Cuộc thanh lọc trên thị trường ẩm thực

Cuộc thanh lọc trên thị trường ẩm thực
16 giờ trướcBài gốc
Cuối năm, thời điểm được xem là mùa kinh doanh sôi động nhất, nhiều hàng quán tại TP HCM lại bất ngờ đóng cửa khiến không ít khách hàng ngạc nhiên. Dọc theo các tuyến đường từng nhộn nhịp, nay xuất hiện nhiều mặt bằng kinh doanh trống trơn, cửa đóng then cài.
Cửa đóng then cài
Khảo sát thực tế cho thấy trên đường Phạm Văn Đồng, đoạn từ quận Bình Thạnh đến Gò Vấp, nơi từng tập trung rất nhiều hàng quán hoạt động suốt ngày đêm, nay có hơn 10 mặt bằng kinh doanh nhà hàng, quán ăn, buffet, cà phê… đang bỏ trống. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại phố ẩm thực Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) với gần 20 mặt bằng trước đây là các nhà hàng lẩu, chè, đồ ăn Thái, Nhật Bản... đang treo bảng cho thuê lại. Các tuyến đường sầm uất khác như Hai Bà Trưng, Võ Văn Tần (quận 1, quận 3), Cao Thắng, Nguyễn Huệ (quận 1)… cũng không tránh khỏi tình trạng này.
Nhiều thương hiệu quen thuộc với người dân TP HCM cũng phải nói lời chia tay. Tiệm trà Tháng 4, điểm đến yêu thích của giới trẻ, đã đóng cửa chi nhánh trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) sau 5 năm hoạt động. Trước đó, chuỗi này đã đóng cửa 2 chi nhánh ở đường Nhiêu Tứ (quận Phú Nhuận) và đường Hồng Lĩnh (quận 10). Chuỗi cà phê Monkey in Black, gắn liền với tên tuổi chuyên gia khởi nghiệp Trần Thanh Tùng, cũng đóng cửa chi nhánh cuối cùng trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10) sau 10 năm hoạt động.
Ông Hoàng Văn Tân, chủ một quán ăn trên đường Hiệp Bình (TP Thủ Đức), cho biết đã quyết định đóng cửa quán vào cuối tháng 10-2024 do lượng khách giảm trong hơn một năm qua. Giá nguyên vật liệu tăng, giá thuê mặt bằng dự kiến tăng thêm 10% từ năm 2025 trong khi giá bán không thể tăng khiến lợi nhuận ngày càng thấp. Ông Tân chia sẻ đang tìm mặt bằng khác phù hợp hơn nhưng dự kiến phải qua Tết 2025 mới có thể kinh doanh trở lại.
Một nhà hàng chuyên bán đồ ăn Thái trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận - TP HCM) vừa đóng cửa, trả mặt bằng. Ảnh: LÊ TỈNH
Ông Hồ Hoàng Thám, Giám đốc Công ty TNHH Ẩm thực chay Bà Xã, nhận định thị trường ăn uống (F&B), đặc biệt là ẩm thực chay, yếu từ quý II/2024. "Đến nay, nhiều quán không chịu nổi lỗ nên chọn đóng cửa trước Tết để giảm thiệt hại, vì chi phí sau Tết thường cao hơn" - ông giải thích.
Để ứng phó, ông Thám cho biết chuỗi nhà hàng chay Bà Xã đã giảm giá thực đơn 8%-12% và bổ sung nhiều chương trình khuyến mãi, đưa giá mỗi suất ăn xuống còn 65.000-85.000 đồng thay vì 80.000-90.000 đồng như trước đây. Ngoài ra, công ty mở thêm chuỗi quán chay mới với suất ăn dưới 55.000 đồng, đạt hiệu quả tốt nhờ mô hình tiết kiệm chi phí.
Giai đoạn "thanh lọc"
Chuyên gia ngành F&B Nguyễn Quang Thái cũng lý giải tình trạng hàng loạt quán ăn, quán nhậu, quán chè… tại TP HCM trả mặt bằng trong những tháng cuối năm là do sức mua giảm, chi phí thuê mặt bằng và các chi phí khác tăng cao. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, tâm lý e ngại đến quán nhậu sau Nghị định 100 cũng góp phần khiến nhiều quán ăn, nhà hàng phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô hoạt động. "Hàng quán đóng cửa sẽ kéo theo nhiều mảng khác đi xuống như tiêu thụ nông thủy sản, thuế giảm, tỉ lệ thất nghiệp tăng, dễ gây ra những vấn nạn xã hội khó lường. Nếu sức mua không cải thiện, tình trạng nhà hàng, quán ăn trả mặt bằng sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới" - ông Thái dự báo.
Ông Nguyễn Tất Thịnh, nhà sáng lập nền tảng HouseZy.vn, chia sẻ lý do nhiều hàng quán đóng cửa dịp cuối năm chủ yếu là do nhu cầu khách hàng yếu, cạnh tranh từ các nhà hàng quán ăn khác bán giá rẻ hơn, cùng giá thuê mặt bằng tăng 5%-7% mỗi năm. Trong bối cảnh đó, các chủ cửa hàng không còn tâm lý cố gắng trụ qua Tết mà họ sẵn sàng trả mặt bằng, thậm chí chấp nhận bỏ cọc nếu kinh doanh không hiệu quả trong 3-4 tháng, để tránh lỗ nặng hơn. "Sau Tết 2025, tình trạng trả mặt bằng, đặc biệt là các không gian lớn trên những tuyến đường kinh doanh ẩm thực và thời trang, sẽ tiếp tục gia tăng do nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Tuy vậy, nghịch lý là giá thuê mặt bằng sẽ không giảm mà có thể tăng nhẹ" - ông Thịnh dự báo.
Ở góc độ chuyên môn, ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty Tư vấn FnB Director và Horeca Business School, chỉ ra 3 nhóm nguyên nhân chính khiến cửa hàng F&B phải đóng cửa, bao gồm: thiếu kế hoạch kinh doanh, kiểm soát chi phí kém và mô hình kinh doanh lỗi thời. Ông Thanh cho rằng đây là giai đoạn thanh lọc, giúp thị trường F&B trở nên bền vững hơn.
Dự báo năm 2025, ông Thanh kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục nhưng cũng cảnh báo về những thách thức như chi phí hoạt động tăng, chính sách thuế mới... Cụ thể, chi phí hoạt động qua các nền tảng Food App sẽ tiếp tục gia tăng. Thuật toán của các ứng dụng này thay đổi yêu cầu DN phải đầu tư mạnh hơn vào ưu đãi, quảng cáo và các chiến dịch giữ chân khách hàng. Đồng thời, chính sách thuế 4,5% (bao gồm 3% thuế GTGT và 1,5% thuế TNCN) tiếp tục gây áp lực lên các hộ kinh doanh nhỏ, đòi hỏi sự chuyên nghiệp hơn trong quản trị tài chính và minh bạch hóa doanh thu.
Tuy nhiên, những DN biết tận dụng thách thức để đổi mới sẽ đạt được những bước tiến đáng kể. Các mô hình kinh doanh sáng tạo như quán ăn chuyên đề, ẩm thực đậm bản sắc địa phương hay ẩm thực giải trí sẽ tiếp tục là tâm điểm của thị trường. Trà đậm vị và các món ăn Nhật, Thái bình dân vẫn duy trì được sức hút ở mọi phân khúc khách hàng nhờ khả năng đáp ứng thị hiếu đa dạng.
Tận dụng công nghệ để tối ưu chi phí
Theo các chuyên gia, hàng quán nên tận dụng các kênh bán hàng trực tuyến như qua app Shopee Food, Grab, Facebook... để tiếp cận khách hàng rộng rãi hơn. Tạo ra sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh như cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, có thể theo "trend" để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng nhưng lưu ý vẫn phải giữ vững sản phẩm cốt lõi. Ngoài ra, có thể liên kết với các DN khác để chia sẻ chi phí, giảm rủi ro như chia sẻ mặt bằng, hợp tác kinh doanh, tìm kiếm những nhà cung cấp nguyên vật liệu, sản phẩm có giá cả hợp lý, cạnh tranh hơn trên thị trường. Bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ và tổ chức các chương trình khuyến mãi, tăng cường ở khâu chăm sóc khách hàng để xây dựng thương hiệu. Đồng thời nên áp dụng thêm các công nghệ mới như phần mềm bán hàng có tích hợp trí tuệ nhân tạo để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đặc biệt, trên các tuyến phố đặc trưng chuyên kinh doanh ngành nghề, không chỉ ẩm thực, thời trang, dịch vụ... cơ quan quản lý cần tổ chức các chương trình khuyến mãi hoặc ngày hội để thu hút người dân đến mua sắm, trải nghiệm...
LÊ TỈNH - NGỌC ÁNH
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/cuoc-thanh-loc-tren-thi-truong-am-thuc-196241223212045897.htm