Sinh ra và lớn lên tại xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, Nguyễn Đình Thường luôn trăn trở cách làm giàu từ nguồn lợi biển phong phú của quê hương. Sau 3 năm trong quân ngũ (từ tháng 3-1988 đến tháng 3-1991, tại Tiểu đoàn 16, Sư đoàn 395, Quân khu 3), ông trở về địa phương và nhận ra tiềm năng phát triển kinh tế từ việc nuôi thả ngao giống, ngao thương phẩm.
“Nhận thấy nuôi ngao không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, năm 2000, tôi dùng tiền tiết kiệm và vay vốn ngân hàng để mua 1 ha bãi triều. Sau đó, dựng cọc, lưới, làm chòi và bắt tay vào nuôi ngao”, ông Thường chia sẻ.
Cựu chiến binh Nguyễn Đình Thường là một trong những người dân miền biển Tiền Hải đầu tiên mạnh dạn đầu tư cải tạo bãi triều, vây thả ngao nuôi thương phẩm. Ảnh: Hải Ly
Nghề nuôi ngao phụ thuộc toàn phần vào thiên nhiên, đòi hỏi người nuôi phải có bản lĩnh và kinh nghiệm vững vàng và hiểu biết sâu sắc về sự sinh trưởng của loài nhuyễn thể này. Những ngày đầu, do thiếu kinh nghiệm trong việc quản lý mật độ và xử lý môi trường nước khiến tỷ lệ ngao thành phẩm của gia đình ông còn thấp. Người lính cựu nhớ lại: “Năm 2002, khi mở rộng thêm 3ha bãi triều, tôi gặp nhiều khó khăn. Do thả giống vào mùa lũ, nước từ nguồn đổ về vừa ngọt, vừa ô nhiễm, khiến ngao chết hàng loạt, gây thiệt hại kinh tế nặng nề”.
Khó khăn là thế, song với khí chất của người lính Cụ Hồ, cựu chiến binh Nguyễn Đình Thường luôn kiên trì học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm và không ngừng nỗ lực để cải thiện mô hình nuôi ngao của mình. Ông chủ động nghiên cứu tài liệu, sách báo và đi khảo sát nhiều tỉnh, thành phố để tìm hiểu các mô hình hiệu quả. Đồng thời, tích cực tìm kiếm, thiết lập và mở rộng thị trường tiêu thụ cho ngao thương phẩm và ngao giống.
Cựu chiến binh Nguyễn Đình Thường và chiếc máy đánh bắt ngao tự động của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Năm 2012, nhận thấy nghề nuôi ngao phụ thuộc chủ yếu vào sức người và gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác, ông Thường bắt tay vào nghiên cứu và chế tạo máy bắt ngao tự động. “Mục tiêu khi ấy là sáng tạo ra chiếc máy có thiết kế đặc biệt để hoạt động hiệu quả trên các bãi nuôi ngao ngập nước, hoặc những bãi có thời gian cạn ngắn. Từ đó, giúp ngư dân tiết kiệm chi phí và giảm bớt sức lao động, đồng thời nâng cao năng suất thu hoạch”, người cựu chiến binh chia sẻ.
Sau hơn 1 năm cải tiến và thử nghiệm, chiếc máy đã cho thấy hiệu quả rõ rệt và nhanh chóng được nhiều người áp dụng trong nghề nuôi ngao. “Trước kia, để khai thác 10 tấn ngao, cần đến 60 người, nhưng giờ đây, với sự hỗ trợ của máy móc thì chỉ cần 10 người là đủ”, ông Thường phấn khởi. Với sáng kiến đó, năm 2022, ông là 1 trong số 62 người vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông”.
Máy bắt ngao tự động giúp ngư dân tiết kiệm chi phí và giảm bớt sức lao động, đồng thời nâng cao năng suất thu hoạch ngao. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đến nay, cựu chiến binh Nguyễn Đình Thường đang là chủ sở hữu của 3 khu nuôi ngao giống và ngao thương phẩm tại xã Đông Minh (Tiền Hải), xã Thái Đô và xã Thái Thượng (Thái Thụy), với tổng diện tích hơn 50ha. Mỗi năm, mô hình của ông sản xuất hàng chục tấn ngao các loại, được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,... sau khi trừ chi phí, cho thu lợi nhuận lên tới hơn 1 tỷ đồng. Đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động, với mức thu nhập trung bình 10 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ đầu tư vào nuôi trồng thủy hải sản, ông còn thành lập đội khai thác với 4 tàu chuyên cung cấp dịch vụ đánh bắt ngao. Cựu chiến binh Vũ Đình Thường cho biết, việc khai thác thủ công luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là khi thời tiết không thuận lợi. Chính vì vậy, ông đã đầu tư tàu để chở máy khai thác đi các bãi, hỗ trợ bà con nông dân, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất chung tại địa phương.
Cựu chiến binh Nguyễn Đình Thường trong 1 chuyến “ra khơi” thu hoạch ngao. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ông Trần Văn Chiến, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tiền Hải đánh giá: “Ông Nguyễn Đình Thường là một cựu chiến binh gương mẫu, tiên phong trong việc phát triển mô hình nuôi ngao, không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Mô hình của ông là động lực để những người khác học hỏi và làm theo, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững”.
Không chỉ vươn lên làm giàu chính đáng với nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả; cựu chiến binh Nguyễn Đình Thường còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương. Với cương vị Chi hội trưởng Chi hội Doanh nhân Cựu chiến binh huyện Tiền Hải và Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đông Hoàng, ông đã phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể địa phương, tạo cơ hội việc làm cho con em các hội viên cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn, với thu nhập ổn định từ 7-8 triệu đồng mỗi tháng.
Mô hình nuôi ngao của cựu chiến binh Nguyễn Đình Thường tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động, với mức thu nhập cao. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bên cạnh đó, ông luôn nhiệt tình chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với những ai đến tham quan và học hỏi từ mô hình nuôi ngao của mình. Với những đóng góp ấy, năm 2021, ông được Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2016-2021.
Chia sẻ về dự định tương lai, ông cho biết sẽ tiếp tục đầu tư thiết bị hiện đại, hợp tác với chuyên gia kỹ thuật, áp dụng phương pháp nuôi trồng sạch để nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng quy mô. Đồng thời, ông cũng tiếp tục tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
HẢI LY