Cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương bị đề nghị 6-7 năm tù

Cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương bị đề nghị 6-7 năm tù
4 giờ trướcBài gốc
Cựu Chủ tịch tỉnh bị đề nghị mức án cao nhất
Sáng 18/1, TAND Tp.Hà Nội tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án liên quan đến sai phạm xảy ra tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận). Đại diện Viện kiểm sát (VKS) đã luận tội và đề nghị mức án với 17 bị cáo trong vụ án.
Các bị cáo trong vụ án cùng bị truy tố tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Trong số đó, có ông Lê Tiến Phương - cựu Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Ngọc - cựu Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Văn Phong - cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hồ Lâm - cựu Giám đốc Sở TN&MT; ông Xà Dương Thắng - cựu Giám đốc Sở Xây dựng; ông Nguyễn Xuân Phong - cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế; Đỗ Ngọc Điệp - cựu Chủ tịch UBND Tp.Phan Thiết,…
VKS đề nghị mức án 6-7 năm tù với ông Lê Tiến Phương.
Sau khi đánh giá các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, đại diện VKS đề nghị mức án 6-7 năm tù với ông Lê Tiến Phương - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Nguyễn Văn Phong - cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh bị đề nghị 4 - 5 năm tù; ông Nguyễn Ngọc - cựu Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh từ 36 - 42 tháng tù.
Các bị cáo là cựu lãnh đạo Sở như: Hồ Lâm - cựu Giám đốc Sở TN&MT bị đề nghị 5-6 năm tù; Xà Dương Thắng - cựu Giám đốc sở Xây dựng bị đề nghị 4-5 năm tù. Còn lại, các bị cáo chủ yếu bị đề nghị mức án từ 18-30 tháng tù, nhiều bị cáo được cho hưởng án treo.
Tự bào chữa, bị cáo Lê Tiến Phương cho biết, Dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết được triển khai trong bối cảnh đặc biệt khi Luật Đất đai 2013 vừa có hiệu lực thi hành, địa phương vừa nghiên cứu vừa thực hiện nên còn nhiều lúng túng, hạn chế ở nhiều khâu của các cơ quan chuyên môn.
Bị cáo còn thiếu chuyên môn, không có tư lợi
Trong khi đó, phương pháp xác định giá phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, kinh nghiệm của thẩm định viên về giá. "Trong quá trình chỉ đạo, chúng tôi đã nhắc nhở các cơ quan chuyên môn phải bám sát những quy định của pháp luật nhưng cũng không tránh khỏi sai sót, dẫn tới vi phạm và phải đứng trước tòa hôm nay. Bản thân tôi thấy rõ trách nhiệm của mình", ông Phương trình bày.
Tuy nhiên, theo ông Phương, công việc của cơ quan nhà nước và chính quyền cấp tỉnh đều có sự phân cấp và quy định trách nhiệm của từng vị trí và bản thân cũng chịu sự phân cấp đó, đồng thời thừa nhận bản thân còn hạn chế trong lĩnh vực xác định giá đất.
Ông Phương cũng giãi bày về những áp lực trong việc thu ngân sách cũng như những áp lực thực hiện hóa mục tiêu, áp lực phải đưa dự án sớm đi vào hoạt động.
"Tôi cho rằng ngoài mục đích cần triển khai nhanh dự án, xây dựng khu đô thị văn minh, hiện đại, đáng sống thì người dân Phan Thiết hoàn toàn được quyền thừa hưởng điều đó nên chúng tôi nỗ lực ngày đêm thực hiện dự án này", cựu Chủ tịch Bình Thuận nói.
Trước khi dừng lời, bị cáo Phương một lần nữa thừa nhận trách nhiệm và mong HĐXX cân nhắc, xem xét thêm bối cảnh phạm tội để có thể đưa ra phán quyết phù hợp.
Theo nhiều luật sư bào chữa, các bị cáo trong vụ án này chưa có chuyên môn, chưa được tập huấn về Luật Đất đai mới. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, cho thấy đây là dự án đem lại nhiều lợi ích cho người dân nhưng trong quá trình thực hiện, các bị cáo đã có sai phạm vì muốn đẩy nhanh tốc độ hoàn thành dự án, mong dự án sớm được triển khai.
Từ đó, các luật sư đề nghị HĐXX, VKS xem xét cho các bị cáo vì họ phạm tội trong hoàn cảnh khách quan, không tư lợi và chỉ muốn tốt cho tỉnh nhà.
Nội dung vụ án cho thấy, năm 2013, Công ty CP Rạng Đông (trụ sở tại Tp.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, do ông Nguyễn Văn Đông làm Chủ tịch HĐQT, vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng) nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của một công ty có vốn nước ngoài, kèm theo dự án sân golf Phan Thiết với tổng diện tích hơn 620.000 m2.
Hai năm sau, trải qua nhiều thủ tục, Công ty CP Rạng Đông được tỉnh Bình Thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư (thay đổi) điều chỉnh nội dung đầu tư từ dự án sân golf Phan Thiết thành dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.
Tháng 4/2015, ông Lê Tiến Phương (khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh) lần lượt ký ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết và quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đối với diện tích hơn 363.000 m2 từ đất thể dục thể thao sang đất đô thị.
Quá trình xác định tiền sử dụng đất, ông Phương nhiều lãnh đạo tỉnh, sở, ngành và phía công ty thẩm định giá đã có nhiều sai phạm trong việc xây dựng, thẩm định phương án giá đất cũng như phê duyệt giá đất cụ thể.
Cơ quan tố tụng cho rằng, lẽ ra việc tính giá đất phải tách riêng đất quy hoạch nhà cao tầng với các loại đất khác. Tuy nhiên, các bị can không thực hiện mà gộp chung các loại đất thành một, từ đó "chốt" mức giá là hơn 2,57 triệu đồng/m2, tương đương hơn 936 tỷ đồng. Hành vi của các bị cáo được xác định gây thiệt hại hơn 308 tỷ đồng cho ngân sách.
Đặng Ngọc Thủy
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/cuu-chu-tich-tinh-binh-thuan-le-tien-phuong-bi-de-nghi-6-7-nam-tu-204250118102604321.htm