Cựu chiến binh Dương Ngọc Vẻ: Một thời để nhớ, một đời không quên

Cựu chiến binh Dương Ngọc Vẻ: Một thời để nhớ, một đời không quên
2 ngày trướcBài gốc
Ông Dương Ngọc Vẻ lưu giữ cẩn thận huân, huy chương, giấy chứng nhận trong những năm tháng tham gia kháng chiến của mình.
Ngôi nhà của vợ chồng ông Vẻ nằm nép mình trong con ngõ yên ả của tổ dân phố Cầu Gáo. Trên bức tường cũ, ảnh chân dung Bác Hồ và những tấm bằng khen, huân chương được ông dán ngay ngắn như tài sản vô giá của đời mình. Ông bảo, tôi thấy mình hạnh phúc, may mắn hơn nhiều đồng đội khi được sống sót trở về.
Năm 1966, khi đang học Trường THPT Lương Ngọc Quyến, ông về tham gia dân quân địa phương, hiệp đồng cùng các đơn vị bộ đội, làm nhiệm vụ tải đạn, cứu thương và bắn máy bay Mỹ trên địa bàn. Lần gia nhập đầu tiên, ông được nhận Huy hiệu Chiến thắng 5/8 (vật kỷ niệm của Bộ Quốc phòng tặng những cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, lực lượng vũ trang trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu chống máy bay và tàu chiến Mỹ trong ngày 2 và 5/8/1964). Và ngay sau đó, ông được kết nạp đoàn.
Tháng 7-1967, ở tuổi 18, ông Dương Ngọc Vẻ chính thức nhập ngũ, được biên chế về Trung đoàn 246, Quân khu Việt Bắc (nay là Quân khu 1). Ngày 25 Tết Mậu Thân 1968, khi khắp nơi đang rộn ràng đón xuân, ông cùng đồng đội lên đường vào Thanh Hóa, Quảng Trị. Đó là khởi đầu cho cuộc hành quân kéo dài suốt ba tháng trời, băng rừng lội suối để tham gia Chiến dịch đường 9 - Khe Sanh.
“Lúc đó tôi là nhỏ nhất đoàn, mới 18 tuổi, nặng 41kg. Trong khi đó vác quân tư trang, nòng pháo nặng 45kg, nặng hơn cả thân mình” - ông hóm hỉnh nhớ lại. Trường Sơn gập ghềnh đất đỏ, sớm mai lạnh cắt da, trưa lại bỏng rát dưới nắng cháy. Bữa ăn chỉ là nắm cơm vắt, giấc ngủ vội trên võng mắc tạm giữa rừng già nhưng không ai nao núng, chúng tôi chỉ mong kịp có mặt ở mặt trận, kịp giờ nổ súng”.
Chiến trường Khe Sanh thời điểm đó là điểm tựa chiến lược quan trọng của Mỹ, được củng cố bằng hệ thống công sự dày đặc, phương tiện hiện đại, cùng hỏa lực không quân và pháo binh dữ dội. Bộ đội ta áp dụng chiến thuật “vây điểm, triệt diệt”, đánh địch ngoài công sự là chủ yếu.
Ông Dương Ngọc Vẻ được tặng thưởng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” cấp I, II và Dũng sỹ quyết thắng.
Với thể hình nhỏ gọn, linh hoạt và kỹ năng bắn súng được tôi luyện từ khi còn là dân quân ở quê nhà, ông Vẻ nhanh chóng thể hiện được bản lĩnh trên chiến trường. Tại Khe Sanh, ông sát cánh cùng đồng đội trong các trận đánh hiệu quả, khiến kẻ thù nhiều phen khiếp sợ. Trong một trận đánh bất ngờ tại Nam sông Bến Hải, thám báo Mỹ đột nhập vào hậu cứ, bằng súng bộ binh, ông và đại đội phó khiến hàng chục tên bỏ mạng. Sau trận này, ông được phong danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp II và được kết nạp đảng khi tròn 20 tuổi.
Ngay sau trận đánh, đơn vị củng cố lại lực lượng, tiếp tục hành quân vào Thừa Thiên - Huế. Lúc này, ông làm Đại đội trưởng, Trung đoàn 4, Quân khu Trị Thiên, có nhiệm vụ huấn luyện tân binh, tham gia cải tạo tù binh, chuẩn bị cho trận đánh lớn cuối cùng hướng về Sài Gòn.
Ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, ông đang có mặt tại Huế. Khi nghe tin chiến thắng, cả đơn vị vỡ òa, tiếng súng bắn chỉ thiên vang lên khắp nơi như pháo Tết. Chiến thắng thần tốc ở mặt trận Trị Thiên đã mở đường cho những đợt tấn công dồn dập tiếp theo, giải phóng Đà Nẵng, các tỉnh duyên hải miền Trung và tiến thẳng về Sài Gòn, để rồi vào trưa ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, non sông thu về một mối.
Thế nhưng, điều khiến ông nhớ mãi không phải là bao nhiêu kẻ thù bị tiêu diệt, mà là những ánh mắt của đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi rừng xanh. Ông lặng giọng: Có người vừa còn cười nói, phút sau đã nằm xuống. Có lần, trên đường hành quân, quân Mỹ ném bom tọa độ khiến 3 đồng đội của tôi hy sinh, đau đớn mà không biết làm thế nào.
Ông Dương Ngọc Vẻ chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình.
Năm 1978, ông chuyển sang làm trợ lý quân lực, phụ trách quân số và vũ khí của đơn vị. Dù đất nước đã thống nhất, nhưng các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ dã tâm phá hoại, tiến hành các hành động khiêu khích vũ trang và xâm phạm biên giới. Lúc này, ông và đơn vị của mình chuẩn bị lên đường sang Lào làm nhiệm vụ kinh tế theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, chưa kịp lên đường, ngày 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ tấn công khu vực biên giới phía Bắc. Ông ngay lập tức được điều động hành quân lên Lạng Sơn, dù đang thực hiện nhiệm vụ quân lực nhưng với tinh thần của người lính, ông chủ động vào mặt trận, tiếp tục chiến đấu, góp phần vào chiến công chung.
Ông kể lại, thời chiến, ai cũng mang trong mình một khí thế “Nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực”, chiến đấu với tinh thần thà tự sát còn hơn bị địch bắt sống. Hạnh phúc lúc đó giản dị, có cơm ăn là vui, có giấc ngủ trọn vẹn là quý giá. Mỗi người tự trang bị gạo rang, gạo sống, lương khô, bật lửa, dao, tự nấu ăn, dựng lán, và luôn mang theo hai quả lựu đạn để phòng thân.
Với những chiến công và sự dũng cảm của mình, ông được tặng danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ cấp I, cấp II; Dũng sỹ Quyết thắng cấp III và vinh dự nhận các Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, Huân chương Giải phóng Miền Nam hạng 1, 2, 3, Huân chương Chiến công bảo vệ biên giới và nhiệm vụ quốc tế…
Chiến tranh kết thúc, ông trở về công tác tại Quân khu 1. Năm 1990, ông về hưu, tiếp tục tham gia trên mặt trận mới: phát triển kinh tế và xây dựng quê hương. Ông đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam phường Bách Quang.
Trên mảnh đất 4.000m², ông tự tay khai hoang, trồng cây ăn quả, đào ao thả cá. Ông tham gia tích cực các phong trào xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ đồng đội. Ông bảo, thời gian trong quân ngũ đã dạy tôi một bài học quý giá: kỷ luật, đoàn kết và không bao giờ bỏ cuộc. Đời lính là như vậy, chỉ cần còn sống, ta sẽ luôn chiến đấu, dù là trên chiến trường hay giữa đời thườn
Lưu Phượng
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202504/cuu-chien-binh-duong-ngoc-ve-mot-thoi-de-nho-mot-doi-khong-quen-0db0dc5/