Cựu binh Nga: Bài học nước Đức sau Thế chiến I

Cựu binh Nga: Bài học nước Đức sau Thế chiến I
9 giờ trướcBài gốc
Chiến tranh và những biến động xã hội
Theo tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin vào mùa hè năm 2024, ở Ukraine, có khoảng 700.000 người Nga tham chiến. Ngay cả khi con số này bị thổi phồng, nó vẫn vượt số lượng lính Liên Xô từng tham gia chiến tranh Afghanistan từ 1979-1989: 620.000 người. Xã hội Liên Xô gần như không phản ánh sâu sắc về cuộc chiến Afghanistan kéo dài một thập kỷ, và số thương vong cũng ít hơn rất nhiều so với 3 năm của cuộc chiến hiện tại.
Tuy nhiên, cuộc chiến đó đã có ảnh hưởng to lớn đến xã hội Liên Xô và Nga - từ việc các hội cựu binh Afghanistan nhanh chóng biến thành những băng nhóm tội phạm chủ chốt trong nước, đến sự xuất hiện của các tướng lĩnh như Lebed và Rutsky, những nhân vật quan trọng trên chính trường Nga vào thời kỳ đó.
Freikorps ở Berlin năm 1919.
Tác động của gần 1 triệu người lính trở về từ chiến trường có thể rất lớn. Sự gia tăng tội phạm do họ gây ra đã được ghi nhận ngay từ bây giờ.
Một nhóm xã hội mới đã thực sự hình thành trong xã hội Nga - đó là "những người tham gia Chiến dịch quân sự đặc biệt", hay còn gọi là các cựu chiến binh. Họ thường mang theo những quan niệm về vị trí của mình trong xã hội, nhưng những quan niệm đó lại không phù hợp với thực tế. Một ví dụ điển hình là trải nghiệm của các binh sĩ Đức trở về nhà sau Thế chiến I vào năm 1918.
Aleksandr Lebed.
Cựu chiến binh - trụ cột của chính quyền...
Các cựu chiến binh Đức từ Thế chiến I đã được tổ quốc đón chào nồng nhiệt, nhưng tổ quốc ấy lại hoàn toàn khác với tổ quốc mà họ ra đi vào năm 1914. Các sự kiện ở Đức phát triển theo một kịch bản tương tự như ở Nga dưới thời Sa hoàng, chỉ là muộn hơn một năm. Vào tháng 11/1918, một cuộc cách mạng đã diễn ra ở Đức, Hoàng đế Đức chạy trốn, và chính phủ lâm thời của các đảng phái nghị viện lên nắm quyền, bắt đầu chuẩn bị bầu cử vào quốc hội lập hiến. Có cả những người Bolshevik thuộc "Liên minh Spartacus" - những người đã lên kế hoạch cho một cuộc khởi nghĩa vũ trang.
Điều khác biệt là ở Đức, chính phủ đã thiết lập một liên minh với các tướng lĩnh (trong khi Thủ tướng Chính phủ Lâm thời Nga Kerensky cũng từng thiết lập một liên minh với tướng Kornilov, nhưng sau đó đã chuyển thành xung đột và nổi loạn). Tuy nhiên, các tướng lĩnh Đức không có quân đội chính quy, vì đã giải ngũ. Thay vào đó, xuất hiện các đơn vị tình nguyện - "Freikorps" (“Quân đoàn tự do”) - được thành lập từ những cựu binh, do chính phủ vũ trang và tài trợ. Số lượng các đơn vị này lên tới hàng trăm, với 250.000 đến 400.000 người tham gia.
Phần lớn thành viên của các đơn vị tình nguyện này là những người lính trẻ chưa từng nhìn thấy gì trong cuộc đời ngoài chiến tranh. Sử gia Đức, Bernard Sauer, đã mô tả những tình nguyện viên này như sau: "Họ không thể tìm thấy vị trí của mình trong thế giới hậu chiến. Không biết làm gì ngoài đánh nhau, không học hành, không nghề nghiệp, và không có triển vọng được gia nhập quân đội bị cắt giảm sau chiến tranh, điều duy nhất họ có thể làm là gia nhập Freikorps”.
Mặc dù phần lớn thành viên của các tổ chức này có quan điểm cực kỳ bảo thủ và không hề cảm thông với chính phủ cánh tả của Cộng hòa Weimar, họ đã giúp chính phủ này dập tắt cuộc nổi dậy của những người Spartacus vào tháng 1/1919 và một số cuộc nổi loạn ở các khu vực khác. Họ cũng bảo vệ lợi ích của Đức ở vùng Baltic, nơi Đức đã chiếm đóng hoàn toàn vào đầu năm 1918 và tìm cách thành lập các vùng bảo hộ của mình. Sau khi thất bại, Đức buộc phải rút quân khỏi đó, nhưng Freikorps vẫn tiếp tục chiến đấu với những người Bolshevik và quân đội quốc gia của Latvia và Estonia trong một thời gian dài.
Cuộc nổi dậy của Freikorps ở Berlin năm 1920.
Vào tháng 3/1919, chính phủ Weimar đã thông qua Luật về Lực lượng vũ trang lâm thời Reichswehr, quy định quy mô lực lượng vũ trang của nước cộng hòa là 400.000 người. Theo quyết định của Bộ trưởng Chiến tranh, một số Freikorps có thể được bổ sung vào quân đội đế chế. Những đơn vị không được đưa vào sẽ ngừng nhận hỗ trợ tài chính và bị giải tán. Sau khi Hòa ước Versailles có hiệu lực, quân đội Đức sẽ giảm xuống còn 100.000 người.
Vào tháng 11/1919, khi được triệu tập tới Quốc hội để cung cấp lời khai về nguyên nhân chiến tranh, Thống chế Hindenburg tuyên bố rằng Đức thua vì bị "đâm sau lưng". Trong khi quân đội Đức chiến đấu với Pháp và Anh trên lãnh thổ của họ, những kẻ phản bội ở hậu phương đã làm lung lay con thuyền và cuối cùng lật nó. Những người lính giải ngũ đã nghi ngờ điều này từ lâu, và giờ đây Thống chế của họ đã gọi tên sự việc. Dù không nêu đích danh, nhưng mọi người đều hiểu rằng các bộ trưởng - đảng viên đảng xã hội là những kẻ phản bội.
... và yếu tố gây mất ổn định
Vào tháng 3 năm sau, các Freikorps đã nổi dậy chống lại Cộng hòa Weimar. Mang theo cờ xí, họ tiến vào Berlin, diễu hành qua Cổng Brandenburg và chiếm khu chính phủ. Các bộ trưởng bỏ trốn, quân đội trung thành với nền cộng hòa tuyên bố trung lập. Và chỉ có một cuộc đình công lớn mới ngăn cản những kẻ âm mưu duy trì quyền lực. Các quan chức đã tham gia cuộc đình công này, làm tê liệt hoàn toàn bộ máy chính phủ, bị những kẻ đảo chính bắt giữ.
Cuối cùng, các Freikorps bị giải tán, tuy nhiên, điều này không làm cho các thành viên của họ trở nên thích nghi hơn với cuộc sống hòa bình. Những kẻ cực đoan nhất tham gia vào các cuộc khủng bố và thậm chí đã giết chết Bộ trưởng Ngoại giao Walter Rathenau, mặc dù ông có quan điểm cánh hữu ôn hòa nhưng lại là người Do Thái. Đến năm 1922, Freikorps đã thực hiện hơn 300 vụ ám sát chính trị.
Tuy nhiên, phần lớn các cựu tình nguyện viên gia nhập các hội cựu chiến binh hợp pháp. Những tổ chức này phân chia theo xu hướng chính trị: những người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc có hội "Mũ Thép", các đảng viên cộng sản tham gia "Mặt trận Đỏ", và ngay cả chính phủ cộng hòa cũng thành lập một lực lượng riêng mang tên "Reichsbanner", tổ chức đông đảo nhất, nhưng lại yếu kém nhất về khả năng chiến đấu.
Về mặt hình thức, thành viên của các tổ chức này không có vũ khí, nhưng họ có đồng phục riêng, họ bảo vệ các cuộc mít tinh đảng và ẩu đả với nhau. Đã xảy ra những trận chiến đường phố thực sự, với hàng chục người chết. Các cựu thành viên Freikorps cũng đã thành lập SA và SS - hai tổ chức quân sự của đảng Quốc xã, trở thành lực lượng chủ yếu của Hitler.
Cuối cùng, Hitler đã tập hợp được tất cả những cựu chiến binh cánh hữu dưới quyền của mình. Tất nhiên, không phải họ mang lại chiến thắng chính trị cho y, mà là nhờ vào sự ủng hộ của các tướng lĩnh và giới công nghiệp. Nhưng để giành được sự ủng hộ này, trước tiên Hitler đã phải thu hút sự chú ý trên đường phố.
Artem Zhoga.
Thập kỷ sau Thế chiến I, trước khi xảy ra cuộc Đại Khủng hoảng vào năm 1929, đã đi vào lịch sử như là "những năm 20 sôi động". Đó là thời kỳ bùng nổ về văn hóa, xã hội và kinh tế. Nhạc jazz, nghệ thuật trang trí kiểu Art Deco, nhà chọc trời, khinh khí cầu, quán rượu và phim có âm thanh. Tuy nhiên, những người lính mặt trận, nhìn chung, vẫn đứng ngoài lề cuộc sống xa hoa ấy.
Những người dân thành thị nhìn họ với ánh mắt e ngại và nghi ngờ. Đặc biệt là những cựu chiến binh từ mặt trận phía Đông mà theo dư luận chung, đã bị "nhiễm" bệnh Bolshevik. Phi công chiến đấu nổi tiếng và đồng minh gần gũi của Hitler, Hermann Goring, nghị sĩ của đảng Quốc xã, đã thốt lên từ diễn đàn Quốc hội vào năm 1928 rằng các cựu chiến binh buộc phải xấu hổ vì quá khứ của mình. Tuy nhiên, nếu những người tham chiến ở phía Tây ít nhất có thể quên đi nỗi xấu hổ bằng cách ăn nhậu, thì những người trở về từ phía Đông lại sống trong cảnh nghèo đói.
Tương lai của các cựu binh Nga
Xác suất những người trở về từ chiến trường sẽ trở thành một thế hệ bị mất mát ở nước Nga đương đại là rất cao. Ngay từ đầu chiến tranh, ông Putin đã nhiều lần tuyên bố rằng những người tham gia chiến tranh sẽ trở thành tầng lớp tinh hoa mới của Nga. Chính quyền đã xây dựng chương trình “Thời đại của các anh hùng”, trong đó đã tuyển chọn được 80 người để đào tạo họ phục vụ đất nước.
Cho đến nay, đại diện thành công nhất của chương trình này là Artem Zhoga, đặc phái viên của Tổng thống tại vùng Ural, cựu chỉ huy tiểu đoàn ly khai "Sparta". Tuy nhiên, đồng hành cùng Zhoga là những quan chức chuyên nghiệp tham gia “Chiến dịch quân sự đặc biệt”, nhưng không rời khỏi ghế công chức của họ, ví dụ như Evgeny Pervyshov, quyền Thống đốc tỉnh Tambov.
Tuy nhiên, vì không có đủ chỗ làm trong các tập đoàn nhà nước hay trong các cơ quan công quyền để tiếp nhận tất cả những người đã tham chiến, cách duy nhất giúp đỡ họ là cho họ hưởng những ưu đãi khác nhau. Từ quyền đi bộ qua đường khi đèn đỏ đến việc nhận con cái của họ vào đại học mà không cần thi tuyển. Nhưng điều này chỉ có thể làm gia tăng sự bất hòa giữa quân đội và người dân.
Thành viên liên minh Mũ Thép năm 1933.
Giống như nước Đức thập niên 1920, nước Nga thời hậu chiến có thể sẽ chứng kiến sự gia tăng của những người không tìm được chỗ đứng trong xã hội thời bình. Ai sẽ dẫn dắt họ là câu hỏi vẫn chưa có lời đáp và Điện Kremlin hiện đang tiến hành một cuộc thanh lọc có hệ thống trong khu vực này.
Trong số các chỉ huy chiến trường Donetsk thời kỳ “Mùa xuân Nga”, dường như không ai hy sinh trên chiến trường. Tuy nhiên, như kinh nghiệm nước Đức cho thấy, quần chúng đã tạo ra những người lãnh đạo của mình. Cả Thalmann, lãnh tụ của đảng Cộng sản Đức, và Hitler, lãnh đạo của đảng Quốc xã, đều nổi lên trên chính trường Đức vào những năm 1920 gần như từ số không.
Trần Hậu
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/cuu-binh-nga-bai-hoc-nuoc-duc-sau-the-chien-i-i773494/