Hoạt động của lực lượng cứu nạn, cứu hộ Việt Nam trong sáng 3/4 chủ yếu tập trung toàn lực ở Bệnh viện Ottara Thirri. Một mũi nhỏ đi khảo sát địa bàn hiện trường để đánh giá tình trạng ban đầu. Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn - Bộ Quốc phòng, Trưởng đoàn cứu nạn, cứu hộ cùng tùy viên quân sự họp với quân đội Myanmar để trao đổi tình hình và lên phương án cứu hộ những ngày tiếp theo.
Đại tá Nguyễn Duy Minh - Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Quốc Phòng - Phó trưởng đoàn cứu hộ cứu nạn Việt Nam tại Myanmar họp bàn trao đổi phối hợp với lực lượng của Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) lên phương án cứu hộ những ngày tiếp theo. (Ảnh: Thanh Vân/ Đài Hà Nội)
Theo đánh giá của lực lượng cứu nạn, cứu hộ tại hiện trường, do diện tích Bệnh viện Ottara Thirri rất rộng, đồng thời khu vực sụp đổ trải dài ở nhiều điểm khác nhau, nên các nạn nhân bị vùi lấp không tập trung một chỗ mà nằm rải rác khắp các phân khu. Công tác tìm kiếm vì vậy đòi hỏi sự tỉ mỉ, phối hợp liên ngành và nhiều ngày triển khai liên tục.
Lực lượng cứu nạn, cứu hộ Việt Nam mở rộng phạm vi và đẩy nhanh tìm kiếm người mất tích. (Ảnh: Thanh Vân/ Đài Hà Nội)
Ngay từ ngày đầu tiếp cận hiện trường, các đội hình tìm kiếm của Quân đội nhân dân Việt Nam cùng đội chó nghiệp vụ đã triển khai dò nguồn hơi, đánh dấu và phân vùng khu vực nghi có nạn nhân. Nhờ đó, từng dấu hiệu được phát hiện đều nhanh chóng được xử lý, giúp công tác cứu hộ đạt hiệu quả cao, dù điều kiện thời tiết và hiện trường vô cùng khắc nghiệt.
Lực lượng quân khuyển tiếp cận hiện trường tìm kiếm nạn nhân mất tích ở bệnh viện Ottara Thirri, thủ đô Naypyidaw. (Ảnh: Thanh Vân/ Đài Hà Nội)
Tuy nhiên, do điều kiện tại hiện trường không có máy xúc, máy đào để phá vỡ các cấu kiện, mở đường vào sâu bên trong nên công tác tìm kiếm nạn nhân rất khó khăn. Lực lượng cứu nạn, cứu hộ Việt Nam phải dùng cuốc, xẻng để đào vét, tìm kiếm.
Trước tình hình đó, nhà chức trách Myanmar sáng 3/4 đã điều động một máy xúc hạng nặng hỗ trợ phá dỡ khu vực sập sâu, tạo điều kiện cho lực lượng cứu nạn, cứu hộ tiếp cận nhanh hơn. Đồng thời, một đội cứu hộ từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng đã tăng cường lực lượng và phương tiện đến hiện trường để phối hợp với đoàn Việt Nam triển khai tìm kiếm.
Máy xúc hạng nặng được điều đến hỗ trợ phá dỡ khu vực sập sâu. (Ảnh: Thanh Vân/ Đài Hà Nội)
Nhà chức trách địa phương cho biết, sự vào cuộc của các lực lượng quốc tế, đặc biệt là đội cứu hộ Việt Nam, đã góp phần quan trọng trong việc rút ngắn thời gian xử lý, chia sẻ gánh nặng với lực lượng sở tại trong thời điểm nước này đang phải đối mặt khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.
Trong điều kiện nắng nóng, nhu cầu nước sạch, thực phẩm, thuốc men điều trị các nạn nhân càng thêm căng thẳng, nhất là nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Thi thể nạn nhân được lực lượng cứu nạn, cứu hộ đưa ra ngoài. (Ảnh: Thanh Vân/ Đài Hà Nội)
Sau hai ngày tìm kiếm, tính đến cuối giờ chiều 2/4, lực lượng cứu nạn, cứu hộ Quân đội nhân dân Việt Nam đã đưa 6 thi thể nạn nhân vụ động đất ra khỏi Bệnh viện Ottara Thirri, bàn giao cho Myanmar. Đây là một trong những bệnh viện tư nhân lớn nhất tại thủ đô Naypyidaw quy mô 150 giường bệnh. Nhà chức trách xác định có khoảng 20 người bị mắc kẹt bên trong bệnh viện trong vụ động đất 7,7 độ hôm 28/3. Hiện mọi nỗ lực của lực lượng cứu nạn, cứu hộ Việt Nam vẫn tập trung tại hiện trường bệnh viện Ottara Thirri, một trong những điểm nóng nhất sau động đất.
Thanh Vân - Nam Sơn
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/cuu-ho-viet-nam-chay-dua-nang-nong-tim-nguoi-mat-tich-319423.htm