng khán giả và khẳng định được vị trí trên thị trường phim ảnh Đài Loan.
Hôn nhân đầy sóng gió
Trái ngược hẳn với sự nghiệp thành công, cuộc sống tình cảm của Quỳnh Dao lại không mấy suôn sẻ.
Mối tình đầu của nữ sĩ Quỳnh Dao là thầy giáo dạy văn góa vợ hơn bà 25 tuổi. Vì mải mê yêu đương, bà thi trượt đại học, chuyện hẹn hò bị bại lộ và người thầy phải chuyển công tác. Hai người cũng chia tay từ đó. Bằng trải nghiệm tình yêu đầu đời, Quỳnh Dao đã viết tiểu thuyết Song ngoại.
Năm 21 tuổi, Quỳnh Dao quen Khánh Quân, thời điểm đó đang là sinh viên vừa mới tốt nghiệp đại học Đài Loan. Năm 1995, họ kết hôn bất chấp sự phản đối của gia đình Quỳnh Dao, và sinh được một người con.
Vợ chồng Quỳnh Dao - Bình Hâm Đào
Sau đó, cuộc hôn nhân của hai người gặp nhiều khó khăn trong tài chính. Trong khi Quỳnh Dao chuyên tâm vào việc sáng tác, thì Khánh Quân rơi vào vòng xoáy cờ bạc, rượu chè. Khoảng cách giữa hai người ngày càng lớn, những lần va chạm cãi cọ ngày càng nhiều, Quỳnh Dao quyết định ly hôn Khánh Quân.
Sau khi ly hôn, Quỳnh Dao đăng nhiều tiểu thuyết ngắn trên tạp chí Hoàng Quán, được tổng biên tập Bình Hâm Đào đánh giá cao. Nhờ năng lực và các mối quan hệ, ông Bình Hâm Đào giúp Quỳnh Dao tiến xa hơn trong sự nghiệp, tiểu thuyết của bà cũng giúp Hoàng Quán tăng lượng phát hành.
Hai người nảy sinh tình cảm nhưng lúc bấy giờ, Bình Hâm Đào đã có vợ con. Năm 1976, khi con cái đã lớn, Bình Hâm Đào và vợ chia tay. Năm 1979, sau 16 năm chờ đợi, Quỳnh Dao và Bình Hâm Đào chính thức kết hôn. Phải đến lúc này, nữ sĩ nổi tiếng người Trung Quốc mới có được hạnh phúc thật sự. Năm 2019, Bình Hâm Đào qua đời vì tuổi cao, sức yếu.
Mai Trang/VOV.VN Tổng hợp
Nguồn VOV : https://vov.vn/van-hoa/cuoc-song-truoc-khi-qua-doi-cua-nu-van-si-quynh-dao-post1139850.vov