Điển hình như cựu chiến binh Võ Văn Mai, ấp Đắc Thế, xã Hồ Đắc Kiện là một trong những hộ khá giàu của địa phương. Ông tận dụng đất xung quanh nhà đầu tư trồng trọt, chăn nuôi. Hiện gia đình ông đã xây dựng nhà mới khang trang, trị giá gần 700 triệu đồng.
Mô hình trồng khổ qua của cựu chiến binh Võ Văn Mai, ấp Đắc Thế, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: THẠCH PÍCH
Dẫn chúng tôi tham quan mô hình trồng khổ qua gần nhà, ông Võ Văn Mai chia sẻ: “Từ nhiều năm qua, mô hình trồng khổ qua của gia đình tôi đã áp dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật trồng trọt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, với diện tích khoảng 5.000m2 vườn khổ qua, nhà tôi đang bắt đầu hái, mỗi ngày thu hoạch được từ 200 - 300kg, với giá hiện nay thương lái đến thu mua dao động từ 14.000 - 15.000 đồng/kg. Một năm, gia đình tôi trồng 2 vụ, mỗi vụ thu hoạch được khoảng 45 ngày. Sau khi thu hoạch mỗi vụ, trừ chi phí xong còn lợi nhuận khoảng hơn 10 triệu đồng/công.
Là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Đắc Thế từ nhiều năm qua, ông Mai luôn thể hiện tiên phong, gương mẫu. Ông Mai tâm sự: “Khi phục viên trở về địa phương, gia đình tôi cũng rất khó khăn. Thấy vậy, người thân bên vợ cho mượn đất bờ bao để trồng rẫy, vợ chồng tôi cố gắng trồng trọt, chăn nuôi nhiều năm tích lũy được một số vốn làm ăn. Nhờ đó mà cuộc sống gia đình tôi được khá giả hơn, nhà cửa được xây dựng khang trang, con cái đi học đến nơi đến chốn”.
Với tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, các hội viên Hội Cựu chiến binh xã Hồ Đắc Kiện thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt, giao lưu để chia sẻ kinh nghiệm, khắc phục khó khăn trong cuộc sống. Mỗi khi có hội viên gặp khó khăn, hội đều có những biện pháp hỗ trợ kịp thời, từ vật chất đến tinh thần. Trên cơ sở đã phân loại hộ nghèo theo từng nhóm đối tượng, bằng các hình thức huy động vốn nội bộ và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội kết hợp với việc phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để những hộ hội viên nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao mức sống gia đình, từng bước thoát nghèo. Trong 5 năm nay, hội đã tranh thủ từ nhiều nguồn vốn, góp phần xóa được các hộ hội viên nghèo, cận nghèo, xóa các hộ hội viên bức xúc về nhà ở, với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.
Theo ông Lê Quốc Nghị - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hồ Đắc Kiện, ngoài việc bảo lãnh tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên vay vốn sản xuất thì các tổ hùn vốn nội bộ giúp nhau phát triển sản xuất luôn được duy trì thường xuyên. Đến nay, 8/8 chi hội có tổ hùn vốn, với số tiền hiện nay có gần 200 triệu đồng, góp phần giảm hộ hội viên nghèo.
Ngoài ra, Hội Cựu chiến binh xã còn vận động hội viên tích cực tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhân rộng mô hình làm ăn có hiệu quả như: chăn nuôi trâu, bò sinh sản và nuôi thịt, trồng cây ăn trái, tổ hợp tác sản xuất lúa cao sản có ký kết bao tiêu đầu ra với doanh nghiệp, trồng màu… Những mô hình này đã tạo thêm việc làm và thu nhập, góp phần giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho hội viên.
Thời gian tới, Hội Cựu chiến binh xã tiếp tục tập trung tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, hội viên và người dân quyết tâm vươn lên vượt khó, thoát nghèo.
THẠCH PÍCH