Trong ánh mắt của những người lính năm xưa, niềm tự hào vẫn ánh lên khi nhắc về những trận đánh táo bạo, những chiến công vang dội đã góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975. Trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, họ trở về “chảo lửa” Sài Gòn, gặp gỡ đồng đội, ôn lại những ký ức hào hùng và cả những mất mát đau thương không thể nào quên. Trong số này có bà Sáu Túy, cựu BĐSG…
“THỀ QUYẾT TỬ CHO TỔ QUỐC QUYẾT SINH”
Bà sinh năm 1946, tên đầy đủ Lại Thị Kim Túy, trong Nam gọi theo thứ là Sáu Túy. Năm 14 tuổi, tham gia cách mạng ở quê nhà xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, Long An. Bà nói tuổi này nhận thức cách mạng chưa thông suốt nhưng, vì là người con của quê hương “Trung dũng kiên cường”, gia đình truyền thống cách mạng. Nói rồi, bà đưa tôi lên lầu, chỉ tay vào 6 tấm bằng tổ quốc ghi công của cha, ba anh trai, một em gái và chồng đã ngã xuống trong vòng có 10 năm, từ 1962 – 1972.
Đức Hòa vào khoảng thời gian đó là vùng “sôi đậu”. Thường ngày người ta nhìn thấy những bất công, ngang trái với cảnh đàn áp của giặc, làm cho người dân nuôi chí căm thù. Vào cái tuổi 14, đa số nữ ở đây vì tuổi trẻ nên hăng hái lên đường theo cách mạng. Nam giới thì chỉ có 2 con đường lựa chọn: không đi bên mình thì cũng bị bên kia bắt. Do vậy mà đa số nam, nữ đều tham gia tòng quân. Mấy người anh của bà thoát ly gia đình theo bộ đội địa phương, lần lượt hi sinh mấy năm sau đó. Kế đến là cô em gái út hy sinh khi mới vừa tròn 17 tuổi.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và cựu BĐSG Lại Thị Kim Túy trong một lần họp mặt truyền thống
Bà nhớ lúc 14 tuổi, sáng mang cặp đến trường, mấy cô chú giao cho bức thư dặn đi học về ghé qua giao cho chú Ba Khanh, cô Chính hoặc cô Sáu Tranh… về sau bà mới biết đây là những cán bộ nằm vùng ở Đức Hòa. Năm 15 tuổi, nghỉ học, tham gia công tác đoàn thanh niên và làm bí thư chi đoàn xã Tân Mỹ. 17 tuổi làm Hội trưởng Hội phụ nữ xã, nhiệm vụ lúc mấy giờ là vận động thanh niên tòng quân, đào đường, gài chông, biểu tình...
Năm 1967, trước khi có lệnh lên đường tham gia chiến dịch Mậu Thân thì được tin chồng mất. Vượt qua nỗi đau mất mát, bà vui vẻ xung phong lên đường. Cả xã Tân Mỹ khi đó cấp trên chỉ nhận có 5 người; 4 người nam được phiên vào bộ đội vùng 3 cánh Tây Nam trực tiếp cầm súng chiến đấu; còn bà được phân làm giao liên và được cử vô nội thành. Mặc dù chưa thông thuộc đường đi nước bước, cũng chưa rành cách ăn mặc sao cho hợp với người đô thị vậy mà hàng ngày vẫn ra vào trót lọt.
28 Tết Mậu Thân 1968, bà được tổ chức yêu cầu điều nghiên mặt trận, vận chuyển vũ khí, đưa thư ông Tư Chu (Đại tá AHLLVT Nguyễn Đức Hùng), ông Tư Tăng (Đại tá AHLLVT Nguyễn Văn Tăng) cho các cơ sở nội thành. Ngay hôm sau bà quay về Đức Hòa để nghe phổ biến lệnh tổng tiến công vào đêm 30 Tết. Bà nhớ mình đi cùng đoàn quân về tới xã Vĩnh Lộc (Bình Chánh) thì chi ra làm 2 nhóm: một nhóm đi về hướng sân bay Tân Sơn Nhất; nhóm còn lại có 44 chiến sỹ, trong đó có bà đi về hướng Phú Thọ Hòa ém quân, chờ đến giờ G tấn công mục tiêu khu vực cầu sắt Tân Thới Hòa (Tân Phú). Nửa đêm 30 Tết, tiếng súng Tổng tiến công đồng loạt nổ ra giòn giã địch bất ngờ choáng váng. Nhiều mục tiêu của địch bị quân giải phóng chiếm giữ.
Đến ngày Mùng 2 Tết thì địch bắt đầu phản công, chiến sỹ cách mạng lần lượt hy sinh. Tuy vậy, nhóm của bà Sáu Túy cầm cự cho tới ngày thứ 13, địch tăng viện quân số lên đến 2 tiểu đoàn, 21 xe tăng M.113, trên đầu nhiều trực thăng quần thảo kêu gọi đầu hàng. Chúng bắn vào nhà dân, lửa cháy ngùn ngụt. Bà Sáu Túy kể, cho đến 12 giờ ngày thứ 13, kiểm điểm lại quân số chỉ còn có 6 người. Khi đó mọi người thống nhất phải bằng mọi giá thoát ra chứ không để rơi vào tay giặc, và may mắn cuối cùng cả 6 người được dân chúng che chở vượt thoát an toàn.
Trong cuộc chiến mình đã quyết định đi là chết, chết trong danh dự, chết vì mình hoàn thành nhiệm vụ “thề quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Đó cũng là câu mà tất cả những chiến sỹ trên đường đi vào trận chiến đều thuộc lòng, các anh khi đó còn rất trẻ nhưng không một ai tỏ ra lo sợ hay nao núng, bà Sáu Túy ưu tư.
Sau Mậu Thân bà Sáu Túy được cấp trên cử đi học 6 tháng ở trường Sỹ quan Lục quân H.12, sau đó được bố trí biên chế vào lại BĐSG và tiếp tục làm giao liên công khai cho đến năm 1974 thì chuyển sang làm giao liên cho lữ đoàn 316 Đặc công – Biệt Động của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam.
Năm 1975 bà tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, hướng tiến quân từ Củ Chi vào Sài Gòn. Khi đến ngã tư Tân Quy thì bị thương nhưng vẫn cùng đơn vị tiến quân vào giải phóng Sài Gòn đúng trưa ngày 30/4/1975.
SỐNG ĐỂ TRẢ ƠN
Sau năm 1975 bà về công tác Phòng chính trị của Quân khu 7, đến tháng 7/1976 thì chuyển về làm việc tại Sở Thương nghiệp TP.HCM cho đến lúc nghỉ hưu giữa năm 2003.
Bà nói mình từng vào sinh ra tử, nhưng trong đời cho đến giờ có một kỷ niệm đau lòng và không thể nào quên. Khoảng năm 1966, 1967, khi đó bà đang là Hội trưởng phụ nữ xã Tân Mỹ. Một hôm có một cậu thanh niên còn rất trẻ, mới 17 tuổi, tên Hoàng Đình Minh. Hai người anh của cậu hy sinh trước đó không lâu. Cậu ấy đến gặp bà nằng nặc xin cho đi làm cách mạng. Thấy không thể ngăn được bầu nhiệt huyết của cậu nên bà cho đi theo. Cậu đi đúng một tuần thì hi sinh. Mỗi khi nhắc lại bà cảm thấy đau lòng, bởi tới giờ vẫn chưa tìm được mộ.
Từ trái qua: Đại tá AHLLVT Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), bà Sáu Túy, cùng cán bộ xã Tân Thới Hòa tại lễ giỗ 38 liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968
Năm 1992, trước khi mẹ bà qua đời (84 tuổi), nhắc bà phải đi tìm cho được mẹ Cúc (mẹ của cậu ta) để xem sau ngày thống nhất sinh sống thế nào, vì gia đình cậu ấy không còn người con trai nào (cả hai bà mẹ đều là Mẹ Việt Nam anh hùng - NV). Bà Sáu Túy cất công tìm kiếm khắp nơi, từ Long An lên Đồng Nai, qua Bình Thuận vẫn không có kết quả. Một hôm bà Sáu Túy được tin mẹ Cúc cùng con gái đang làm rẫy ở Tân Biên (Tây Ninh). Khi lên tới nơi và tìm gặp, mẹ Cúc đã bị tai biến hơn 2 năm, hàng ngày ăn cháo và không đi lại được. Bà xin phép chính quyền địa phương và được đồng ý để bà rước mẹ Cúc về Sài Gòn chăm sóc. Đi cùng mẹ Cúc về Sài Gòn có cô con gái hai đứa cháu ngoại của bà.
Về đến Sài Gòn, bà đưa mẹ Cúc vào bệnh viện Trưng Vương điều trị được 3 tháng thì mẹ khỏe lại. Bà rước về nhà mình để tiếp tục chăm sóc cho đến năm 2000 thì mẹ Cúc mất. Cho đến nay, cựu chiến sĩ BĐSG vẫn còn thờ cúng mẹ Cúc ở ngôi nhà của mình tại phường 26, Q. Bình Thạnh, TP.HCM chung với cha mẹ của mình.
Cuộc sống của các chiến sĩ BĐSG sau ngày thống nhất cũng có nhiều đổi thay. Người trở về với ruộng vườn, người tiếp tục con đường binh nghiệp, người hăng say công tác xã hội… Dù ở cương vi nào, họ vẫn luôn phát huy phẩm chất của người lính Cụ Hồ, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Những cựu chiến binh chia sẻ, điều họ trăn trở nhất là làm sao để thế hệ trẻ hiểu được giá trị hòa bình, độc lập, tự do, để từ đó ra sức học tập, rèn luyện, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh.
Cao Phương