Bùi ngùi xúc động
Với bộ quân phục màu xanh, ngực áo đính 2 hàng huân, huy chương, ông Phạm Xuân Tới (71 tuổi, Thanh Hóa) và vợ dạo bước trên đường Lê Duẩn (quận 1, TPHCM) trong tiếng reo hò của hàng ngàn người dân.
Ông Tới là cựu chiến binh, từng tham gia chiến trường miền Đông Nam Bộ. Thời binh lửa, ông là chiến sĩ thuộc Sư đoàn 5, Quân khu 7.
Trước giải phóng, ông tham gia các trận đánh tại Xuân Lộc, sân bay Biên Hòa. Sau đó, ông tiếp tục tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.
Vợ chồng ông Tới trong ngày đến khu vực diễn ra buổi sơ duyệt diễu binh, diễu hành. Ảnh: Hà Nguyễn
Tháng 9/1977, ông nhận nhiệm vụ tại chiến trường biên giới Tây Nam. Sau 10 năm phục vụ quân đội, ông xuất ngũ, trở về quê hương Thanh Hóa trong vai trò một cựu chiến binh có nhiều chiến tích.
Những ngày cuối tháng Tư, khi biết tin Nhà nước sẽ tổ chức diễu hành, diễu binh kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, ông Tới và vợ bồi hồi cảm xúc. Ông bà bàn nhau sẽ vào TPHCM để được tận hưởng không khí nô nức, hào hùng của lễ kỷ niệm.
Ông chia sẻ: “Sau khi xuất ngũ, năm nào tôi cũng vào TPHCM. Tuy nhiên, đây là lần thứ 2 tôi có nhiều cảm xúc đến vậy. Lần đầu tiên vào thành phố là khi tôi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.
Năm ấy tôi 21 tuổi. Khi nghe tin đất nước thống nhất, chúng tôi đã ôm những đồng đội, đồng chí của mình. Ai cũng nhảy cẫng lên, nước mắt trào ra vì sung sướng, hạnh phúc.
Lần này cũng thế. Sau khi đặt chân đến TPHCM, tôi đến ngay khu vực diễn ra buổi sơ duyệt diễu binh, diễu hành. Tại đây, tôi hạnh phúc vỡ òa khi được gặp lại rất nhiều đồng chí, đồng đội.
Cũng như 50 năm trước, chúng tôi bắt tay, ôm nhau thắm thiết. Dù có tuổi nhưng ai cũng rưng rưng xúc động. Chúng tôi hỏi thăm nhau, kể lại những khoảnh khắc bi hùng thời mưa bom, bão đạn. Hạnh phúc và tự hào vô cùng”.
Lễ hội toàn dân
Trước khi đến TPHCM, ông Tới và vợ, bà Nguyễn Thị Hương (70 tuổi) đã biết về không khí nô nức, náo nhiệt tại các khu vực diễn ra diễu binh, diễu hành. Dù vậy, ông bà vẫn không khỏi bất ngờ trước sự háo hức, nồng nhiệt của những người đến xem.
Dù buổi lễ chính thức chưa diễn ra nhưng ở các buổi tập luyện, sơ duyệt, hàng ngàn người dân đã đến xem, đứng, ngồi chật kín hai bên đường.
Ông Tới đặc biệt xúc động khi chứng kiến cảnh người đến xem cầm cờ đỏ sao vàng, liên tục hát vang câu: "Việt Nam Hồ Chí Minh".
Ông Tới tự hào giới thiệu từng huân, huy chương trên bộ quân phục của mình. Ảnh: Hà Nguyễn
Ông nói: “Tôi vào đây với mục đích xem diễu binh, diễu hành. Đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn với đất nước nói chung và với tôi nói riêng.
Vì vậy, tôi đã xác định dù bận bất cứ công việc gì cũng phải sắp xếp để vào thành phố tham dự, xem diễu binh, diễu hành. Tôi cũng biết không khí ở đây sẽ rất náo nhiệt, hào hùng.
Nhưng đến nơi, tôi thực sự ngỡ ngàng. Đây đúng là không khí của ngày hội toàn quốc, toàn dân. Ai ai cũng rộn ràng, háo hức, mang trong mình niềm tự hào dân tộc to lớn.
Hòa chung không khí nô nức này, tôi cũng lâng lâng niềm hạnh phúc. Từng giây từng phút, tâm trí tôi vẫn đang dâng tràn niềm tự hào”.
Trong khi đó, bà Hương đặc biệt ấn tượng với những bạn sinh viên. Năng lượng tích cực, tình yêu, niềm tự hào dân tộc của các nhóm sinh viên làm cho bà nhớ đến thời son trẻ đầy nhiệt huyết của mình.
Những năm ấy, bà ở nhà dạy học. Dù vậy, bà vẫn sống, cống hiến cho đất nước trong không khí sục sôi, tất cả vì tiền tuyến, vì chiến trường miền Nam.
Những ngày này, đứng trong không khí náo nhiệt, nô nức của lễ diễu hành, diễu binh, bà lại như được sống lại thời khắc đất nước thống nhất, Bắc Nam nối liền một dải cách đây 50 năm.
“Sau 50 năm, đất nước ta đã thay đổi, phát triển rất nhiều cả về kinh tế lẫn văn hóa. Tôi rất vui và tự hào khi được đến thành phố, hòa chung không khí nô nức của lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước”, bà chia sẻ.
Hà Nguyễn