Như PLO đã đưa tin, ngày 17-1 tới đây, TAND TP Hà Nội sẽ xét xử bị cáo Lê Tiến Phương, cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng 2 cựu phó chủ tịch tỉnh và 14 bị can khác về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, Công ty cổ phần Rạng Đông có trụ sở ở TP Phan Thiết (Bình Thuận), có vốn điều lệ 4.500 tỉ đồng, Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Văn Đông.
Bị cáo Lê Tiến Phương
Năm 2013, Công ty nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty TNHH MTV Golf và CLB golf Phan Thiết với giá 2,5 triệu USD, trở thành chủ sở hữu Dự án sân golf Phan Thiết trên diện tích 620.656 m2.
Sau đó, Công ty Rạng Đông có văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở KH&ĐT và các sở ngành liên quan xin chuyển đổi Dự án sân golf Phan Thiết sang Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, tức là chuyển từ đất sân golf sang đất ở đô thị.
Quá trình cơ quan chức năng xem xét đề nghị này, ông Đinh Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận có văn thư kiến nghị gửi đến nhiều bộ ngành liên quan, các hội viên sân golf Phan Thiết cũng có đơn thư về việc mua bán thẻ hội viên.
Tỉnh Bình Thuận đã xem xét đơn thư và có văn bản trả lời bộ ngành liên quan với nội dung: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phân tích kỹ, cân nhắc thấu đáo… thống nhất cao để có cơ sở UBND báo cáo đề nghị Thủ tướng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất sân golf sang xây dựng khu đô thị.
Sau khi Thủ tướng có công văn đồng ý đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi quy hoạch sân golf Việt Nam, UBND tỉnh Bình Thuận và các sở, ngành triển khai Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.
Theo cáo buộc, trên cương vị là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất, bị cáo Lê Tiến Phương chỉ đạo xuyên suốt việc triển khai Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.
Bị cáo Lê Tiến Phương biết rõ đồ án quy hoạch chi tiết và cơ cấu sử dụng đất tại đây; được Hội đồng thẩm định giá đất báo cáo đầy đủ về quá trình triển khai, kết quả thẩm định kết quả tư vấn xác định giá đất của Công ty SIVC và Dự thảo Phương án giá đất của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Tuy nhiên, bị cáo Lê Tiến Phương vẫn thống nhất với kết quả tư vấn xác định giá đất và phương án giá đất do Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng.
Phương án giá đất này được tính toán theo phương pháp thặng dư. Nhưng Công ty SIVIC không thực hiện đúng quy định, nguyên tắc của phương pháp này. Công ty sử dụng tài sản so sánh không đủ điều kiện, không căn cứ quy hoạch chi tiết được phê duyệt làm cơ sở tính toán, tính giá đất nhà cao tầng bằng cách thức, phương pháp xác định như đối với biệt thự, nhà liền kề.
Ông Phương cũng ký ban hành quy định phê duyệt giá đất tại Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết với giá 2.577.000 đồng/m2 trái quy định của pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, gây thiệt hại ngân sách hơn 308 tỉ đồng.
Tại CQĐT, ông Lê Tiến Phương thừa nhận có hành vi phê duyệt giá đất trái quy định pháp luật, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước. Tuy nhiên, nguyên nhân là do mong muốn đẩy nhanh tiến độ phê duyệt giá đất, sớm thu tiền sử dụng cho ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, ông Phương còn khai phương án giá đất tại dự án làm đi làm lại nhiều lần nên không muốn đùn đẩy trách nhiệm phê duyệt giá đất cho người kế nhiệm giữ chức Chủ tịch tỉnh.
Từ tháng 3-2017 đến tháng 7-2017, bị can Hồ Lâm, cựu giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đã ký cấp 1.520 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại dự án cho Công ty TNHH Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (do ông Nguyễn Văn Đông làm chủ tịch).
Công ty TNHH Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết đã chuyển nhượng 248.644 m2, hiện còn lại 114.879 m2.
BÙI TRANG