Ngày 23/5, một cá thể gấu ngựa được cứu hộ thành công tại huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An), sau đó đưa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam (cơ sở 2) ở Vườn Quốc gia Bạch Mã, TP Huế, để nuôi dưỡng, chăm sóc. Đây là kết quả phối hợp giữa Tổ chức Động vật châu Á, Chi cục Kiểm lâm Vùng II - Cục Kiểm lâm và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An.
Chú gấu ngựa được cứu hộ tại huyện Yên Thành, Nghệ An.
Theo thông tin từ cơ quan kiểm lâm địa phương, cá thể gấu ngựa vừa được cứu hộ là gấu đực, nặng khoảng 90kg, nuôi nhốt từ năm 1998 trong khuôn viên một hộ dân. Từ năm 2005, gấu đã được cơ quan chức năng gắn chip theo dõi sức khỏe định kỳ.
Sau quá trình vận động, chủ nuôi đã đồng thuận tự nguyện bàn giao gấu mà không yêu cầu bồi thường. Hành động này được cơ quan chức năng đánh giá cao, thể hiện tinh thần nhân văn, trách nhiệm của người dân đối với động vật hoang dã, cũng như mong muốn cá thể gấu được sống trong điều kiện tốt hơn.
Thực hiện thủ thuật gây mê để kiểm tra sức khỏe gấu.
Do không gian nuôi nhốt chật hẹp, các chuyên gia thú y đã gây mê để kiểm tra sức khỏe cho gấu. Kết quả kiểm tra cho thấy, cá thể này đủ điều kiện để vận chuyển về Huế ngay trong đêm.
Tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam (cơ sở 2) thuộc Vườn Quốc gia Bạch Mã, gấu sẽ được cách ly 30 ngày trước khi ghép nhóm và hòa nhập môi trường bán tự nhiên. Nơi đây, chú gấu sẽ được chăm sóc, phục hồi bản năng tự nhiên và sống trong điều kiện gần gũi với thiên nhiên. Được biết, đây là thành viên gấu thứ 18 được tiếp nhận chăm sóc tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Bạch Mã, TP Huế.
Theo Tổ chức Động vật châu Á, tỉnh Nghệ An từng là địa phương có số lượng gấu nuôi nhốt lớn nhất cả nước, với hơn 570 cá thể vào thời điểm năm 2005.
Tuy nhiên, từ nỗ lực của các cơ quan chức năng, lực lượng kiểm lâm và tổ chức cứu hộ, đến nay chỉ còn khoảng 15 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt tại địa phương này. Việc một gia đình tại huyện Yên Thành tự nguyện bàn giao gấu đã đánh dấu trường hợp chuyển giao tự nguyện đầu tiên, sau hơn một thập niên tại Nghệ An.
Chuyển gấu vào lồng sắt chuyên dụng để đưa về TP Huế.
Tổ chức Động vật châu Á còn cho biết, tính đến nay, đơn vị đã cứu hộ tổng cộng 288 cá thể gấu tại Việt Nam; trong đó có 8 cá thể từ Nghệ An (gồm 6 gấu ngựa và 2 gấu chó).
Trong năm 2025, đã có 7 cá thể gấu được Tổ chức Động vật châu Á tiếp nhận thông qua hình thức chuyển giao tự nguyện. Chiến dịch cứu hộ gấu bị nuôi nhốt hiện được triển khai trên phạm vi toàn quốc, nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi nhốt gấu, góp phần bảo tồn động vật hoang dã và bảo vệ đa dạng sinh học.
Theo báo cáo của Cục Kiểm lâm, hiện Việt Nam vẫn còn khoảng 200 cá thể gấu bị nuôi nhốt trong các trại. Nhiều cá thể trong số đó sống trong điều kiện không đảm bảo, chịu tổn thương cả thể chất và tinh thần. Có những con bị tàn tật vĩnh viễn và không thể trở về tự nhiên. Trong khi đó, nếu được chăm sóc đúng cách, gấu có thể sống đến 30 - 35 năm trong môi trường bán tự nhiên.
Tổ chức Động vật châu Á hiện vận hành hai trung tâm cứu hộ tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và Bạch Mã (TP Huế), với hơn 190 cá thể gấu được nuôi dưỡng, chăm sóc. Tổ chức này còn phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các chương trình, hoạt động tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ loài gấu, tìm kiếm giải pháp thay thế mật gấu trong y học cổ truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ động vật hoang dã.
Ngọc Văn