Ngày 19-11, TAND cấp cao tại TP HCM tiếp tục xét xử phức thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 47 đồng phạm. Đây là 48/86 bị cáo có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm giai đoạn 1 do TAND TP HCM tuyên phạt.
Trình bày quan điểm bào chữa cho bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), luật sư kiến nghị xem xét lại thời điểm phạm tội của bị cáo này.
Hình ảnh quy hoạch Mũi Đèn Đỏ
Luật sư cho rằng bản án sơ thẩm xác định chưa chính xác thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm vi giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan.
Cụ thể, theo hồ sơ và lời khai, bị cáo Dung chỉ giữ chức vụ phó tổng giám đốc phụ trách tín dụng và xử lý nợ, có thẩm quyền phê duyệt các khoản vay, trong khoảng thời gian từ ngày 7-1-2021 đến 15-8-2022. Trong khi đó, từ ngày 11-9-2019 đến 7-1-2021, bị cáo Dung giữ chức phó giám đốc Khối tái thẩm định và xử lý nợ, không có thẩm quyền xử lý các khoản vay của bà Trương Mỹ Lan nên không thể thực hiện hành vi giúp sức.
Bị cáo Trương Mỹ Lan
Ngoài ra, luật sư còn nhấn mạnh các khoản vay liên quan được đánh dấu trên hệ thống Core Banking của SCB là "HSTT – Hội sở tiếp thị", vốn chỉ được thiết lập từ ngày 3-6-2020 đến 24-6-2022 khi Trung tâm kinh doanh khách hàng Wholesale được thành lập. Do đó, việc bản án sơ thẩm xác định bị cáo Dung phạm tội từ ngày 11-9-2019, trước khi hệ thống này tồn tại, là không hợp lý và thiếu cơ sở.
Luật sư kiến nghị HĐXX xem xét lại thời điểm phạm tội của bị cáo Dung để đảm bảo sự công bằng và chính xác trong việc xác định trách nhiệm hình sự.
Tiếp lời luật sư bào chữa, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo gửi lời xin lỗi đến các đồng phạm, đặc biệt là những người chịu sự quản lý trực tiếp của mình, vì quá tin tưởng vào chỉ đạo của bị cáo mà phải vướng vào vòng lao lý. Đồng thời, bị cáo bày tỏ sự xúc động và biết ơn khi nhiều cấp dưới không bị truy tố, coi đó là niềm an ủi lớn trong hoàn cảnh hiện tại.
Bị cáo Dung nêu ý kiến về việc kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân đối với tài sản liên quan là quá thấp, ảnh hưởng lớn đến việc xác định thiệt hại trong vụ án, từ đó làm tăng thêm trách nhiệm pháp lý cho các bị cáo.
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Dung đã sử dụng hai chứng thư thẩm định giá của Công ty Thiên Phú để hợp thức hóa hồ sơ tài sản đảm bảo, từ đó SCB giải ngân cho 65 khách hàng với tổng số tiền hơn 105.000 tỉ đồng. Đến ngày 17-10-2022, tổng dư nợ liên quan đã lên đến hơn 127.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, giá trị tài sản đảm bảo được định giá bởi Công ty Hoàng Quân và được SCB chấp nhận làm cơ sở pháp lý để trích lập dự phòng rủi ro chỉ hơn 17.000 tỉ đồng. Dựa trên cơ sở này, hậu quả thiệt hại từ các khoản vay được xác định lên đến hơn 110.000 tỉ đồng, chiếm một tỉ lệ rất lớn so với tổng dư nợ gốc của nhóm Trương Mỹ Lan trong vụ án tại SCB.
Tại phiên tòa, bị cáo Dung cho rằng Công ty Hoàng Quân đã định giá Dự án Mũi Đèn Đỏ quá thấp, không phản ánh đúng giá trị thực của tài sản. Bị cáo Dung nhấn mạnh: "Định giá Mũi Đèn Đỏ quá thấp thì có lẽ người dân sẽ xếp hàng dài đến quận 1 để chờ mua dự án".
Ý Linh - Ảnh: Hoàng Triều