Lãnh đạo Hội Cựu chiến binh huyện Phú Bình thăm mô hình chăn nuôi của gia đình ông Cao Xuân Oanh, ở xóm Quyên, xã Bảo Lý.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về đời thường, năm 2003, ông Cao Xuân Oanh, xóm Quyên, xã Bảo Lý, đã đầu tư phát triển chăn nuôi lợn thịt. Từ quy mô chỉ 10 con/lứa ban đầu, nay ông đã phát triển thành trang trại với trên 100 con lợn thịt và 20 con lợn nái/lứa. Ngoài ra, gia đình ông còn nuôi trồng thủy sản với sản lượng trung bình đạt 10 tấn cá/năm. Hàng năm, lợi nhuận từ chăn nuôi đạt khoảng 500 triệu đồng.
Để có được thành quả trên, ngoài sự nỗ lực của bản thân, gia đình ông còn được hội cựu chiến binh (CCB) các cấp quan tâm, tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn khoa học - kỹ thuật; thường xuyên hỏi thăm và động viên phát triển sản xuất.
Ông Oanh chia sẻ: Nhờ được tham gia các lớp tập huấn do Hội CCB huyện phối hợp tổ chức, tôi có thêm kiến thức về chăn nuôi an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, đạt chất lượng cao.
Giúp đỡ hội viên nâng cao kiến thức, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp là một trong những hoạt động được Hội CCB huyện Phú Bình thường xuyên quan tâm thực hiện. Hằng năm, Hội phối hợp với Hội Nông dân tổ chức 2-3 lớp tập huấn cho cán bộ, hội viên về chăm sóc cây trồng; áp dụng khoa học - kỹ thuật và phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi; sử dụng các giống lúa lai, ngô lai để gieo trồng...
Để giúp đỡ hội viên có nguồn lực phát triển kinh tế, các cấp hội đã hợp đồng ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với dư nợ đạt khoảng 145 tỷ đồng, tổng cộng gần 2.800 hộ hội viên vay.
Ngoài ra, Hội CCB huyện còn chỉ đạo 100% hội cấp xã, chi hội xây dựng quỹ cho hội viên vay với lãi suất thấp. Từ các nguồn vốn này, nhiều hội viên CCB đã có điều kiện đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập.
Ông Nguyễn Văn Học, Chủ tịch Hội CCB xã Điềm Thụy, cho biết: Đối với hội cấp xã, chúng tôi vận động đóng 250 nghìn đồng/hội viên. Tại các chi hội, mỗi hội viên đóng 1 triệu đồng. Đến nay, hội cấp xã và 100% chi hội đã xây dựng được quỹ hội với tổng số tiền khoảng 530 triệu đồng. Nguồn quỹ này đã cho 31 hội viên vay, trong đó chủ yếu là hội viên nghèo, cận nghèo với lãi suất từ 0,5 đến 1%/năm.
Ngoài ra, Hội CCB huyện đã tập hợp những hội viên làm kinh tế giỏi để thành lập Hội Doanh nhân CCB của huyện. Đến nay, Hội có 17 thành viên, phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: chăn nuôi, sản xuất và chế biến gỗ ép, thương mại dịch vụ.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB huyện, chia sẻ: Các hội viên luôn quan tâm, tạo điều kiện về việc làm cho con em của hội viên CCB. Ngoài ra, một số thành viên còn giúp đỡ các hội viên khác, đặc biệt là hội viên khó khăn mượn vốn để mua cây, con giống phát triển kinh tế. Đến nay, Hội đã giúp đỡ được 31 hội viên, trong đó 15 hội viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.
Từ sự quan tâm, hỗ trợ của hội CCB các cấp và sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên của hội viên, đến nay, hội viên thuộc diện hộ nghèo ở Phú Bình chỉ còn 45 hộ (chiếm 0,53% tổng số hội viên, giảm 19 hộ so với năm 2023); diện cận nghèo còn 87 hộ (chiếm 1,03% tổng số hội viên, giảm 46 hộ so với năm 2023). Hộ hội viên có điều kiện kinh tế khá và giàu chiếm 70% tổng số hội viên.
Ông Nguyễn Tiến Hùng, Chủ tịch Hội CCB huyện, cho biết: Thời gian tới, Hội CCB huyện tiếp tục chỉ đạo hội cấp cơ sở không ngừng phát triển quỹ hội để cho hội viên vay vốn, phát triển sản xuất. Ngoài ra, Hội cũng tăng cường phối hợp với Hội Nông dân tổ chức các lớp tập huấn khoa học - kỹ thuật, tham quan mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi trong và ngoài địa bàn. Từ đó giúp hội viên nâng cao kiến thức, kinh nghiệm sản xuất và có thêm động lực vươn lên phát triển kinh tế.
Phan Trang