Bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế đến nhà khám bệnh cho cháu N.V.T.
Gặp lại cháu bé tại nhà, chị Phạm Thị Trang, mẹ của bé V. không giấu nổi niềm hạnh phúc: “Thời điểm cháu phát bệnh, tôi vô cùng hoảng loạn và lo sợ. Gia đình tôi mang ơn các y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế đã giành lại sự sống cho cháu từ tay tử thần".
Ngày 18/3/2025, cháu V. đột ngột xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, co giật và được đưa vào Bệnh viện đại học Y Dược Huế. Bác sĩ xác định nhịp tim chậm kèm block nhĩ thất cấp III – tình trạng nguy hiểm đến tính mạng – nên lập tức chuyển cháu đến Bệnh viện Trung ương Huế.
Tại Khoa Hồi sức Tích cực-Cấp cứu Nhi, cháu được chẩn đoán viêm cơ tim thể tối cấp biến chứng sốc tim nặng, nguy cơ tử vong rất cao. Các bác sĩ ngay lập tức thiết lập đường thở, dùng thuốc trợ tim, báo động đỏ và phối hợp khẩn cấp với Khoa Can thiệp Tim mạch để đặt máy tạo nhịp tạm thời.
Ban đầu, huyết động của trẻ có cải thiện. Tuy nhiên, chức năng tim tiếp tục suy giảm chỉ còn 1/3 so với bình thường trong những ngày sau đó.
Trước tình trạng tim suy kiệt, ngày 16/4/2025, các bác sĩ quyết định triển khai ECMO-giải pháp hỗ trợ tuần hoàn và hô hấp nhằm “giữ sự sống” cho bé và cho trái tim nhỏ bé thời gian hồi phục.
Bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế đến nhà thăm, khám bệnh cho cháu N.V.T (7 tuổi, trú tại thị xã Hương Thủy, thành phố Huế).
Chỉ sau 5 ngày chạy ECMO, chức năng tim của cháu cải thiện rõ rệt. Bé được rút ECMO, ngừng máy tạo nhịp và cai máy thở thành công. Sau hơn một tháng điều trị tích cực, ngày 23/4/2025, bé N.V.T đã xuất viện, sức khỏe ổn định, tim mạch và huyết động hoàn toàn bình thường.
Bác sĩ Võ Văn Nguyên Lợi, Trung tâm Nhi Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết: "Chức năng tim của bé V. đã phục hồi hoàn toàn. Với kỹ thuật ECMO, chúng tôi kỳ vọng sẽ cứu sống nhiều hơn nữa những ca bệnh nặng như thế này".
GS, TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, chia sẻ: "Kỹ thuật ECMO lần đầu được triển khai thành công tại Việt Nam tại Bệnh viện Trung ương Huế vào năm 2009. Đến nay, ECMO đã trở thành kỹ thuật thường quy trong hồi sức nhi tại bệnh viện, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân nặng không đáp ứng điều trị thông thường".
Thành công của ca bệnh này tiếp tục khẳng định năng lực chuyên môn cao, tinh thần chủ động, nhanh nhạy và sự phối hợp hiệu quả giữa các chuyên khoa. ECMO - vũ khí hiện đại của hồi sức tích cực đã mang lại phép màu cho một trái tim tưởng chừng đã ngừng đập.
Đặc biệt, thành tựu này càng thêm ý nghĩa khi diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền nam (30/4) và Ngày Quốc tế Lao động (1/5), như một món quà thiết thực và đầy tính nhân văn, thể hiện tinh thần cống hiến không ngừng vì sức khỏe cộng đồng.
TIN VÀ ẢNH: VÕ HOÀNG OANH