Ngày 15-5, một nguồn tin cho biết UBND TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã có thông báo kết quả xác minh các nội dung ông Tô Văn Huỳnh, chủ một khách sạn ở TP Nha Trang, tố cáo UBND phường Lộc Thọ có nhiều sai phạm trong việc cưỡng chế công trình khách sạn xây vượt tầng của ông.
Chủ khách sạn tố phường bán tài sản cưỡng chế
Theo ông Tô Văn Huỳnh, khách sạn của ông Huỳnh được cấp phép sáu tầng nhưng ông xây đến 11 tầng nên bị cơ quan chức năng cưỡng chế phá dỡ năm tầng xây sai phép.
Hình ảnh ông Tô Văn Huỳnh cung cấp thể hiện công nhân đưa sắt thép đi bán sau khi cưỡng chế. Ảnh: VH
Ngày 3-7-2024, UBND phường Lộc Thọ tổ chức cưỡng chế công trình khách sạn của ông Huỳnh. Bốn ngày sau, lực lượng cưỡng chế cho đóng gói, di dời toàn bộ tài sản ra khỏi khách sạn nhưng không thông báo địa điểm tập kết số tài sản này cho chủ khách sạn.
Theo ông Huỳnh, ông đã nộp đầy đủ chi phí cưỡng chế, chi phí mua vật dụng phục vụ dọn đồ dùng của khách sạn xây vượt tầng tổng cộng gần 1,8 tỉ đồng theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Thế nhưng, khi ông Huỳnh làm đơn nhận lại tài sản thì UBND phường Lộc Thọ không trả lại tài sản.
Ông Huỳnh nhiều lần yêu cầu thì UBND phường Lộc Thọ hẹn trả lại tài sản vào ngày 26-7-2024. Tuy nhiên, khi nhận tài sản, ông Huỳnh phát hiện nhiều tài sản bị thất thoát, phiếu niêm phong không có dấu, không có chữ ký, mà chỉ là những tờ giấy trắng dán vào.
Ngoài ra, ông Huỳnh còn tố cáo nhiều nội dung như quá trình cưỡng chế, chính quyền địa phương đã bán phế liệu đối với toàn bộ sắt thép sau khi phá dỡ năm tầng với tổng trọng lượng khoảng 70 tấn, cùng hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống ống đồng điều hòa... với tổng giá trị gần 700 triệu đồng. Ông Huỳnh cung cấp nhiều hình ảnh, clip 11 lần vận chuyển sắt thép từ khách sạn đưa đi bán ở các cơ sở phế liệu.
Qua các hình ảnh do ông Huỳnh cung cấp cho thấy có việc vận chuyển sắt thép từ công trình đến các địa điểm thu mua phế liệu.
Vứt tài sản cưỡng chế ra bãi rác
Theo kết quả xác minh của UBND TP Nha Trang, đối với nội dung đơn vị cưỡng chế vận chuyển toàn bộ hệ thống trang thiết bị điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống máy lạnh, thông gió, những phần sắt tại công trình mà không thông báo nơi lưu giữ cho gia đình được biết, chủ tịch UBND TP Nha Trang kết luận tố cáo này đúng một phần.
Theo đó, đơn vị tư vấn giám sát xác nhận: tại các tầng bị phá dỡ có hệ thống đường ống trên trần nhà như ống nước, điện, phòng cháy chữa cháy, điều hòa không khí, các hệ thống này đã được đơn vị thi công thực hiện phá dỡ, cắt theo kích thước để phù hợp với quá trình vận chuyển.
Đối với các cấu kiện sắt ở tầng thượng công trình, tùy theo vị trí cấu kiện, đơn vị thi công cắt, tháo dỡ vận chuyển xuống hầm, sau đó vận chuyển ra khỏi công trình.
Đơn vị được thuê thi công cưỡng chế là Công ty TNHH Phát triển dịch vụ xây dựng Thanh Bình xác nhận: các hệ thống đường ống trên trần nhà đã được đơn vị này phá dỡ, cắt theo kích thước để phù hợp với quá trình vận chuyển đến bãi đổ rác.
Đối với cấu kiện sắt ở tầng thượng công trình, tùy theo vị trí cấu kiện, đơn vị thi công cắt, tháo dỡ vận chuyển đến bãi đổ rác. Còn sắt thép của công trình, đơn vị thi công cũng gia cố rồi vận chuyển đến bãi đổ rác.
Qua các hình ảnh được người tố cáo cung cấp, có việc vận chuyển phế liệu từ công trình tới các địa điểm thu mua phế liệu.
Theo phương án phá dỡ, các tài sản, vật dụng (nếu có) phải được đơn vị thi công vận chuyển đến bãi tập kết hoặc kho bãi để bàn giao cho cơ quan chức năng. UBND TP Nha Trang kết luận đơn vị thi công tập kết phế liệu hình thành trong quá trình phá dỡ công trình chưa đúng phương án được duyệt.
Tuy nhiên, UBND TP Nha Trang cho rằng Nghị định số 166/2013/NĐ- CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ không quy định đơn vị cưỡng chế phải thông báo địa điểm tập kết cho người vi phạm. Do đó, UBND TP Nha Trang kết luận nội dung tố cáo đúng một phần. Cụ thể, đơn vị thi công tập kết phế liệu hình thành trong quá trình phá dỡ công trình chưa đúng phương án được duyệt.
UBND TP Nha Trang kết luận UBND phường Lộc Thọ đã thiếu giám sát, kiểm tra để đơn vị thi công tập kết phế liệu hình thành trong quá trình phá dỡ công trình chưa đúng phương án được duyệt.
Đối với nội dung tố cáo phá dỡ phần alu ở ram dốc xuống tầng hầm trị giá hơn 15 triệu đồng và một camera trị giá 3,5 triệu đồng ngoài phạm vi vi phạm, chủ tịch TP Nha Trang kết luận nội dung tố cáo đúng.
Hình ảnh do ông Huỳnh cung cấp cho thấy xe chở sắt thép đi bán tại một cơ sở ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh cắt từ clip do ông Tô Văn Huỳnh cung cấp.
UBND phường Lộc Thọ có tổ chức việc giao nhận tài sản cho người vi phạm, người vi phạm đã nhận lại một số tài sản. Tuy nhiên, việc tiến hành giao trả tài sản của phường chưa đảm bảo thời gian theo chỉ đạo của UBND TP Nha Trang.
Đối với nội dung tố cáo không trả lại tài sản dù gia đình người vi phạm (đến thời điểm ngày 17-9-2024) đã nộp phí bảo quản tài sản, chi phí cưỡng chế, UBND TP Nha Trang kết luận tố cáo đúng một phần.
Xuân Hoát