Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 giờ thứ 2 sau tai nạn trong tình trạng lơ mơ, lưỡi dao còn cắm trong vết thương. Ảnh: BVCC
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận bệnh nhân D.T.Đ. (nam 29 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng nguy kịch do vết thương thấu ngực, dị vật cắm sâu trong phổi.
Theo lời kể từ người nhà, bệnh nhân bị một người khác dùng dao nhọn đâm vào lưng từ phía sau. Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng lơ mơ, da niêm mạc nhợt, khó thở và lưỡi dao còn cắm trên cơ thể.
Các bác sĩ xác định, dị vật kim khí xuyên thấu cơ vùng lưng vào nhu mô thùy trên phổi trái, xuất huyết phế nang xung quanh, tràn khí - tràn máu khoang màng phổi.
Bác sĩ Lê Kiều Trang, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, vết thương ngực có thể xuất hiện dưới nhiều dạng, từ các vết đâm do dao hoặc vật sắc nhọn, đến những tổn thương nặng hơn như tai nạn lao động với máy móc công nghiệp hoặc bị bánh xe đè qua trong tai nạn giao thông.
Trong đó, vết thương xuyên thấu do dao hoặc vật sắc nhọn thường để lại những hậu quả nghiêm trọng, bao gồm: Mất máu nghiêm trọng gây sốc; Tổn thương phổi với các biến chứng như thủng phổi, tràn khí, tràn máu khoang màng phổi; Chèn ép trung thất và phổi lành, dẫn đến suy hô hấp hoặc ngạt, nguy cơ tử vong cao nếu không được xử trí kịp thời.
Tuy nhiên, nếu bệnh nhân được đưa đến cơ sở y tế kịp thời và can thiệp phẫu thuật đúng cách, tỷ lệ sống sót có thể tăng lên 80 - 90%, ngay cả trong trường hợp nặng.
Theo bác sĩ Trang, để đảm bảo an toàn trước khi đến bệnh viện, cần tuân thủ một số nguyên tắc. Cụ thể, với các trường hợp vết thương còn dị vật cắm sâu, tuyệt đối không tự ý rút dị vật ra ngoài, đặc biệt khi dị vật lớn, xuyên sâu hoặc nằm ở các khu vực nguy hiểm. Việc rút dị vật sai cách có thể khiến máu chảy ồ ạt, gây tổn thương thêm các mô xung quanh và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Kim Dung