Chiều 12/12, trao đổi với báo Tiền Phong, ông Lê Hồng Thắng, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, quận đã hoàn thành cưỡng chế thu hồi đất nông nghiệp, giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với 34 hộ tại phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) để xây dựng Công viên Phùng Khoang và Trạm biến áp quận Thanh Xuân.
Theo đó, sáng 12/12, các lực lượng chức năng quận Thanh Xuân và phường Nhân Chính đã tổ chức cưỡng chế 3.286,82m2 đất nông nghiệp và công trình trên đất của 34 trường hợp không đồng thuận nhận tiền và bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. Trong đó, thực hiện cưỡng chế 12/34 trường hợp với diện tích đất 423/4.421m2 nằm trong dự án để xây dựng Trạm biến áp 220/110KV Thanh Xuân.
Ông Lê Hồng Thắng cho biết, trong số 34 trường hợp bị cưỡng chế thu hồi đất, chỉ có 2 hộ có công trình trên đất nhưng đã di dời hết tài sản, còn lại là đất trống. "Đến hôm nay, các hộ vẫn không đồng thuận với phương án hỗ trợ, bồi thường GPMB theo phương án đã được phê duyệt. UBND quận đã thực hiện cưỡng chế theo quy định pháp luật", ông Thắng thông tin.
Công viên Phùng Khoang.
Đến cuối giờ sáng, công tác cưỡng chế thu hồi đất, GPMB đã hoàn thành. UBND quận đã bàn giao 423m2 đất cho Tổng Công ty điện lực Hà Nội để xây dựng trạm biến áp Thanh Xuân. Diện tích còn lại, lực lượng chức năng đã quây tôn, bàn giao cho chủ đầu tư để thực hiện dự án Công viên Phùng Khoang.
Được biết, dự án Công viên hồ Phùng Khoang (thuộc địa bàn quận Nam Liêm và Thanh Xuân) rộng 11,8ha. Dự án được khởi công năm 2016 và là công trình thuộc Dự án khu đô thị mới Phùng Khoang. Kế hoạch ban đầu, công viên sẽ đưa vào sử dụng năm 2017 nhưng đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành. UBND quận Thanh Xuân cho biết, vướng mắc chủ yếu là còn khoảng 10.000 m2 chưa GPMB do khó khăn trong xác định nguồn gốc đất và mức giá đền bù.
Cuối tháng 10/2024, UBND quận Thanh Xuân đã ban hành Quyết định phê duyệt phương án tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với 34 trường trường hợp không bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án trên.
Theo kế hoạch, ngày 21/11, quận Thanh Xuân sẽ cưỡng chế thu hồi đất và công trình trên đất của 34 trường hợp không đồng thuận nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Sau đó, quận Thanh Xuân đã quyết định tạm dừng cưỡng chế, chờ kết quả đối thoại giữa UBND TP. Hà Nội với các hộ thuộc diện thu hồi đất.
Tuy nhiên, buổi đối thoại không thành do người dân không chấp nhận với phương án đền bù thu hồi đất theo quyết định đã phê duyệt.
Được biết, giá đất trên địa bàn Hà Nội hiện căn cứ theo Bảng giá đất được ban hành theo Quyết định 30/2019. Theo bảng giá đất, giá đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố cao nhất là 252.000 đồng/m2.
Thanh Hiếu