Cựu chiến binh tự hào kể chuyện góp sức thống nhất non sông

Cựu chiến binh tự hào kể chuyện góp sức thống nhất non sông
8 giờ trướcBài gốc
Ông Phạm Thanh Tịnh phát biểu tại buổi gặp mặt cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước do tỉnh Điện Biên tổ chức.
Với cựu chiến binh Phạm Thanh Tịnh, phường Thanh Bình, thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) - người trực tiếp tham gia chiến dịch năm xưa, đây là khoảng thời gian đầy vinh quang, tự hào, không thể nào quên khi được đóng góp sức mình giải phóng non sông, thống nhất đất nước.
Một ngày giữa tháng 4 lịch sử, chúng tôi gặp cựu chiến binh Phạm Thanh Tịnh trong ngôi nhà khang trang, ngăn nắp nằm trên tuyến phố Phạm Văn Đồng, phường Thanh Bình. Bên chén trà thơm, người cựu chiến binh chậm rãi kể về những tháng năm gian khó nhưng đầy huy hoàng.
Ông sinh ra và lớn lên ở xã Trúc Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Năm 1974, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Phạm Thanh Tịnh, lúc đó mới bước sang tuổi 18, tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ vào Đại đội 14, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316.
Sau hơn ba tháng nhập ngũ và hoàn thành khóa huấn luyện, đơn vị ông đóng quân tại phía Tây tỉnh Nghệ An. Đến tháng 1/1975, đơn vị được giao nhiệm vụ vào Nam chiến đấu với phương châm “đi nhanh, đến đủ, an toàn, bí mật”. Tháng 2/1975, đơn vị ông được lệnh tham gia chiến dịch Tây Nguyên bằng trận đột phá chiến lược đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Chiến dịch mở đầu bằng trận đánh vào tối 10, rạng sáng 11/3/1975.
Tại đây, cuộc chiến đấu giữa quân ta và ngụy quân diễn ra vô cùng ác liệt, gây ra nhiều thương vong cho đôi bên. Nhưng với quyết tâm đánh tan tuyến phòng thủ Tây Nguyên, sau nhiều ngày chiến đấu, quân ta đã làm chủ chiến trường, tiêu diệt khu Mai Hắc Đế, Sư đoàn bộ binh 23, sân bay Hòa Bình và ấp Châu Sơn của quân ngụy.
Sau Chiến thắng Tây Nguyên - Huế - Đà Nẵng, đơn vị ông được sáp nhập vào đội hình Quân đoàn 3, là một trong 5 cánh quân đánh vào Tây Ninh - Sài Gòn tiêu diệt Sư đoàn 25 của ngụy quân, làm chủ Trảng Bàng - Tây Ninh, sau đó, cùng các cánh quân tiến vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Với những chiến công xuất sắc, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 được Đảng, Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Cựu chiến binh Phạm Thanh Tịnh xem lại kỷ vật trong chiến trường xưa.
Sau khi thống nhất hai miền Nam - Bắc, tháng 10/1976, do yêu cầu nhiệm vụ ở phía Bắc, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 được lệnh rút ra đóng quân tại các tỉnh Lai Châu, Yên Bái. Năm 1979, ông tiếp tục tham gia trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Sau đó, ông được cử đi học, đào tạo để trở thành sĩ quan chỉ huy. Từ năm 1980 đến khi nghỉ hưu vào năm 2013, ông đã trải qua nhiều chức vụ khác nhau trong quân đội như, Chính trị viên Huyện đội Điện Biên, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên… Dù ở cương vị nào ông cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Với hơn 40 năm hoạt động trong quân ngũ, chiến đấu và bảo vệ biên cương Tổ quốc, ông đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương chiến công hạng Nhì; Huy chương chiến sĩ vẻ vang… Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, ông được Chủ tịch nước tặng Huân chương chiến công hạng Nhì.
Trở về địa phương, ông lập gia đình cùng bà Nguyễn Thị Lừ và cùng nhau nuôi dạy con khôn lớn trưởng thành, tiếp tục góp sức mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với vai trò là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Điện Biên Phủ từ năm 2017 - 2022.
Về với cuộc sống đời thường, ông luôn gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.
Ông tích cực đấu tranh với tư tưởng, quan điểm trái đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ vì sự phát triển của đất nước. Cựu chiến binh Phạm Thanh Tịnh thường xuyên động viên con cháu, người thân học tập, công tác tiến bộ, sống vui, sống khỏe, sống có ích, luôn giữ vững và phát huy tốt bản chất truyền thống quân đội, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”.
Nửa thế kỷ trôi qua, trong ký ức của cựu chiến binh Phạm Thanh Tịnh, niềm tự hào luôn dâng trào mỗi khi nhắc đến thời binh nghiệp của mình, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đồng thời cũng xen lẫn trong ông những nỗi niềm xúc động, mỗi khi nhớ đồng chí, đồng đội của mình đã anh dũng hy sinh ngay trước thời khắc giành chiến thắng.
Những ngày tháng 4 lịch sử, trong không khí cả nước phấn khởi, tự hào, hân hoan hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người lính năm xưa hồi tưởng ký ức hào hùng, thêm một lần nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay hiểu, trân trọng hơn giá trị của hòa bình, biết ơn những người con của dân tộc đã ngã xuống cho hòa bình của đất nước.
Bài và ảnh: Phan Quân (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/xa-hoi/cuu-chien-binh-tu-hao-ke-chuyen-gop-suc-thong-nhat-non-song-20250422140933323.htm