Cựu chiến binh vùng cao phát triển kinh tế gia đình

Cựu chiến binh vùng cao phát triển kinh tế gia đình
3 giờ trướcBài gốc
CCB Lê Văn Chung ở xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) làm nguội sản phẩm ghế ngồi. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM
T ci ra sn phm đp mt
Ông Lê Văn Chung sinh năm 1968, quê xã Xuân Bình (TX Sông Cầu), nhập ngũ năm 1986, làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Năm 1990, CCB Lê Văn Chung xuất ngũ trở về địa phương. Cuộc sống với bao bộn bề, dù cố gắng lao động sản xuất, nhưng kinh tế gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn. Không cam chịu đói nghèo, năm 1995, CCB Lê Văn Chung quyết tâm theo học nghề mộc và gắn bó với nghề.
Năm 2010, ông Chung lên xã vùng cao Phú Mỡ, kết duyên cùng cô gái Ba Na và chọn nơi đây để lập nghiệp. Vốn say mê gỗ mỹ nghệ, ông luôn học hỏi để nâng cao tay nghề và lập xưởng mỹ nghệ gia đình, có 2-3 công thợ làm việc thường xuyên, tạo ra những sản phẩm gỗ mỹ nghệ đẹp, giá thành hợp lý được khách hàng tin dùng. “Nhìn khúc củi (cành nhánh, gốc, rễ), trong đầu tôi hình dung đến việc làm ra sản phẩm thô rồi tiếp tục làm nguội cho ra thành phẩm hoàn chỉnh. Từ củi làm ra sản phẩm đẹp mắt, con cá 2 triệu đồng (gỗ hương), con cóc 1,5 triệu đồng (gỗ trắc), đến cái bàn nước 25 triệu đồng”, CCB Chung chia sẻ.
Cũng theo CCB Lê Văn Chung, nghề này giúp kinh tế gia đình ông tạm ổn, đủ lo cho con ăn học. Không chỉ yêu nghề, gắn bó với nghề, CCB Lê Văn Chung còn dự định sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng quy mô nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc, đa dạng hóa mặt hàng, cải thiện việc gia công các sản phẩm mỹ nghệ nhanh và bắt mắt, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho gia đình.
M rng trng keo lai
Gia đình CCB Chung còn trồng 4ha keo, có đất thổ trồng sắn, lúa nước... Đối với 4ha, ông trồng keo lai theo chu kỳ 4 năm thu hoạch 1 lần, trồng gối đầu nên năm nào cũng thu hoạch 1ha. “Vùng này đất tốt, năng suất keo lai đạt khá, bán với giá trên 1 triệu đồng/ tấn thì người trồng lãi 70 triệu đồng/ha. Tôi dự định thời gian đến, từ thu nhập nghề thủ công mỹ nghệ, tôi thuê đất đầu tư trồng rừng kinh tế; vợ tôi ra vào rẫy thăm, chăm sóc cây trồng”, CCB Lê Văn Chung tâm sự.
Ông La Đình Thơ, Chủ tịch Hội CCB xã Phú Mỡ cho biết: CCB Lê Văn Chung làm nghề mộc và trồng keo lai mang lại hiệu quả. Đối với nghề mộc, ông đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động ở địa phương. Từ một hộ khó khăn, đang vươn lên phát triển kinh tế gia đình, CCB Lê Văn Chung xứng đáng để nhiều người học tập noi theo, góp phần cùng địa phương thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo.
Cũng theo ông La Đình Thơ, tại xã vùng cao Phú Mỡ, thời gian qua, nhiều gia đình CCB, trong đó có ông Lê Văn Chung trồng keo thu nhập hàng năm thuộc diện khá trên địa bàn. Sở NN&PTNT đang khuyến khích các chủ rừng, doanh nghiệp trồng rừng keo tạo nguồn nguyên liệu gỗ, nhằm đáp ứng nguồn nguyên liệu cho nhu cầu sản xuất, chế biến sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp cùng hội CCB tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân thấy được lợi ích từ việc trồng rừng keo, tiến tới liên kết các hộ gia đình, cá nhân trồng rừng trên địa bàn để cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; từ đó nâng cao giá trị gỗ rừng trồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng rừng.
Với ý chí, nghị lực của người lính Cụ Hồ, CCB Lê Văn Chung không ngừng phát triển kinh tế hộ gia đình thông qua việc làm nghề mộc và trồng keo lai hiệu quả, xứng đáng để nhiều người học tập noi theo, góp phần cùng địa phương thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo.
Ông La Đình Thơ, Chủ tịch Hội CCB xã Phú Mỡ
MẠNH LÊ TRÂM
Nguồn Phú Yên : https://baophuyen.vn/141/320913/cuu-chien-binh-vung-cao-phat-trien-kinh-te-gia-dinh.html