Trước đó, cháu D.Q.T được phát hiện mắc bệnh tan máu bẩm sinh từ lúc 7 tháng tuổi và gia đình thường xuyên đưa cháu T đến Bệnh viện để truyền máu. Đến nay cháu đã phải truyền máu 12 lần.
Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế ghép tủy đồng loại cho bệnh nhi.
Theo các bác sĩ, tan máu bẩm sinh là bệnh lý di truyền gây thiếu máu hồng cầu nhỏ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Với các trường hợp nặng, trẻ phải lệ thuộc vào truyền máu thường xuyên, ứ sắt trong cơ thể, gây tích tụ sắt lên các tạng cơ thể. Ghép tủy đồng loại được xem là phương pháp điều trị tối ưu, mang lại cơ hội phục hồi hoàn toàn cho trẻ, giúp trẻ có thể sống khỏe mạnh mà không cần truyền máu.
Do đó, sau khi xét nghiệm HLA, bệnh nhi D.Q.T được xác nhận phù hợp hoàn toàn với chị ruột nên được các bác sĩ được Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện ghép tủy đồng loại vào ngày 4/4 vừa qua. Sau ca ghép tủy, tiểu cầu của bệnh nhi phục hồi vào ngày thứ 23, bạch cầu hạt phục hồi vào ngày thứ 16, sức khỏe bệnh nhi tiến triển tốt nên được bác sĩ cho ra viện.
Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế chúc mừng 2 bệnh nhi D.Q.T và Đ.P.N ra viện.
Với trường hợp bệnh nhi Đ.P.N được chẩn đoán mắc bệnh u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao cách đây 9 tháng và được bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành ghép tế bào gốc tự thân. Sau ca ghép, tiểu cầu, bạch cầu hạt của bệnh nhi phục hồi vào ngày thứ 30 nên được cho ra viện.
GS.TS.BS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, việc điều trị thành công ca ghép tủy đồng loại cho bệnh nhi mắc bệnh tan máu bẩm sinh là bước tiến vượt bậc trong việc áp dụng kỹ thuật ghép tế bào gốc đồng loại. Bệnh nhi không còn phải lệ thuộc vào truyền máu, thải sắt hằng ngày. Từ đó mang lại hy vọng cho các bệnh nhi mắc bệnh tan máu bẩm sinh, mở ra triển vọng điều trị cho các bệnh lý khác cần ghép tủy đồng loại như suy tủy, suy giảm miễn dịch bẩm sinh và ung thư tái phát.
Anh Khoa