Cửu Long Thành Trại độc lạ qua lăng kính AI

Cửu Long Thành Trại độc lạ qua lăng kính AI
2 ngày trướcBài gốc
Theo CNN, nghệ sĩ người Hong Kong Bianca Tse (43 tuổi) đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật siêu thực. Qua đó, bà không chỉ tái hiện những cảnh vật mang tính biểu tượng mà còn truyền tải những câu chuyện sâu sắc về cuộc sống và ký ức của thành phố này. Trong mỗi tác phẩm, Tse lồng ghép các yếu tố lịch sử, văn hóa và ký ức cá nhân, vẽ nên một bức tranh sống động về Hong Kong (Trung Quốc), nơi quá trình hiện đại hóa đang dần làm phai nhòa những giá trị truyền thống. Ảnh: @walledcity_wildest_dreams/IG.
Tác phẩm Concrete Organism là ví dụ điển hình về cách Bianca Tse sử dụng AI để kết nối ý tưởng và thực tế. Hình ảnh những đứa trẻ đu mình trên xích đu, làm từ các khối chung cư cao tầng, không chỉ phản ánh sự chật chội đặc trưng của Hong Kong mà còn gợi lên mối quan hệ giữa không gian sống ngột ngạt và ký ức tuổi thơ. "AI giúp tôi rút ngắn khoảng cách giữa ý tưởng và tầm nhìn của mình", Tse chia sẻ. Ảnh: Bianca Tse/Midjourney.
Một trong những tác phẩm nổi bật của Bianca Tse là Breathing Room, được trưng bày tại phòng trưng bày Blue Lotus ở Hong Kong. Tác phẩm khắc họa 3 người đàn ông Trung Quốc ngồi trên những chiếc ghế nhỏ, chênh vênh trên đỉnh một tòa nhà bỏ hoang. Dù cảnh tượng này không có thật ngoài đời, song lại gợi lên cảm giác ngột ngạt, cô lập mà nhiều người dân Hong Kong từng trải qua. Tác phẩm miêu tả cuộc sống của tầng lớp lao động trong không gian đô thị chật hẹp, nơi mọi ngóc ngách đều được tận dụng tối đa, nhưng sự thoải mái lại là điều xa xỉ. Ảnh: Bianca Tse/Midjourney.
Tse cho biết các tác phẩm của bà là sự kết hợp giữa yếu tố giả tưởng, hồi ức cá nhân và lịch sử về tầng lớp lao động Hong Kong. Bà lấy cảm hứng từ ký ức về Cửu Long Thành Trại (Kowloon Walled City), nơi từng là pháo đài của triều đại nhà Thanh và sau này trở thành khu vực đông dân cư nhất thế giới. Mặc dù khu vực này đã bị phá hủy vào những năm 1990, hình ảnh của nó vẫn còn sâu đậm trong tâm trí người dân Hong Kong. Chính sự phát triển của công nghệ AI đã cung cấp cho Tse những công cụ mới, giúp bà tái hiện và lưu giữ những hình ảnh ấy một cách sống động. Ảnh: @walledcity_wildest_dreams/IG.
Trong khi việc sử dụng AI để sáng tạo nghệ thuật đang gây tranh cãi, với nhiều lo ngại rằng tác phẩm của nghệ sĩ có thể bị sử dụng để huấn luyện AI mà không được trả công xứng đáng, Tse lại nhìn nhận công nghệ này như một cơ hội đặc biệt. Bà chia sẻ: “Nhờ AI mà tôi không cần phải thuê diễn viên hay dựng cảnh phức tạp, giúp tôi tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí”. Nhờ đó, Tse có thể thực hiện những tác phẩm mà phương pháp truyền thống khó có thể thực hiện được. Ảnh: Bianca Tse/Midjourney.
Tse bắt đầu thử nghiệm với AI qua các ứng dụng như Midjourney và nhanh chóng nhận được sự chú ý khi chia sẻ tác phẩm của mình trên nền tảng Instagram. Các tác phẩm của bà đã được trưng bày tại triển lãm A State of Consciousness ở Pháp vào năm 2023 và gần đây là Voices of The Walls tại Hong Kong. Tse nhấn mạnh rằng dù AI là công cụ hữu ích, nghệ sĩ và nhà thiết kế không thể bị thay thế bởi công nghệ. “AI chỉ giúp hiện thực hóa tác phẩm, còn sự sáng tạo vẫn thuộc về con người”, bà nói. Ảnh: Bianca Tse/Midjourney.
Trong các tác phẩm "siêu thực" của mình, Tse đặc biệt chú trọng đến những chi tiết đời thường như vết sơn bong tróc, tường bê tông loang lổ hay mái tôn rỉ sét - những yếu tố thường bị lãng quên trong hình ảnh hiện đại hóa của Hong Kong. Các nhân vật trong tác phẩm của bà cũng rất gần gũi, từ những người thợ dựng giàn giáo tre đến người phụ nữ ở tiệm làm tóc truyền thống. Ảnh: @walledcity_wildest_dreams/IG.
Một chủ đề nổi bật trong các tác phẩm của Tse là sự đối lập giữa nghèo khó và niềm vui. Trong tác phẩm Imaginary Friends, bà khắc họa hình ảnh một bé gái ngồi giữa khu chợ, bao quanh bởi những túi rác được tái chế thành thú nhồi bông. Hình ảnh này gợi lại ký ức thời thơ ấu của Tse, khi bà thường xuyên đợi mẹ ngoài cửa hàng thịt đông lạnh, nơi mẹ bà làm việc. "Chúng tôi sống trong một căn nhà tạm bợ hai tầng làm bằng tôn, diện tích chưa đến 9 mét vuông, với một chiếc giường tầng. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng tuổi thơ của tôi vẫn rất vui vẻ vì được tự do khám phá", bà nhớ lại. Ảnh: Bianca Tse/Midjourney.
Một trong những dự án đặc biệt của Tse là tái tạo “bức ảnh đã mất” của nhiếp ảnh gia Greg Girard. Vào cuối những năm 1980, Girard từng chứng kiến một tiếp viên hàng không của hãng Cathay Pacific kéo vali bước vào Cửu Long Thành Trại, nổi bật và đối lập với khung cảnh tồi tàn. Tuy nhiên, ông đã không kịp ghi lại khoảnh khắc đó. Với sự cho phép của Girard, Tse đã sử dụng ảnh tư liệu và công nghệ AI để tái tạo lại hình ảnh này. Sau nhiều lần thử nghiệm, bà đã tạo ra một bức ảnh gần giống với trí nhớ của ông. “Thật kỳ lạ nhưng cũng rất thỏa mãn khi thấy người khác tái hiện chính xác những gì đang tồn tại trong đầu mình”, Girard chia sẻ. Ảnh: Greg Girard và Bianca Tse/Midjourney.
Mặc dù việc sử dụng AI trong nghệ thuật gây ra nhiều tranh cãi, Tse tin rằng công nghệ này không thể thay thế sáng tạo của con người, mà chỉ mở ra cơ hội mới để vượt qua các giới hạn thông thường. "Sự sáng tạo không nằm ở công nghệ, mà ở cách chúng ta sử dụng nó để kể câu chuyện của mình", bà chia sẻ. Ảnh: Greg Girard và Bianca Tse/Midjourney.
Tường Uyên
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/cuu-long-thanh-trai-doc-la-qua-lang-kinh-ai-post1522306.html