Cựu nhà báo Việt chinh phục 'nóc nhà thế giới' và đỉnh Lhotse trong 48h: Các ngọn núi dạy tôi nhiều bài học

Cựu nhà báo Việt chinh phục 'nóc nhà thế giới' và đỉnh Lhotse trong 48h: Các ngọn núi dạy tôi nhiều bài học
7 giờ trướcBài gốc
Nguyễn Mạnh Duy giương cao lá cờ Tổ quốc trên đỉnh Everest. Ảnh: Nhân vật cung cấp
"Everest - kế hoạch và giấc mơ"
Vào 9h9 phút sáng 11/5, anh Nguyễn Mạnh Duy (SN 1984, Hà Nội) đứng trên nóc nhà thế giới, đỉnh Everest. Đó là thời khắc anh lặng người trên dãy Himalaya chứng kiến vẻ đẹp kỳ vĩ của vùng đất này mà anh luôn thầm gọi nó là "Everest - kế hoạch và giấc mơ" của đời mình.
Trò chuyện với phóng viên, anh Duy cho biết, ý tưởng chinh phục hai đỉnh cao thế giới bắt đầu nhen nhóm vào 2 năm trước khi anh lần đầu leo lên một đỉnh núi cao gần 6.500m ở dãy Himalaya.
"Hoàn thành summit đỉnh Everest với một kế hoạch đúng như dự kiến trong hai năm đó là điều làm tôi hạnh phúc nhất"- anh Nguyễn Mạnh Duy nói.
“Mong muốn đặt chân lên đỉnh Everest nóc nhà thế giới xuất hiện trong tôi từ tháng 4/2023 khi tôi cùng một nhóm bạn summit thành công đỉnh Merapeak cao 6476m. Khi đứng trên đỉnh gần 6500m này tôi nhìn thấy rặng Himalaya bao la hùng vĩ trong đó có cả đỉnh Everest ở phía xa”- anh Duy bộc bạch.
Là một người gắn bó với vùng đất Himalaya từ năm 2014, mong ước đứng trên đỉnh Everest như một sự đi đến tận cùng tột đỉnh của thiên nhiên năng lượng vùng đất này thôi thúc anh Duy lên một kế hoạch biến giấc mơ Everest thành hiện thực trong vòng 2 năm.
Đầu tháng 4, anh Duy bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh Everest - nóc nhà thế giới.
“Hoàn thành summit đỉnh Everest với một kế hoạch đúng như dự kiến trong hai năm đó là điều làm tôi hạnh phúc nhất. Vì những gì mình vạch ra đã thực hiện được. Đó là cả một sự nỗ lực rất lớn vì nhiều thách thức đặt ra trong suốt quá trình này”- anh Duy chia sẻ.
Anh Duy chia sẻ, chinh phục Everest đòi hỏi nhiều yếu tố, từ chuẩn bị tài chính, thời gian, thể trạng và phải tích lũy đủ kiến thức trải nghiệm. Chính vì thế sau hai năm hoàn thành kế hoạch đề ra và chinh phục thêm được một đỉnh núi thuộc top 4 thế giới là Mt Lhotse anh rất hài lòng.
“Có thể nói là với việc summit Everest và Lhotse tôi thấy đã vượt qua được giới hạn của bản thân, học được rất nhiều bài học”- anh Duy nói.
Sự khắc nghiệt ở độ cao trên 8000m. Video: Nhân vật cung cấp
Anh Duy bày tỏ, hành trình chinh phục Everest càng đi lên cao càng khắc nghiệt và nhiều thách thức. Từ camp3 đến camp 4 và từ camp4 lên đỉnh chắc chắn là nhiều thử thách hơn cả. Đây cũng là những chặng nguy hiểm nhất và các nhà leo núi gặp rủi ro nhiều nhất.
Ở chuyến summit này, từ camp4 trở lên gọi là vùng “Death zone” (vùng chết) nơi nhiều nhà leo núi gặp rủi ro hoặc bị kiệt sức, việc cứu hộ ở đây cũng rất khó khăn nếu gặp vấn đề gì gần như không có khả năng cứu hộ. Trong chặng này anh Duy cũng gặp những vấn đề mà tất cả những nhà leo núi gặp phải, tuy nhiên may mắn đó là thời tiết đẹp ủng hộ những ngày đó nên mọi khó khăn đều vượt qua được.
“Tôi không nghĩ đến việc trở thành một nhà leo núi chuyên nghiệp
Anh Duy trong hành trình chinh phục Everest. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Everest là đỉnh núi nóc nhà thế giới và là thách thức của mọi nhà leo núi. Ngay cả những nhà leo núi chuyên nghiệp có nhiều kinh nghiệm cũng có thể gặp rủi ro. Sự khắc nghiệt của Everest nằm ở độ cao gần 9000m trên mực nước biển và quá trình leo, thích nghi độ cao dài ngày ít nhất hơn 1 tháng. Ngoài ra địa hình dốc nhiều vách băng, vách đá dựng đứng cũng đòi hỏi kĩ năng leo núi tốt.
Vì thế, hành trình "double summit" (chinh phục kép), hai đỉnh núi thuộc nhóm "tám nghìn" (những đỉnh núi cao trên 8.000m) chỉ trong vòng 48 giờ là một thử thách cực kỳ khó khăn với tất cả mọi người.
"Tôi tự tin rằng mình sẽ leo Everest thành công trước khi bước vào chuyến đi, trên từng bước chân đó luôn là sự cẩn trọng và tôn trọng dành cho đỉnh núi và thiên nhiên vùng đất này"- anh Nguyễn Mạnh Duy bộc bạch.
Anh Duy cho rằng, khi đã xác định leo Everest ai cũng phải chuẩn bị một tâm lý và tâm thế cho những rủi ro xấu nhất có thể xảy ra. Everest rất khắc nghiệt, có đầy những rủi ro bất trắc có thể xảy ra và thực tế là mùa leo Everest nào cũng có những nhà leo núi tử nạn.
“Với cá nhân tôi đây là chuyến đi tôi có sự chuẩn bị kĩ lưỡng về tâm lý cũng như kĩ năng, kiến thức leo núi trong suốt hai năm. Vì thế tôi tự tin rằng mình sẽ leo Everest thành công trước khi bước vào chuyến đi, trên từng bước chân đó luôn là sự cẩn trọng và tôn trọng dành cho đỉnh núi và thiên nhiên vùng đất này”- anh Duy nói.
Anh Duy chia sẻ, bản thân anh đến với leo núi ở vùng Himalaya và đặc biệt là quyết định leo Everest bởi tình yêu với vùng đất này trước tiên chứ không nghĩ đến việc trở thành một nhà leo núi chuyên nghiệp.
Anh Duy cho rằng, quyết định leo Everest bởi tình yêu với vùng đất này trước tiên chứ không nghĩ đến việc trở thành một nhà leo núi chuyên nghiệp
“Các ngọn núi dạy tôi nhiều bài học, cho tôi nhiều trải nghiệm quý giá. Đó là điều mà cả nghề báo lẫn công việc kinh doanh đều rất đáng quý. Hiện nay tôi không còn làm báo nữa nhưng tôi vẫn thích viết, hy vọng sẽ chia sẻ được những trải nghiệm quý giá khi về với những đỉnh núi tới những người quan tâm qua một dự án viết dài hơi hơn như một cuốn sách chẳng hạn”- anh Duy nói.
Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội), anh Nguyễn Mạnh Duy từng làm báo từ năm 2006 đến 2015. Bước ngoặt đến vào năm 2014, khi anh lần đầu đặt chân đến vùng Himalaya. Từ đó, tình yêu dành cho mảnh đất này ngày càng lớn, thôi thúc anh tìm hiểu sâu về văn hóa và đời sống tinh thần nơi đây.
Hiện tại, anh đang phát triển chuỗi "Ngôi nhà Văn hóa Tây Tạng" tại Hà Nội và TP.HCM. Nơi đây là không gian trưng bày các vật phẩm văn hóa đặc trưng của vùng Himalaya, giúp mọi người tìm thấy sự an yên và cân bằng trong đời sống tinh thần.
Đỗ Hợp
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/cuu-nha-bao-viet-chinh-phuc-2-dinh-everest-va-dinh-cao-thu-4-the-gioi-chi-trong-48h-cac-ngon-nui-day-toi-nhieu-bai-hoc-post1744278.tpo