Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can Hoàng Quốc Hùng - cựu giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cùng 21 bị can về các tội đưa hối lộ, nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
4 bị can bị đề nghị truy tố về tội nhận hối lộ gồm 3 bị can ở Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia: Hoàng Quốc Hùng, Lương Nhân Hòa (cựu phó giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia; Nguyễn Đình Cảnh (cựu phó trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp) và bị can Phạm Quang Hậu (cộng tác viên Công ty Luật TNHH Vicco).
Các bị can bị đề nghị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gồm: Trương Thị Nga (cựu công chứng viên), Lại Hồng Khánh (cựu công chứng viên), Lương Minh Sơn (nhân viên nghiệp vụ Văn phòng công chứng Nguyễn Lâm), Vũ Nam (cựu công chứng viên).
Các bị can còn lại bị đề nghị truy tố tội đưa hối lộ.
Các bị can (từ trái qua phải) Hoàng Quốc Hùng, Lương Nhân Hòa, Nguyễn Đình Cảnh. Ảnh: BCA
Theo Kết luận điều tra, từ năm 2015 đến tháng 7-2023, bị can Hoàng Quốc Hùng là giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, trực tiếp chỉ đạo và quyết định mọi vấn đề liên quan đến công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp, có thẩm quyền ký hoặc ủy quyền cho cấp dưới ký phiếu lý lịch tư pháp.
Từ tháng 1-2019 đến tháng 7-2023, Hùng nhiều lần nhận tiền hối lộ của 14 bị can và một số cá nhân, doanh nghiệp khác để cấp phiếu lý lịch tư pháp trái quy định pháp luật. Việc nhận hối lộ của bị can có sự giúp sức của các bị can Phạm Quang Hậu, Lương Nhân Hòa và Nguyễn Đình Cảnh.
Tổng số tiền bị can Hùng nhận hối lộ là hơn 43 tỉ đồng để làm dịch vụ giải quyết hơn 55.000 hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp. Hùng hưởng hơn 38 tỉ đồng; số tiền còn lại hơn 4,9 tỉ đồng, Hậu, Hòa, Cảnh chia nhau hưởng.
Cụ thể, năm 2019, lợi dụng tình hình công dân Việt Nam và người nước ngoài có nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp tăng cao, Hùng bàn bạc, thỏa thuận để Hậu (khi đó là lái xe riêng, sau này là cộng tác viên Công ty Luật Vicco) làm đầu mối nhận hồ sơ từ người có nhu cầu và chi phí do Hậu tự thỏa thuận với khách hàng. Tuy nhiên, Hậu phải đưa cho Hùng 700.000 đồng/hồ sơ/phiếu; phần hưởng lợi của bản thân, Hậu được tự quyết định.
Định kỳ, chiều thứ 6 hàng tuần, dựa trên số lượng hồ sơ được giải quyết, Hậu phải đưa tiền hối lộ thông qua hình thức chuyển khoản hoặc trực tiếp đưa tiền mặt tại phòng làm việc của Hùng.
Một mặt, Hùng nghiêm cấm viên chức, người lao động tại Trung tâm trực tiếp làm dịch vụ cấp phiếu lý lịch tư pháp, mặt khác lại cho Hậu làm trung gian nhận hồ sơ. Do vậy, Lương Nhân Hòa và Nguyễn Đình Cảnh phải liên hệ, bàn bạc, thỏa thuận với Hậu và thông qua Hậu đưa tiền cho Hùng để được giải quyết hồ sơ của những cá nhân, doanh nghiệp xin cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Về hồ sơ, để hợp thức hóa thẩm quyền và lý do thực hiện việc cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Trung tâm, Hùng bàn bạc với Hậu hướng dẫn, yêu cầu những người nhận làm thủ tục xin cấp phiếu không ghi thông tin nơi thường trú, nơi tạm trú, quá trình cư trú của khách trên tờ khai. Hậu yêu cầu họ sử dụng hộ chiếu thay giấy CMND, CCCD của khách vì trên hộ chiếu không thể hiện thông tin nơi cư trú của người xin cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Ngoài ra, Hùng còn chỉ đạo các bộ phận chức năng thuộc Trung tâm phải tiếp nhận, tra cứu và cấp phiếu lý lịch tư pháp đối với các hồ sơ không đúng quy định như trên.
Để hưởng lợi bất chính từ việc làm này, 14 bị can đưa hối lộ (nhận làm thủ tục xin cấp phiếu lý lịch tư pháp) yêu cầu người xin cấp phiếu phải trả phí bình quân khoảng 2 triệu đồng/hồ sơ/phiếu. Sau khi trừ số tiền chi hối lộ và các chi phí phát sinh bắt buộc (lệ phí, phí dịch vụ bưu chính, dịch thuật, phí chuyển phát...), các bị can này được hưởng lợi từ 50.000 đồng đến 300.000 đồng/hồ sơ/phiếu lý lịch tư pháp.
CQĐT xác định đây là vụ án tham nhũng, chức vụ liên quan lĩnh vực cấp phiếu lý lịch tư pháp có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý Nhà nước, được dư luận xã hội quan tâm.
BÙI TRANG