Ukraine và Nga đều đang cố gắng giành lợi thế trên thực địa và xem đây là "quân bài" trong đàm phán hòa bình. (Nguồn: Getty Images)
Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Stephen Bryen cho rằng, rất có thể Mỹ buộc phải đưa ra một quyết định khó khăn trong thời gian tới, bởi vì, việc theo đuổi một "hòa bình cưỡng ép" có thể làm hại tới lợi ích của chính nước Mỹ.
Báo Thế giới và Việt Nam lược dịch bài phân tích.
Mỗi người, mỗi lợi ích
Dường như các đàm phán giữa Mỹ-Nga và Mỹ-Ukraine đang đi vào ngõ cụt.
Mỹ đang muốn châu Âu gánh vác trách nhiệm hỗ trợ Ukraine để Washington tập trung hơn vào khu vực Trung Đông và Thái Bình Dương. Điều này buộc châu Âu phải quyết định liệu họ có sẵn sàng và có đủ khả năng để bù đắp khoảng trống này hay không.
Chiến lược của châu Âu là cố gắng bảo vệ miền Tây Ukraine, với giả định rằng Nga sẽ giành quyền kiểm soát khu vực phía Đông sông Dnieper. Tuy nhiên, đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng và có thể khoét sâu xung đột trên quy mô rộng hơn. Washington sẽ phải đưa ra quyết định tiếp theo về vấn đề Ukraine.
Vừa qua, Tổng thống Trump cáo buộc Nga cố tình kéo dài đàm phán về một lệnh ngừng bắn toàn diện, đồng thời đe dọa áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với ngành năng lượng xứ bạch dươnh. Điểm mấu chốt trong lời đe dọa của ông Trump là các quốc gia mua dầu của Nga sẽ bị cắt đứt quan hệ thương mại với Mỹ, bao gồm cả Ấn Độ và Trung Quốc.
Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc vào năm 2024 ước tính đạt 582,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc đạt 143,5 tỷ USD.
Trong năm 2023-2024, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ với tổng giá trị thương mại song phương đạt 119,71 tỷ USD (xuất khẩu 77,51 tỷ USD, nhập khẩu 42,19 tỷ USD, thặng dư thương mại 35,31 tỷ USD).
Tổng thống Trump cho biết ông có kế hoạch sớm nói chuyện với người đồng cấp Nga Putin, nhưng chưa tiết lộ thời điểm cụ thể.
Như vậy, Ukraine và Nga đều đang cố gắng giành lợi thế trước khi bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào được thiết lập.
"Bổn cũ soạn lại"
Trên hầu hết các mặt trận, Ukraine đang cố gắng giữ vững lãnh thổ và ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga. CNN mô tả quân đội Ukraine đang ở thế bị động, đồng nghĩa với việc họ đang mất dần quyền kiểm soát trên thực địa.
Tuy nhiên, có một ngoại lệ là khu vực Belgorod. Đây là lãnh thổ Nga, nằm ở phía Nam của tỉnh Kursk.
Trong nhiều tháng qua, thành phố Belgorod và các ngôi làng xung quanh đã hứng chịu các cuộc tấn công bằng pháo và máy bay không người lái từ Ukraine. Hiện nay, Kiev đã mở rộng cuộc tấn công và đạt được một số bước tiến quan trọng trên lãnh thổ xứ bạch dương.
Mục tiêu thực sự của Ukraine trong các cuộc tấn công này vẫn chưa rõ ràng. Một số nhà quan sát cho rằng Kiev muốn buộc Moscow phải điều động lực lượng đến Belgorod, từ đó giảm áp lực lên các phòng tuyến khác, như tại Pokrovsk.
Đây là chiến thuật từng được sử dụng trong chiến dịch Kursk, với hy vọng Ukraine có thể giành được một “quân bài” để trao đổi trong các cuộc đàm phán sắp tới.
Nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện.
Kiev còn có tham vọng chiếm nhà máy điện hạt nhân Kursk, nhằm cân bằng với các cuộc tấn công của Moscow vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.
Tuy nhiên, Nga đã ngăn chặn kế hoạch này và sau 7 tháng, quân đội Ukraine gần như đã bị đẩy lùi khỏi Kursk. Hiện tại, Nga đã tiến vào lãnh thổ Ukraine ở vùng Sumy.
Còn quá sớm để dự đoán kết quả ở Belgorod. Hai ngôi làng, Popovka và Demidovka, đã bị tấn công nhiều lần. Kiev tiếp tục điều động thêm quân, mới nhất là Lữ đoàn Cơ giới hạng nặng số 17, cho thấy họ tin rằng có thể giành được chiến thắng.
Thống đốc khu vực, ông Vyacheslav Gladkov, cho biết Ukraine đã tấn công hơn 20 ngôi làng. Hiện chưa có thông tin về thương vong của cả hai bên.
Nếu giữ được một số ngôi làng đang tấn công, Kiev có thể nhận được một cú hích tinh thần tạm thời, nhưng chưa rõ họ có thể duy trì lợi thế này trong bao lâu.
Đàm phán hòa bình xung đột Nga-Ukraine đang rất mong manh khi lợi ích các bên chưa song trùng. (Nguồn: Getty Images)
Châu Âu có dám đặt cược?
Trong khi đó, Pháp và Anh, cùng với một số nước khác, đang thảo luận về kế hoạch đưa lực lượng châu Âu vào hỗ trợ Ukraine. Ý tưởng mới nhất là cử cả lực lượng không quân và hải quân tới Ukraine.
Một phái đoàn đang được gửi đến quốc gia Đông Âu
để xác định các vị trí triển khai nếu kế hoạch này được thực hiện.
Tuy nhiên, các chiến đấu cơ sẽ rất dễ bị tổn thương ở miền Đông Ukraine do hệ thống phòng không nhiều lớp của Nga. Tương tự, lực lượng hải quân cũng sẽ gặp nhiều trở ngại.
Tổng thống Putin đã đồng ý một thỏa thuận về Biển Đen, nhưng hoàn toàn có thể sụp đổ nếu Anh và Pháp đưa hải quân đến khu vực để “bảo vệ” Ukraine. Cả hai nước này đều có tàu sân bay, nhưng liệu họ có dám mạo hiểm đặt những tài sản chiến lược này gần Nga hay không vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Có thể Anh và Pháp, thậm chí với sự hỗ trợ ngầm từ Mỹ, đang chuẩn bị một phương án bảo vệ miền Tây Ukraine nếu Nga giành chiến thắng.
Để làm được điều này, họ cần sự hỗ trợ từ Ba Lan. Tuy nhiên, chính quyền Ba Lan chưa tỏ ra mặn mà với việc can thiệp vào xung đột.
Thử thách lớn với châu Âu
Nếu các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga thất bại, phương án cuối cùng có thể là châu Âu đảm nhận vai trò bảo đảm an ninh cho một phần Ukraine.
Tuy nhiên, để làm được điều này, lực lượng không quân và hải quân chỉ là giải pháp tạm thời. Châu Âu sẽ phải triển khai bộ binh tại miền Tây Ukraine. Nhưng hiện tại, họ không có đủ quân số triển khai, cũng như không có đủ kho vũ khí. Nếu cưỡng ép thực thi, châu lục này phải đối mặt với nguy cơ Moscow tấn công các căn cứ hậu cần ở Ba Lan và Romania.
Tùy thuộc vào diễn biến cuộc xung đột và quy mô lực lượng mà Nga có thể huy động, Moscow có thể nhanh chóng đạt được mục tiêu lãnh thổ và chính trị của mình. Các mục tiêu lãnh thổ đã được Nga công khai, còn mục tiêu chính trị là buộc NATO rút khỏi Ukraine và thay đổi chính quyền Kiev.
Câu hỏi quan trọng hiện nay là chính quyền Tổng thống Trump sẽ có động thái gì nếu tiến trình hòa bình mà ông đang “thai nghén” sụp đổ. Các lệnh trừng phạt khó có thể thay đổi tình hình, thậm chí còn có thể gây tổn hại đến nền kinh tế Mỹ. Washington sắp phải đưa ra những quyết định khó khăn.
Vy Anh