Cuộc tái sinh của chủ nghĩa biệt lập

Cuộc tái sinh của chủ nghĩa biệt lập
3 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh tại Nhà Trắng. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Liên tiếp, ông Trump đã đưa Mỹ ngừng tham gia một loạt cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hội đồng Nhân quyền LHQ, đình chỉ tài trợ cho Cơ quan cứu trợ và việc làm của LHQ cho người tị nạn Palestine (UNRWA). Quốc gia phát thải hàng đầu thế giới cũng có lần thứ hai “quay lưng” với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Trên thực tế, những động thái của ông Trump không gây bất ngờ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump, khi đó là tổng thống thứ 45, cũng đã đưa Mỹ rời khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), Hội đồng Nhân quyền, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, ngừng tham gia thỏa thuận hạt nhân với Iran, Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Hiệp ước Bầu trời mở, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA)... Lần này, ông Trump cũng lấy lý do các tổ chức hoặc thỏa thuận nêu trên “không công bằng, gây bất lợi cho Mỹ”, lập luận rằng Nhà Trắng sẽ theo đuổi các lợi ích quốc gia riêng biệt của nước Mỹ để chấm dứt tham gia trong một loạt cơ chế đa phương.
Có thể hiểu những động thái quyết liệt ngay đầu nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Trump là bước đi tiếp theo nhằm củng cố chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, với mục tiêu như ông cam kết là mở ra "thời kỳ hoàng kim” khi “Nước Mỹ sẽ sớm trở nên vĩ đại như đã từng, vững mạnh hơn và ưu việt chưa từng thấy... ". Về lý thuyết, việc Tổng thống Trump bỏ qua các quy tắc và thông lệ quốc tế để theo đuổi chủ nghĩa biệt lập được cho là sẽ bảo vệ lợi ích tối đa cho nước Mỹ, đúng với chính sách “Nước Mỹ trước tiên”.
Tuy nhiên, cũng giống như trong nhiệm kỳ đầu tiên, những động thái mới của ông Trump gây rất nhiều tranh cãi bởi những tác động và hệ lụy khó lường. Hơn nữa, những động thái này không chỉ gây xáo trộn thế giới mà còn ảnh hưởng tới người dân Mỹ. Đơn cử như việc Mỹ rút khỏi WHO, cơ chế nền tảng hợp tác quan trọng nhất giúp giải quyết các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu, có thể khiến công tác ứng phó đại dịch trong tương lai trở nên khó khăn hơn, nhất là vấn đề tài chính. Trong giai đoạn 2024-2025, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO, với số tiền ước tính là 988 triệu USD, chiếm khoảng 14% trong tổng ngân sách 6,9 tỷ USD của WHO. Các chuyên gia cho rằng mặc dù sự ra đi của Mỹ có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng lớn đối với WHO, song chuyên gia Devi Sridhar, Chủ nhiệm Khoa y tế cộng đồng toàn cầu tại Đại học Edinburgh, Scotland (Anh), cảnh báo việc không còn là một phần của WHO thậm chí có thể đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ vì Washington thiếu đi sự hợp tác kịp thời và chặt chẽ với các quốc gia khác để có được đánh giá toàn diện về những đợt bùng phát dịch bệnh và hỗ trợ quản lý ứng phó. Tiến sĩ Tom Frieden, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), nhấn mạnh: "Điểm mấu chốt là việc rút khỏi WHO sẽ khiến người Mỹ và thế giới kém an toàn hơn".
Việc Mỹ một lần nữa rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cũng được đánh giá sẽ để lại khoảng trống trong cơ chế hợp tác cũng như những nỗ lực toàn cầu để đạt được các mục tiêu và tham vọng nhằm ngăn nhiệt độ Trái Đất nóng lên. Theo ông Harjeet Singh, Giám đốc sáng lập của Quỹ Khí hậu Satat Sampada, các nước đang phát triển sẽ hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của quyết định này.
Nếu không có sự đóng góp công bằng từ Mỹ, nước phát thải lớn thứ hai thế giới, các nguồn lực tài chính cần thiết để giúp các quốc gia dễ bị tổn thương xây dựng khả năng phục hồi và giải quyết các tác động của khí hậu sẽ không đủ. Quyết định rút lui của Mỹ cũng đánh dấu sự trở lại hoàn toàn của chủ nghĩa biệt lập vào thời điểm mà tinh thần đoàn kết toàn cầu chưa bao giờ quan trọng hơn thế để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu.
Từ chối Hiệp định Paris cũng đồng nghĩa với việc Mỹ đứng ngoài các cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu trong tương lai, và cản trở những nỗ lực nhằm buộc các nước phát thải nhiều phải chịu trách nhiệm. Chủ tịch Hội nghị lần thứ 30 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP30), ông Andre Correa do Lago, bày tỏ quan ngại quyết định của Mỹ sẽ làm suy yếu nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu, đặt ra thách thức lớn trong việc thúc đẩy các cam kết tài chính từ các nước phát triển và làm chệch hướng tiến trình chung. Argentina, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Javier Milei, đã bắt đầu xem xét lại cam kết với hiệp định, rút phái đoàn khỏi các cuộc đàm phán về khí hậu COP29 tại Baku, Azerbaijan cuối năm ngoái.
Về phần Mỹ, nước này sẽ đánh mất vai trò dẫn dắt trong định hình chính sách khí hậu quốc tế. Bên cạnh đó, Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu Simon Stiell cho rằng Mỹ có nguy cơ bỏ lỡ nguồn lợi nhuận khổng lồ, cùng với hàng triệu việc làm mới và làm sạch bầu không khí từ đợt bùng nổ phát triển năng lượng sạch toàn cầu (trị giá 2.000 tỷ USD năm 2024), dành cơ hội cho các nền kinh tế đối thủ, trong khi các thảm họa khí hậu như hạn hán, cháy rừng và siêu bão ngày càng trở nên tồi tệ hơn, phá hủy tài sản và doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sản xuất lương thực trên toàn nước Mỹ và thúc đẩy lạm phát giá.
Tương tự, quyết định đình chỉ tài trợ cho UNRWA hay tạm dừng gần như toàn bộ viện trợ nước ngoài đang gây ra "tình trạng hỗn loạn" trong các hoạt động viện trợ nhân đạo mà LHQ đang và sẽ triển khai. Mỹ lâu nay là nước đóng góp nhiều nhất cho viện trợ nước ngoài của LHQ. Theo người phát ngôn LHQ Alessandra Vellucci, năm 2024, Washington đóng góp khoảng 14 tỷ USD, tương đương 47% tổng ngân sách của LHQ dành cho viện trợ nhân đạo toàn cầu. Việc Mỹ giảm viện trợ có thể gây khó khăn cho các quốc gia kém phát triển trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nghèo đói, dịch bệnh và các thách thức khác. Điều này đã khiến các sáng kiến nhằm giúp đỡ những người dễ bị tổn thương trên khắp thế giới bị đình trệ. Giới chuyên gia cũng đánh giá quyết định này sẽ gây tổn hại đến lợi ích của chính nước Mỹ bởi việc thể hiện sự thiếu quan tâm đối với các nỗ lực giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống hiện nay của thế giới đang làm suy giảm "quyền lực mềm" cũng như tầm ảnh hưởng của Washington trên toàn cầu. Có ý kiến cho rằng những chính sách như vậy của ông Trump là “con dao hai lưỡi” đối với mục tiêu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, bởi việc rút khỏi một loạt các thỏa thuận quốc tế chẳng khác gì đang “đánh bạc” uy tín ngoại giao của nước Mỹ. Điều này khiến cho chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump có nguy cơ biến thành chính sách “Nước Mỹ cô độc” khi Washington phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Có thể nói rằng chủ nghĩa biệt lập kiểu Mỹ để phục vụ "Nước Mỹ trước tiên" đã tái sinh trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, việc Tổng thống Trump theo đuổi chính sách có phần rời xa chủ nghĩa đa phương này, trong nhiệm kỳ đầu tiên, đã gây hoài nghi không chỉ từ cộng đồng thế giới mà cả từ các đồng minh và người dân Mỹ. Nước Mỹ sẽ đi về đâu với chủ nghĩa biệt lập thời kỳ Trump 2.0, đó vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Lê Ánh - Phương Hồ (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/cuoc-tai-sinh-cua-chu-nghia-biet-lap-20250207143024664.htm