Thả lồng chăm sóc sức khỏe rùa biển trước khi thả về tự nhiên. Ảnh: TTXVN phát
Trước đó, sáng 5/5, sau khi đi đánh cá trên đường trở về đảo Lý Sơn, ngư dân Ngô Văn Minh (thôn Tây An Vĩnh, huyện Lý Sơn) đã phát hiện một cá thể rùa biển (rùa xanh) trên cơ thể có vết thương, lưới cuốn chặt hai vây trước nổi trên mặt nước. Anh Vinh đã liên hệ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn để kiểm tra, cứu hộ kịp thời và chăm sóc vết thương cho rùa biển.
Anh Huỳnh Ngọc Dũng, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin từ ngư dân, đơn vị đã cử cán bộ đến hiện trường. Qua kiểm tra, đo đạc xác định, đây là cá thể rùa xanh thuộc họ vích. Rùa có kích thước mai 48cm x 44cm, cân nặng 12kg, bị thương ở hai vây trước và hai vây sau do bị lưới siết chặt lâu ngày. Cán bộ chuyên trách đã tiến hành các kỹ thuật cứu hộ, gồm: sơ cứu, bôi thuốc, băng bó; sau đó đưa cá thể về ô lồng nuôi phục hồi để theo dõi tình trạng sức khỏe trước khi tái thả về đại dương. Rùa xanh có tên khoa học là Chelonia mydas thuộc nhóm IB là loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Cá thể rùa xanh nặng 12kg được cứu hộ thành công. Ảnh: TTXVN phát
Theo anh Huỳnh Ngọc Dũng, lưới trôi nổi trên biển là “bẫy tử thần” vô hình gây hại nghiêm trọng đến sinh vật biển, đặc biệt là rùa biển - loài đang được ưu tiên bảo vệ ở Việt Nam và trên thế giới. Năm 2024, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn đã cứu hộ thành công ba cá thể rùa biển bị mắc lưới thả về đại dương. Đơn vị cũng tiến hành thu gom hàng tấn rác thải nhựa gây hại bảo vệ rạn san hô và các loài sinh vật trong Khu bảo tồn biển.
Phạm Cường (TTXVN)