Cửu Đỉnh Huế: Bảo vật trường tồn cùng thời gian

Cửu Đỉnh Huế: Bảo vật trường tồn cùng thời gian
2 giờ trướcBài gốc
Cửu Đỉnh (9 chiếc đỉnh bằng đồng) được đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837 dưới thời vua Minh Mạng. 9 đỉnh đồng này có kích thước rất lớn, cao trung bình 2,3 m, trọng lượng từ 1,9-2,6 tấn.
Cửu Đỉnh ở Hoàng cùng Huế. (Ảnh: VGP)
Cửu Đỉnh có tên gọi lần lượt là: Cao Đỉnh, Nhân Đỉnh, Chương Đỉnh, Anh Đỉnh, Nghị Đỉnh, Thuần Đỉnh, Tuyên Đỉnh, Dụ Đỉnh và Huyền Đỉnh. Tên của đỉnh cũng là tên gọi miếu hiệu của từng vị vua nhà Nguyễn ứng với các án thờ trong Thế Miếu.
Mặt trước của thân mỗi đỉnh đều khắc nổi tên gọi, năm đúc, trọng lượng cùng 17 hình ảnh được xếp thành 3 tầng: Trên, dưới, giữa chạy tròn quanh thân mỗi đỉnh.
Những hình tượng tự nhiên, như: Mặt trời, Mặt trăng, tinh tú…; hình ảnh của núi, sông, cửa biển, cửa quan…; các loài hoa, muông thú, sản vật, vũ khí, phương tiện… Thể hiện vũ trụ quan và nhân sinh quan của người xưa, đồng thời đó là bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền của một đất nước thịnh vượng và thống nhất và giàu đẹp.
Tất cả 162 hình trên Cửu Đỉnh là 162 bức chạm độc lập, là sự kết hợp điêu luyện giữa nghệ thuật đúc và chạm nổi đồ đồng của Việt Nam, là bách khoa toàn thư về cuộc sống con người Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2012.
Bên cạnh đó, Cửu Đỉnh được viết bằng chữ Hán, do đó cùng với hàng loạt tài liệu Hán - Nôm cổ, những hình ảnh biển đảo được khắc trên bộ Cửu Đỉnh sẽ là một nguồn tư liệu quý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời còn cho đời sau thấy được rằng, các vị vua triều Nguyễn đều một lòng ra sức bảo vệ và thực thi chủ quyền biển đảo của đất nước.
Hiện nay chín đỉnh đồng được sắp thành một hàng ngang dưới thềm Hiển Lâm Các, mỗi đỉnh đều được đặt trên một phiến đá lớn rất vững vàng, nằm theo thứ tự đối diện với các án thờ trong Thế Miếu. Riêng Cao Đỉnh được đặt nhích về phía trước 3 m với hàm ý để tôn vinh công lao to lớn của vị vua đầu tiên của triều đại.
Sau gần 190 năm, dù đã trải qua bao biến cố của thời cuộc và biến thiên của thời gian, nhưng Cửu Đỉnh vẫn vẹn nguyên. Trong hệ thống các di sản cung đình triều Nguyễn, Cửu Đỉnh là dạng "phiên bản giới hạn", không được chế tác hàng loạt như một số sản phẩm khác. Do đó, Cửu Đỉnh là hiện vật không "trùng bản" và không thể thay thế. Các tài liệu này đều đã trải qua thời gian gần hai thế kỷ, nên đã trở thành bộ sưu tập cổ vật vô cùng phong phú và quý giá.
Cửu Đỉnh vẫn vẹn nguyên sau gần 190 năm tồn tại. (Ảnh: VGP)
Ngày 8/5/2024, tại phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (MOWCAP) tại Ulaanbaatar, Mông Cổ, "Chùm phù điêu Cửu Đỉnh đồng tại Đại nội Huế" của Việt Nam đã chính thức được ghi danh vào Danh sách Di sản tư liệu châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO.
Ngày 23/11, nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận Di sản Tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO cho: "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế".
"Sự công nhận danh giá này đã nâng tổng số di sản tư liệu của Việt Nam lên con số mười, trong đó có 3 di sản tư liệu thế giới và bảy di sản tư liệu châu Á-Thái Bình Dương. Các tác phẩm đúc đồng trên Cửu Đỉnh đã lưu giữ các giá trị giao thoa và tương tác giữa các nền văn hóa của xã hội Việt Nam và các nước Đông Á", ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng việc UNESCO công nhận "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" là Di sản Tư liệu thế giới một lần nữa khẳng định tầm vóc, giá trị lịch sử của Cửu Đỉnh trong kho tàng di sản văn hóa của nhân loại, đồng thời đem đến cho Thừa Thiên Huế vị thế là địa phương duy nhất mang trong mình 8 di sản được UNESCO công nhận.
Nguồn Góc nhìn pháp lý : https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/cuu-dinh-hue-bao-vat-truong-ton-cung-thoi-gian-8236.html