Chiều nay (21/5), TAND TP Hà Nội tuyên án các bị cáo trong vụ án khai thác trái phép đất hiếm.
Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt bị cáo Nguyễn Linh Ngọc (cựu Thứ trưởng Bộ TN&MT) mức án 3 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Theo HĐXX, ông Nguyễn Linh Ngọc cùng đồng phạm đã cố ý làm trái các nguyên tắc, điều kiện cấp giấy phép khai thác quặng đất hiếm cho Công ty Thái Dương, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản của Nhà nước với trị giá được xác định là hơn 736 tỷ đồng.
Hội đồng xét xử. Ảnh: CTV
Bị cáo Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Thái Dương) bị tuyên phạt 14 năm 6 tháng tù về 3 tội: Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và Gây ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, ông Huấn buộc phải nộp lại số tiền hơn 665 tỷ đồng. HĐXX kiến nghị thu hồi giấy phép khai thác quặng đất hiếm của Công ty Thái Dương.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: CTV
HĐXX tuyên phạt các bị cáo:
Lưu Anh Tuấn (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam): 16 năm tù.
Nguyễn Văn Thuấn (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản – Bộ TN&MT): 5 năm tù.
Hoàng Văn Khoa (cựu Vụ trưởng Vụ Khoáng sản - Tổng cục Địa chất và khoáng sản): 42 tháng tù.
Hồ Đức Hợp (cựu Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái): 4 năm tù.
Lê Duy Phương (cựu chuyên viên chính Vụ Khoáng sản - Tổng cục Địa chất và khoáng sản): 4 năm tù.
Lê Công Tiến (cựu Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái): 3 năm tù.
Bùi Đoàn Như (cựu Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường – Sở TN&MT tỉnh Yên Bái): 2 năm 6 tháng tù.
Các bị cáo còn lại nhận mức án từ 24 tháng tù treo đến 7 năm tù.
HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng, xâm phạm đến trật tự và an toàn trong quản lý kinh tế về thuế; xâm phạm đến uy tín, danh dự của các cơ quan, tổ chức liên quan, gây thiệt hại thất thoát lãng phí rất nghiêm trọng về nguồn tài nguyên của đất nước.
Hành vi của các bị cáo còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo vệ thiên nhiên, môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư và việc huy động các nguồn lực xã hội cho sự phát triển của địa phương, của đất nước; gây bức xúc, bất bình trong dư luận xã hội, đòi hỏi phải xử lý nghiêm.
Theo HĐXX, việc khởi tố, truy tố và đưa các bị cáo ra xét xử, áp dụng hình phạt nghiêm minh đối với từng bị cáo là cần thiết, nhằm trừng trị những cá nhân có hành vi đi ngược lợi ích của Nhà nước, của nhân dân, nhằm đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm về tài nguyên môi trường nói riêng.
HĐXX cũng ghi nhận, các bị cáo thành khẩn khai báo, nhiều người có thành tích xuất sắc, gia đình có công với cách mạng.
T.Nhung