Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại tòa sơ thẩm.
Ngày 26/12, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan theo đơn kháng cáo của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và nhiều bị cáo, bị hại khác.
Ông Trịnh Văn Quyết kháng cáo xin giảm nhẹ án phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự.
Hai em gái của ông Quyết là Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga cùng nhiều bị cáo khác cũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo, xin gỡ bỏ phong tỏa về tài sản hoặc kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Bên cạnh đó, một số bị hại cũng làm đơn kháng cáo yêu cầu xác định lại số tiền bồi thường, xem xét lại một số nội dung trong bản án sơ thẩm đã tuyên.
HĐXX gồm 3 người do Thẩm phán Võ Hồng Sơn làm Chủ tọa; 3 Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử.
Tuy nhiên, phiên tòa phúc thẩm phải hoãn do vắng mặt bị cáo Quyết, một số luật sư và nhiều bị hại.
Báo cáo về sự vắng mặt của ông Trịnh Văn Quyết, cảnh sát tư pháp cho hay trại tạm giam và Bệnh viện 198 xác nhận cựu Chủ tịch FLC đang điều trị nội trú, chưa đủ điều kiện ra viện.
Trước phiên phúc thẩm, ông Trịnh Văn Quyết đã có đơn gửi chủ tọa và Viện KSND cấp cao tại Hà Nội xin hoãn xét xử. Trong đơn, ông Quyết trình bày "sức khỏe đang không được tốt để có thể tới tham dự phiên tòa phúc thẩm".
Lý do thứ 2 được nêu trong đơn, ông Quyết cho hay các luật sư của mình cần thêm thời gian sao chụp, nghiên cứu hồ sơ. Đây là những luật sư vừa được mời tham gia ở giai đoạn phúc thẩm nên họ chưa nắm được diễn biến ở cấp sơ thẩm hoặc giai đoạn trước của vụ án.
Cũng trong đơn, ông Quyết khẳng định sẽ "khắc phục bằng được toàn bộ hậu quả vụ án trong thời gian sớm nhất có thể".
Trước đó, tại phiên sơ thẩm, ông Trịnh Văn Quyết bị tuyên mức án 18 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 3 năm tù về tội "Thao túng thị trường chứng khoán", tổng hợp hình phạt là 21 năm tù.
Về dân sự, cựu Chủ tịch FLC phải bồi thường cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS là hơn 1.300 tỷ đồng, phải truy nộp số tiền 500 tỷ đồng thao túng chứng khoán. Như vậy, tổng số tiền mà ông Quyết phải khắc phục là hơn 1.800 tỷ đồng.
Ở giai đoạn sơ thẩm, ông Quyết được ghi nhận đã nộp khắc phục 254 tỷ đồng và sau đó, vợ ông nộp thêm 203 tỷ đồng. Ngày 19/12, vợ ông Quyết tiếp tục nộp thêm 150 tỷ đồng khắc phục hậu quả thay chồng. Như vậy, tổng số tiền ông Quyết khắc phục là hơn 607 tỷ đồng.
Văn Thanh