Cựu binh kể khoảnh khắc xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4.
Đại úy Vũ Đăng Toàn chia sẻ, ngày 30/4/1975, ông là Trưởng xe tăng 390 – một trong hai chiếc xe tăng tiếp cận Dinh Độc Lập đầu tiên, chiếc còn lại là xe tăng 843. Cả hai chiếc xe tăng thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Xe tăng 203 – Quân đoàn 2. Người lái chiếc xe tăng 390 ngày hôm đó là trung sĩ Nguyễn Văn Tập.
Đến cổng Dinh Độc Lập thấy xe tăng 843 dừng lại ở cổng phụ, Trung sĩ Tập hỏi ý kiến Trưởng xe Vũ Đăng Toàn: “Bây giờ như thế nào anh?”. Ông Toàn lệnh rằng cho xe tông thẳng vào cổng.
“Khi đó, đồng chí Tập nhận được lệnh đã tăng ga, nhắm thẳng cổng Dinh Độc Lập và húc đổ chiếc cổng rồi lao vào sân dinh”, ông Toàn nói.
Ông Vũ Đăng Toàn, Trưởng xe tăng số hiệu 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. (Ảnh: Đại Việt)
Ông Toàn cho biết, theo kế hoạch, xe tăng nào vào dinh trước sẽ tiến hành cắm cờ. Thấy xe tăng 843 do Trung úy Bùi Quang Thận làm trưởng xe tiến sát phía sau, ông Toàn xách súng AK yểm trợ Trung úy Thận chạy vào Dinh Độc Lập cắm cờ.
Khi vào dinh, các chiến sĩ gặp ông Nguyễn Hữu Hạnh.
Ông Hạnh chào các chiến sĩ giải phóng: “Thưa ông, tôi là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụng tá cho Tổng thống Dương Văn Minh. Tổng thống vẫn còn ở đây, mời hai ông lên làm việc”.
Xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 (Ảnh: Francoise Demulder)
Theo ông Toàn, khi vào Dinh Độc Lập thì có khoảng 60 người thuộc nội các của chính quyền Dương Văn Minh. Quân ta nhanh chóng leo lên trên cắm cờ, khẳng định giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau đó, ông Toàn và các chiến sĩ tiếp tục quản lý ông Dương Văn Minh và nội các của ông này để chờ cấp trên đến làm việc.
Cũng theo ông Toàn, ông không ngờ mình lại được chứng kiến những phút giây lịch sử của Chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
“Hôm nay, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến ông Hinh – người bảo vệ Dinh Độc Lập ngày hôm đó. Chính ông đã hỗ trợ ngắt cầu dao điện để xe tăng lao vào dinh an toàn. Nếu không ngắt điện thì toàn bộ hàng rào của dinh đã bị nhiễm điện gây thương vong nặng nề cho các chiến sĩ và đoàn xe tăng”, ông Toàn nói.
Ông Nguyễn Văn Tập, người lái xe tăng số hiệu 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4. (Ảnh: Đại Việt)
Ông Nguyễn Văn Tập chia sẻ, khi chỉ huy ra lệnh lao vào Dinh Độc Lập thì ông lập tức tuân theo và nhấn ga cho xe húc đổ chiếc cổng sắt. Chiếc xe tăng nhanh chóng lao vào sân và dừng trước tiền sảnh của dinh thự.
Theo ông Tập, để chiếc xe tăng tiến được vào Dinh Độc Lập thì biết bao nhiêu đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã phải ngã xuống. Ông và các đồng đội trên chiếc xe tăng 390 may mắn trở thành những nhân chứng lịch sử của ngày trọng đại của cả dân tộc. Chiếc xe tăng cũng đã được Nhà nước công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2012.
“Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, anh em chúng tôi vẫn luôn giữ liên lạc chặt chẽ với nhau. Chúng tôi luôn ở bên nhau những khi gia đình có việc vui hay chuyện buồn. Quá khứ đã đi qua, nhiệm vụ của chúng ta là phát triển đất nước giàu mạnh hơn, phồn thịnh hơn”, ông Tập nói.
Ngày 16/4, tại Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập), TP.HCM, thực hiện chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Báo Quân đội Nhân dân tổ chức chương trình Gặp mặt, giao lưu 50 đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tướng lĩnh, cựu chiến binh… trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên toàn quốc với chủ đề “50 năm toàn thắng về ta”.
Chương trình đã tri ân, tặng quà người có công cũng như lắng nghe những chia sẻ đầy tự hào của các chiến binh từng xông pha nơi tuyến lửa.