Cuộc xuất quân của 1 vạn thanh niên sau ngày giải phóng miền Nam

Cuộc xuất quân của 1 vạn thanh niên sau ngày giải phóng miền Nam
2 ngày trướcBài gốc
Tháng 4 về cũng là lúc những ký ức của 50 năm về trước hiện lên rõ hơn trong tâm trí của người cán bộ thành phố năm nay đã 86 tuổi.
50 năm Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, ông Phạm Chánh Trực (Bí danh Năm Nghị) đã chứng kiến và trải qua đủ 50 năm với cả 3 thời kỳ: chiến tranh, quá độ và đổi mới.
Với người đã trải qua nhiều vị trí, từ Bí thư Thành Đoàn Sài Gòn - Gia Định, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đến Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch HĐND TP.HCM, cuộc xuất quân 1 vạn thanh niên sau ngày giải phóng Sài Gòn là ký ức không thể nào quên.
Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM.
Sau giải phóng, thành phố có 4 triệu dân, ngoài việc củng cố kiện toàn chính quyền cách mạng, thành phố đối mặt với hai vấn đề lớn nhất là nạn đói và thất nghiệp. Do đó, việc giải quyết tình trạng thiếu lương thực và việc làm trở thành nhiệm vụ vô cùng cấp thiết.
“Cứu đói là bước đầu, nhưng sau đó phải tổ chức sản xuất để tạo ra của cải vật chất. Nếu không có việc làm thì người dân sẽ đói”, ông Trực nói.
Và thế là tháng 7/1975, tổ chức Thành Đoàn mà ông làm Bí thư lúc bấy giờ đã lên kế hoạch chuẩn bị ra quân thanh niên xung phong.
Một đại đội thanh niên sẽ được đưa ra vùng ngoại thành để làm kinh tế.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt trao cờ cho Bí thư Thành Đoàn TP.HCM Phạm Chánh Trực ra quân Thanh niên xung phong năm 1976. (Ảnh: Tư liệu Thành Đoàn TP.HCM)
Ông kể, đầu năm 1976, khi báo cáo với Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt về việc thực hiện ý định này để giải quyết nạn đói, đồng thời phải kéo quân đi để bớt thất nghiệp, đồng chí Bí thư rất hoan nghênh.
“Ban đầu, vì sức mình nhỏ nên chúng tôi tính làm nhỏ thôi. Khi báo cáo ý định như thế thì đồng chí Võ Văn Kiệt đã nâng lên thành một chủ trương lớn. Tức là Thành ủy đã phát động, vận động một cuộc ra quân thanh niên xung phong lớn lên đến quy mô 1 vạn người.
Muốn vậy thì bây giờ thì phải lấy quân từ cơ sở. Phải vận động bà con cho con em của mình đi, tổ chức từ ở dưới. Phần đó thì hệ thống đoàn của chúng tôi làm được nhưng hậu cần gian nan vô cùng”, ông Trực chia sẻ.
Ông nói, khó khăn khi ấy rất nhiều. Đi như thế, dù làm thủ công nhưng cũng phải có phương tiện là dao, rựa, cuốc xẻng. Mỗi thanh niên xung phong phải có 2 bộ đồ để mặc, cần võng để ngủ và một tấm áo nylon để che mưa. Mỗi chuyện đó không đã là rất khó rồi.
Ảnh tư liệu năm 1976.
Đến đoạn đưa đi, Thành Đoàn cũng đâu có nhiều xe. Vì vậy, phải có quân đội giúp sức. Đồng chí Bí thư Thành ủy lúc ấy đã huy động cả thành phố cùng lo. Huy động từ xe buýt, xe vận tải của quân đội và nhiều chỗ khác nữa mới đủ cho ngày ra quân.
Một cuộc vận động không chỉ là bình thường ở quy mô nhỏ hẹp nữa mà đây là vận động toàn thành để giúp cho thanh niên xung phong ra quân được. Và như thế chủ trương rất rõ ràng, người dân cũng rất phấn khởi cho con em mình đi.
“Ngày 28/3/1976, 1 vạn thanh niên thành phố ra quân xung phong. Lãnh đạo Trung ương lúc đó gần như có mặt đủ để chứng kiến cuộc ra quân này. Ở dưới sân vận động Thống Nhất khi đó là 1 vạn thanh niên, có thể gọi là đầy đủ nhất các thành phần, từ thanh niên, công nhân tới học sinh, sinh viên… đều đăng ký tham gia”, ông Trực nhớ lại.
Ông cũng không quên nhắc lời dặn dò của Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt trong Lễ xuất quân hôm ấy rằng: “Có bạn trẻ nào không xúc động với câu hát: “Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương”? Quê hương hôm nay không đòi hỏi mỗi người trẻ tuổi phải chết cho quê hương sống nữa. Đất nước vĩnh viễn độc lập, tự do rồi. Quê hương đòi hỏi anh phải sống và sống cho ra sống… Sống là chia bùi sẻ ngọt với nhân dân. Sống không phải là ăn bám, mà là lao động”.
Và như vậy, 1 vạn thanh niên này đã tỏa ra đi các vùng kinh tế mới ở miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ rồi lên Tây Nguyên và cả khu vực ngoại thành của thành phố như Thủ Đức, Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ. Đây đều là những khu vực bị bom B52 của địch tàn phá tan hoang trước đó.
Một vạn thanh niên thành phố ra quân năm 1976. (Ảnh tư liệu: Thành Đoàn TP.HCM)
“Ra quân thanh niên xung phong có một ý nghĩa rất lớn. Từ một thành phố viện trợ thương mại hóa phục vụ cho chiến tranh đi vào sản xuất. Lực lượng thanh niên xung phong tạo ra một ý thức mới trong xã hội. Phải tự lực tự cường, phải lao động sản xuất để sống, để xây dựng đất nước, không ăn bám, không ỷ lại.
Đó cũng là mong muốn của Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đặt niềm tin vào thanh niên và để cho Đoàn Thanh niên làm sứ mệnh đó”, ông Trực nói.
Vượt lên trên cả một cuộc xuất quân để giải quyết cái đói và thất nghiệp, ông Trực cho rằng, đó còn là hoạt động đầu tiên trong chủ trương hòa hợp dân tộc mà trước hết là hòa hợp các thành phần thanh niên do Đoàn Thanh niên dẫn đi.
“Chính cái hòa hợp đó làm cho người dân xúc động. Người ta thấy chính sách của Đảng rất rõ ràng, không có phân biệt đối xử khi trong đó là một tập hợp rất đa dạng các thành phần thanh niên”, ông Trực chia sẻ.
Một vạn thanh niên này đã tỏa ra đi các vùng kinh tế mới ở nhiều nơi và cả khu vực ngoại thành của thành phố như Thủ Đức, Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ. (Ảnh tư liệu)
Trong câu chuyện hồi ức về cuộc xuất quân 1 vạn thanh niên, ông cũng không quên nhắc lại thời điểm quyết định để có ngày 30/4/1975.
Những ngày trước thời khắc lịch sử 30/4/1975, Thành Đoàn đóng vai trò quan trọng trong các cuộc khởi nghĩa tại Sài Gòn, phối hợp lực lượng vũ trang giành chính quyền ở nhiều khu vực trọng yếu. Đó là những địa bàn ở trung tâm và tiếp giáp với những cơ sở lớn, đầu não của địch như Dinh Độc Lập, tòa Đại sứ Mỹ… Cho nên, Thành ủy chỉ đạo phải huy động lực lượng quần chúng để nổi dậy. Từ những khu phố, những xóm lao động để giành chính quyền cơ sở và phát triển lên.
Ông Trực khi đó được điều động làm Bí thư Ban cán sự Quận 11, cùng quần chúng phát động khởi nghĩa, tạo nội ứng cho quân chủ lực tiến vào thành phố.
Rạng sáng 30/4, khi chính quyền Sài Gòn ra lệnh “án binh bất động”, lực lượng tại chỗ lập tức nổi dậy. Đoàn của ông Trực tiến vào Quận 11, dẫn đầu với cờ và súng AK, cùng nhân dân chiếm lĩnh chính quyền. Đến 10h, các điểm khởi nghĩa đồng loạt nổ ra, và lúc 11h30, bộ đội tiến vào Dinh Độc Lập, hoàn tất Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Ông Trực nhớ lại giây phút chiến thắng đầy kỳ diệu, khi thành phố đột ngột im tiếng súng, người dân tràn xuống đường hò reo, hòa cùng quân giải phóng trong niềm vui thống nhất đất nước.
“Cảm xúc của tôi trưa ngày 30/4 rất vui mừng, thậm chí tôi còn thấy nó đột ngột nữa kìa. Tức là bỗng nhiên, bầu trời không có một tiếng máy bay, không có một tiếng súng. Cái đó rất khác với vài tiếng trước. Cho nên mình có cảm giác lạ lắm. Nó gần gũi, nó mong chờ, nó hết sức là kỳ diệu. Người dân thì phấn khởi, xuống đường hò reo, rồi bộ đội đi tới đâu thì theo tới đó. Cả dân và quân đội của chúng tôi hòa làm một trong thời khắc ấy”, ông bồi hồi nhớ lại.
Hồng Liên
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/cuoc-xuat-quan-cua-1-van-thanh-nien-sau-ngay-giai-phong-mien-nam-ar935328.html