Cựu trinh sát kể chuyện đột nhập bờ nam Thành Cổ

Cựu trinh sát kể chuyện đột nhập bờ nam Thành Cổ
11 giờ trướcBài gốc
Trở thành lính trinh sát, đó là ước mơ của mọi chàng trai thời chiến, như biểu tượng hãnh diện mà những năm tháng bom đạn khốc liệt đã tạc vào tâm lý của bất kỳ thanh niên trẻ ở khắp miền quê.
Năm 1972, binh nhất Nguyễn Đình Lập nhập ngũ Sư đoàn 325 và được đưa ngay vào huấn luyện trinh sát khi chưa tròn 18 tuổi, trở thành niềm tự hào của trai làng quê Đất Tổ bởi được đầu quân vào chiến trường Quảng Trị.
Những người lính quê Đất Tổ Phú Thọ (Đại tá Nguyễn Đình Lập đứng sát lư hương) trở lại thăm Thành Cổ và thắp hương tưởng nhớ đồng đội (tháng 4/2025). Ảnh: Tùng Duy.
Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết ghi lại hồi ức của Đại tá Nguyễn Đình Lập trước ngày kỷ niệm 50 năm Thống nhất đất nước, khi ông vừa trở về Đất Tổ sau chuyến thăm lại chiến trường xưa Quảng Trị.
Chuyến trinh sát nhớ đời
Mấy tháng liền vừa hành quân vừa huấn luyện, nhóm lính trẻ Đất Tổ có vẻ tiến bộ nhanh bởi cái hồ hởi “máu trinh sát” sẵn có. Vào đến Gio Linh nắng cháy, lần đầu tiên “xuất trận đột nhập bờ nam Thạch Hãn”, đơn vị cử tôi cùng đồng chí Ngô Văn Thắng quê ở Thái Nguyên đi trinh sát. Nhiệm vụ tiền trạm quan trọng này nhằm đưa đơn vị vào Nhan Biều và Xuân An sau đó.
Không còn cảm giác thú vị như hồi ở quê từng xem “phim truyện chiến đấu của Liên Xô”, lần đầu tiên tôi cầm súng đối mặt kẻ thù, nhưng tuổi trẻ là… rất máu, hừng hực chất chiến khi được giao nhiệm vụ.
Hai anh em nai nịt kín “đồ”, rẽ lau cỏ mò tới cầu Lai Phước thì máy bay VO 10 của địch phát hiện. Pháo khói bắn đến rất nhanh chỉ cách khoảng 100m. Biết bị lộ, đồng chí Thắng ra hiệu cho tôi cùng chạy nhanh đến bám mấy cây phi lao ven đường đã bị bom đạn chặt đứt ngọn chỉ còn trơ gốc. Một loáng, dàn máy bay địch ập tới bắn 12 ly 8. F4 cũng nhào đến ném bom, khói đất tung mù mịt.
Thôi kệ số phận. Hai anh em tự an ủi tinh thần, cứ nép chặt gốc phi lao. Và sau vài loạt bom, có lẽ địch cho rằng đã tiêu diệt chúng tôi nên chúng bay đi. Tiếng anh Thắng gọi nhẹ "Lập ơi, Lập ơi" - tôi biết cả hai anh em còn sống.
Tiếp tục bò về phía Nhan Biều và Xuân An, nắm chắc tình hình địa bàn, chúng tôi về báo cáo chỉ huy. Mấy ngày sau thì các đơn vị chi viện Thành Cổ đã vào tập kết chuẩn bị chiến đấu. Chuyến thực địa áp sát lưng địch “hút chết” ấy đã cho tôi nhiều kinh nghiệm quý. Và thấy bom rơi đạn nổ cũng… bình thường.
Đầu tháng 8/1972, đơn vị được bổ sung vào Thành Cổ trực tiếp chiến đấu. Lúc này nhóm trinh sát gồm 4 người cùng chỉ huy Tiểu đoàn và một tổ thông tin 2W nằm ém dưới cống thoát nước của Thành Cổ ngay dưới mặt đường 4. Cống rộng hơn nửa mét, dẫn nước ra sông Thạch Hãn, được coi là “sở chỉ huy” của mấy anh em. Chúng tôi chỉ nằm theo hình máng, mỏi quá ngồi dậy thì phải cúi, co hai đầu gối ghì chạm mang tai.
Từ vị trí này có thể cảm nhận bên khu Nhan Biều và Xuân An mỗi ngày năm bảy chục lần máy bay ném bom hoặc pháo kích. Nhưng đó vẫn có thể coi là hòa bình vì tại thị xã Quảng Trị bom đạn không thể đếm nổi hằng ngày.
Như một quy luật, từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối là máy bay A37 ném bom. Cứ chỗ nào chúng nghi vấn là ném, hàng trăm quả cùng lúc như B52 thả xuống. Cuộc tấn công tái chiếm Thành Cổ của chúng nhằm đạt lợi thế cho Hiệp định Paris sắp tái họp. Nghe chỉ thấy như mưa rào, sau đó là tiếng nổ hàng loạt. Mới đầu cảm giác rợn người, sau rất quen tai. Còn từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng là pháo kích. Ngán nhất là máy bay A37 thả bom hoặc pháo 203 ngoài biển bắn vào, nghe lợm óc.
Sau một đêm đi “thám” về, khoảng 4 giờ sáng, nhóm anh em chỉ còn cách “sở chỉ huy” khoảng 50m, anh Khanh nói "thôi đằng nào cũng chết hôm nay anh em mình ngủ trên mặt đường cho sướng". Anh Bình cũng nói theo: "Không biết sống chết thế nào, sau này đất nước giải phóng thằng nào còn sống phải nhớ về thắp hương cho những thằng đã chết nhé!". Chúng tôi cùng thề. Tất cả oánh một giấc say như chết. Khoảng 8 giờ sáng, một quả bom ném cách chúng tôi chỉ 15m nhưng nổ dưới vệ sông. Anh em bừng tỉnh. Cứ như giời có mắt, đêm ấy mà nằm phía dưới ven sông thì… toi sạch, rồi tất cả lại bò về “cống chỉ huy”.
Nhưng chiến tranh đâu màng số phận. Nằm cống mấy ngày sau thì bom địch ném trúng đỉnh cống, và một quả nữa rơi ngay miệng cống. Toàn bom phạt nên hầu hết Ban chỉ huy bị thương vì sức ép. Tiểu đội trinh sát chỉ còn lại tôi và đồng chí Tích cùng anh Thước là Tiểu đoàn phó. Bộ phận thông tin tôi không nhớ còn ai.
Địch đã lấn chiếm phần lớn Thành Cổ nên lúc này bộ phận Ban chỉ huy phải vào trực tiếp trong chốt. Đồng chí Nguyễn Trọng Bình bị thương gót chân, điều trị chưa khỏi đã quay lại Thành Cổ cùng chúng tôi. Anh nói "Tiểu đội chỉ còn hai thằng chúng mày, tao thương quá nên quay lại. Chúng mày đều là lính mới". Thật cảm phục vì trong lúc ác liệt anh vẫn lao vào Thành Cổ, nơi cái chết ập đến bất kỳ lúc nào.
Ba người lính trinh sát ở trong một căn hầm được chất bằng bao cát rộng khoảng 4m. Thành Cổ không còn bức tường nào cao quá 2m. Bom đạn đã san phẳng tất cả. Mọi hoạt động của chúng tôi chỉ diễn ra ban đêm. Tiếp tế, cứu thương, tiếp súng đạn… đều phải bò trườn.
Cả thị xã chỉ còn lại duy nhất căn nhà 7 gian cao hai tầng là trường học Bồ Đề đã bị ngụy chiếm đóng. Từ nóc nhà này chúng khống chế toàn bộ thị xã. Quan sát thấy bất kỳ vị trí nào động đậy, hoặc chúng thấy khả nghi, lập tức chúng nện cối M79. Nhiều lần đặc công K19 của ta tổ chức tấn công nhưng không thể đánh sập. Tôi và đồng chí Bình bò đi trinh sát, có những lúc chỉ còn cách tên lính gác mấy bước chân.
Chấp nhận chết
Một đêm trườn về thấy có tiếng rên nhẹ, chưa xác định là ta hay địch, áp sát tôi phát hiện ra hai lính đặc công của ta bị thương khá nặng liền cõng lê vào hầm. Chắc chắn đã dính cối M79 nên trên người nào cũng đếm khoảng 20 vết thương. Một anh tên Nhi quê Thanh Hóa, một anh tên Nguyệt quê Thái Nguyên. Dành chỗ cho hai anh nằm, còn chúng tôi ngồi. Gạo nước gần như không còn, chỉ có vài gói lương khô và chút nước. Địch canh rất chặt bờ sông, nếu quân ta bò ra lấy nước sẽ ăn pháo lập tức.
Chúng tôi dùng một vỏ nhựa đạn B40 buộc dây lại thả xuống giếng gần đó lấy nước uống. Nước thối lọng óc, chỉ khi nào thật khát chúng tôi lấy tay bịt mũi nhấp chút. Muỗi bu dày đặc, tối đến chỉ vỗ nhẹ đã nhòa tay máu. Ai nấy bị đốt còn dày hơn lên sởi.
Vết thương của anh Nhi và anh Nguyệt mưng mủ xối ra, mỗi ngày càng nặng thêm. Một sáng khoảng 8h, chúng tôi quyết định liều chết đưa hai anh ra điểm phẫu của quân ta. Đắp hai người bị thương lên lưng, chúng tôi cứ thế trườn bò về phía điểm phẫu quân ta. Gần như kiệt sức, mà chỉ ngóc lên chút thì đạn địch phang lập tức. Hơn một tiếng sau chúng tôi đưa được hai anh đến phẫu.
Hai anh em bò quay lại căn hầm cũ. Đó là những giờ phút kinh khủng nhất mà đời trinh sát của tôi trải qua. Quả thực đã chấp nhận cái chết, nhưng không làm vậy thì hai người lính đặc công kia sẽ chết trước. Sau này nghe nói hai anh ấy đã được đưa về tuyến sau phục thương và trở lại đơn vị chiến đấu tiếp.
Thủ trưởng cũng kêu đói
Tiếp tục ém hầm theo dõi địch, đến ngày 12/9/1972 thì hết sạch đồ ăn. Hai ngày nhịn đói. Một đêm tôi và anh Bình bò một đoạn khá xa, tới một đài quan sát của đơn vị pháo binh ta, xin được hai gói gạo sấy. Nước sông Thạch Hãn dâng cao chìm vào “cống tiền trạm” ngay sát Thành Cổ, thế là chúng tôi có nước quấy gạo sấy mà ăn. Xác chết cả ta và địch dạt vào ngay cạnh, nước ngầu đỏ, anh Bình còn cười nói nước phù sa như này thì lúa Quảng Trị tốt là phải. Chẳng mấy chốc lại hết nhẵn đỗ ăn, tối đến tôi và anh Bình lại bò đi xin gạo dưới làn pháo sáng của địch. Nó bắn, nằm im. Tắt pháo, bò tiếp.
Gom được tình hình địch, chúng tôi bò về C2, nơi anh Thước là Tiểu đoàn phó quê Nghệ An, người trực tiếp chỉ huy đánh giữ Thành. Nghe xong báo cáo, anh Thước hỏi: "Chúng mày còn cái gì ăn không? Hai ngày nay anh không có gì ăn đói quá". Thủ trưởng kêu đói, tôi lặng người giây lát rồi nhanh nhảu nói: "Tối qua, bọn em đi ăn trộm của bên phẫu được một thùng gạo, để em về đem cho anh mấy gói". Anh liền bảo: "Tình hình này khá nặng, không giữ được Thành đâu, thôi còn bao nhiêu gạo sấy mang tất đến đây cho anh. Các em về ngay Nhan Biền và Xuân An lo cho anh em chỗ ăn ở đợi lệnh rút, nhưng phải giữ chốt, không cho địch vượt sông". Nhận lệnh, tôi và anh Bình quay về chốt thu dọn vũ khí rồi cùng anh Tích vượt sông Thạch Hãn sang bờ Bắc. Nhường lại túi ni lông đựng gạo cho anh Tích vì là người bơi kém nhất.
Anh Tích
Dòng Thanh Hãn cuồn cuộn dâng siết như muốn nuốt chửng tất cả. Chúng tôi lại phải bơi cắt dòng vì nếu để trôi theo dòng nước thì phía Nam là làng An Tiêm, nơi quân Ngụy chiếm giữ rất cảnh giới. Chỉ một chút nước động bất thường chúng sẽ xả đạn. Bơi thẳng về phía đối diện, quân ta tưởng là quân địch cũng bắn ngay lập tức.
Bơi đến giữa sông, anh Bình ngoảnh lại nói: "Lập ơi, thằng Tích bị nước cuốn trôi mất rồi". Tôi bặm môi lại. Bơi tiếp. Rất thương đồng đội nhưng không có cách nào để cứu hoặc tìm xác anh. Gần đến bờ Nhan Biền, anh Bình bảo: "Lập ơi, tao mệt lắm, chết mất thôi, không bơi được nữa đâu". Tôi bảo anh Bình: "Thôi, anh vứt khẩu súng đi". Khi vượt sông, chúng tôi chỉ khoác mỗi người một khẩu AK cùng hai băng đạn, còn quần áo nhét túi ni lông làm phao cho đồng chí Tích. Anh Bình lưỡng lự nhưng cũng phải bỏ súng. Chúng tôi đã cố gắng bơi vào đến bờ, cũng là lúc pháo địch dội tới phầm phập ngay cạnh hai anh em đang nằm áp bờ. Toàn thân rã rời, hai anh em không chạy được nữa, cứ ôm nhau chấp nhận may rủi. Nhưng giời lại… có mắt.
Lát sau pháo địch chuyển làn. Tôi và anh Bình trườn về làng Nhan Biều lúc 1h sáng, đã tìm ngay được hầm nghỉ bởi đây là cứ đóng quân của Tiểu đoàn trước lúc vượt sông sang giữ Thành Cổ.
Mệt rã toàn thân nhưng chúng tôi không sao ngủ được. Mất súng nên chắc chắn bị kỷ luật, thế là bàn nhau đi… trộm súng. Mà phải tìm bằng được chủng AK báng gấp. Tuổi 20, nghĩ được gì nhiều, biết là vi phạm kỷ luật, nhưng… Và hai anh em “thó” được một khẩu AK chính hiệu, sung sướng mang về hầm tháo lắp tráo nhau với báng súng của tôi, nhằm phòng khi ai đó mất súng đi tìm thì không thể nhận ra được.
Hai anh em nhẹ nhõm làm một giấc, sáng hôm sau ra bờ Thạch Hãn tìm đồng chí Tích dù chưa ăn gì. Vừa đi dọc bờ vừa gọi "Tích ơi, mày ở đâu?". Gọi mãi. Chúng tôi quỳ xuống bờ sông cầu nguyện cho linh hồn anh được siêu thoát, sau đó quay về hầm ở Nhan Biền, nhặt hái mấy ngọn rau dền yếu ớt còn sót lại làm bữa trưa.
Đại tá Nguyễn Đình Lập ngồi lặng bên mộ một đồng đội cũ đã hy sinh trong cuộc chiến giữ Thành Cổ. Ảnh: Tùng Duy.
Liên tiếp hai ngày sau, chúng tôi làm nhiệm vụ trinh sát ở An Đôn và Xuân An để chuẩn bị cho những đồng chí chiến đấu bên Thành Cổ về có chỗ ăn nghỉ và sẵn sàng chiến đấu khi quân địch vượt sông Thạch Hãn. Rạng ngày 16/9/1972, toàn bộ lực lượng bảo vệ Thành Cổ được lệnh rút về bờ Bắc.
Đoàn cựu chiến binh Đất Tổ thăm lại Dinh Độc Lập tháng 4/2025. Ảnh: Tùng Duy.
Và thật bất ngờ sáng ngày 16/9/1972, chúng tôi lại thấy đồng chí Tích trở về, nỗi mừng khôn xiết. Anh em mừng quá ôm nhau khóc. Hóa ra khi vượt sông được khoảng 30m, vì nước siết nên anh Tích không thể bơi cắt dòng, anh gắng bơi trôi đến gần điểm phẫu thì dồn sức sải vào, ở luôn tại phẫu. Đêm sau có lệnh rút thì được đưa xuồng về bờ Bắc cùng các thương binh.
Tạm biệt Thành Cổ
Ngày 16/9/1972, Tiểu đoàn nhận lệnh từ Chỉ huy mặt trận B5V: “Bằng mọi giá phải chiếm lại thị xã Quảng Trị”!
Tiểu đội trinh sát lại chia 3 mũi (An Đôn, Nhan Biều, Xuân An), vượt sông ngay buổi chiều sang Thành Cổ để đêm đến dẫn đơn vị sang sông tấn công.
Chỉ còn 8 người, là anh Khanh, anh Cường, anh Bình, anh Thắng quê ở Bắc Thái; anh Hợp quê ở Ninh Bình, anh Ninh, anh Tích và tôi quê Vĩnh Phú. Phân công xong các mũi, biết là chuyến đi này sinh tử khi vượt sông giữa ban ngày, tất cả chúng tôi ôm nhau khóc. Những cái ôm vĩnh biệt. Chúng tôi biết rằng sẽ không ai còn sống để quay về. Và dù có chạm tới bờ sông bên kia, khi ngoi lên kẻ địch không cần bắn chỉ cần lấy gậy nện xuống, chúng tôi cũng không kịp trở tay. Huống chi quân ngụy đã bố trí dày đặc súng máy, xe tăng ngay trên mặt đường 4.
Lính Thông tin 2w bơi cùng trinh sát. Chạm đến Xuân An trời mưa không ngớt. Ngâm nước nhiều tiếng đồng hồ anh em rét run cầm cập, vẫn nằm sát bờ sông kẹp chặt súng AK chờ lệnh. Khoảng 16h30, đồng chí Lịch thông tin lệnh của Tiểu đoàn cho rút về không đánh nữa. Về đến Tiểu đội trinh sát, tất cả lại một lần nữa ôm nhau nhảy lên vui sướng. "Thế là còn sống"! Ấy cũng là lúc tôi hiểu được trận phản kích của Sư đoàn 325 không còn cần thiết nữa bởi lợi thế đàm phán Hiệp định Paris đã nghiêng về ta. Nhưng những con mắt của người lính vẫn hằn lên căm thù khi hướng về Thành Cổ. Chúng tôi tạm biệt Quảng Trị để tiếp tục những trận đánh hướng về Sài Gòn. Dòng Thạch Hãn khi ấy vẫn loang mùi máu.
Ảnh: Tùng Duy.
Hàng ngàn người lính đã nằm lại bên dòng Thạch Hãn. Quân địch còn tổn thất nhiều hơn. Đến giờ những cựu binh như chúng tôi vẫn cười nói với nhau: “Sống đến bây giờ đã là… lãi từng ngày”.
Phú Thọ, 27/4/2025.
Hành quân tiến về Sài Gòn, các đơn vị của Sư 325 tiếp tục trải qua hàng trăm trận đánh. Trinh sát Nguyễn Đình Lập chính là người đã lên nóc nhà Dinh Độc lập giật lá cờ ngụy xuống trao cho chỉ huy.
Trở về sau Chiến thắng 1975, trinh sát Nguyễn Đình Lập lại bước vào một trận chiến khác giữa thời bình với muôn vàn khoảng khắc sinh tử - là cảnh sát điều tra tội phạm ma túy thuộc Công an tỉnh Phú Thọ. Ông là người trực tiếp triệt phá chuyên án 853T - vụ án Trịnh Nguyên Thủy mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép 1 tấn heroin - lớn nhất trong lịch sử đánh án ma túy tính đến thời điểm 2006. Đại tá Nguyễn Đình Lập cùng Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.
Hiện ông là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh những người lính Đất Tổ từng đánh trận Quảng Trị.
Tùng Duy ghi
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/cuu-trinh-sat-ke-chuyen-dot-nhap-bo-nam-thanh-co-10304751.html