Cứu bé trai 23 tháng tuổi mắc tay chân miệng độ 3 nguy kịch

Cứu bé trai 23 tháng tuổi mắc tay chân miệng độ 3 nguy kịch
11 giờ trướcBài gốc
Trẻ được điều trị tích cực đặt nội khí quản giúp thở. Ảnh: BVCC.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết trước khi nhập viện 2 ngày bé trai Ng.T.K. có biểu hiện sốt, nôn ói, nổi hồng ban và mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân. Sang ngày thứ 2, bé xuất hiện dấu hiệu giật mình, chới với nên được đưa đến bệnh viện địa phương.
Tại đây, trẻ được chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 2a và điều trị theo phác đồ, tuy nhiên tình trạng không cải thiện nên phải chuyển tuyến khẩn cấp.
Khi nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bệnh nhi trong tình trạng lừ đừ, mạch nhanh 144 lần/phút, huyết áp 121/49 mmHg, thở bụng không đều, nhịp thở 34 lần/phút. Trẻ được đánh giá mắc tay chân miệng độ 3, kèm cao huyết áp, toan chuyển hóa nặng và men gan tăng nhẹ.
Ngay lập tức, bệnh nhi được đặt nội khí quản hỗ trợ thở, truyền thuốc điều hòa miễn dịch gammaglobuline, sử dụng thuốc vận mạch milrinone và các loại thuốc an thần như phenobarbital, midazolam, fentanyl. Song song đó, các bác sĩ tiến hành hạ sốt, điều chỉnh toan kiềm và điện giải.
Sau 7 ngày điều trị tích cực, sức khỏe của bé dần ổn định. Trẻ đã hết sốt, nhịp tim giảm còn 120–125 lần/phút, huyết động ổn định. Bệnh nhi được cai máy thở, tỉnh táo và có thể tiếp xúc tốt.
Bác sĩ Tiến cảnh báo, bệnh tay chân miệng có thể diễn tiến nặng rất nhanh, nhất là ở trẻ nhỏ. Phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khi thấy các biểu hiện nghi ngờ như sốt cao khó hạ, giật mình bất thường, run tay chân, thở nhanh hoặc không đều, đi loạng choạng, ngồi không vững, lơ mơ, co giật, tím tái, nổi vân tím trên da, mụn nước lan rộng.
Để phòng bệnh, phụ huynh cần hướng dẫn trẻ thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, đặc biệt là rửa tay thường xuyên với xà phòng dưới vòi nước sạch, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi đồ chơi, hoặc sau khi tiếp xúc với người bệnh.
Người lớn chăm sóc trẻ cũng cần rửa tay đúng cách sau khi thay tã, lau dọn, chế biến thực phẩm và trước/sau khi chăm sóc trẻ khác. Đồ chơi, vật dụng, sàn nhà, tay nắm cửa… cần được lau rửa sạch sẽ thường xuyên.
Trẻ mắc tay chân miệng cần được cách ly tại nhà trong 7-10 ngày để tránh lây lan. Phụ huynh nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người khác, không làm vỡ mụn nước vì dịch tiết chứa virus gây bệnh.
Nguyễn Thuận
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/cuu-be-trai-23-thang-tuoi-mac-tay-chan-mieng-do-3-nguy-kich-post1569337.html