'Đã ai ăn bánh mì của tôi bị ngộ độc đâu mà sợ?'

'Đã ai ăn bánh mì của tôi bị ngộ độc đâu mà sợ?'
3 giờ trướcBài gốc
Những dãy hàng ăn "hứng bụi" thế này khá phổ biến ở Hà Nội.
An toàn thực phẩm phụ thuộc vào đạo đức người bán
Là một trong những địa phương có rất nhiều chính sách siết chặt an toàn thực phẩm (ATTP) từ thức ăn đường phố nhưng tại Hà Nội và TPHCM, không khó để bắt gặp những hình ảnh mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Năm 2023, cả nước ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người ngộ độc, 28 người tử vong. So với năm 2022, số lượng vụ ngộ độc tăng gấp 2,3 lần, số lượng người tử vong tăng 1,6 lần. Năm 2024, chỉ tính riêng 4 vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn liên quan đến thức ăn đường phố ở Khánh Hòa, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu và Đồng Tháp, số nạn nhân đã lên tới gần 1.500 người.
Mỗi sáng, dọc theo nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM như Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), Dương Bá Trạc (quận 8)… đều xuất hiện tràn lan các điểm, xe lưu động bán đồ ăn sáng. Nhiều nhất là bánh mì các loại với mức giá dao động từ 12.000 đến 15.000 đồng/chiếc.
Ghé vào một xe bánh mì trên đường Dương Bá Trạc (quận 8), ở đây có rất nhiều loại bánh mì khác nhau để người tiêu dùng lựa chọn như bánh mì trứng, bánh mì chả, xúc xích nướng, nem nướng… Tuy nhiên, các loại thực phẩm làm nhân bánh mì, gia vị đều không được che chắn kỹ càng.
Nhiều chủ hàng bán thức ăn đường phố vẫn vô tư chế biến thực phẩm cho khách, không dùng găng tay, thực phẩm không che chắn.
Trong khi đó, tại TP Hà Nội, giờ tan tầm buổi chiều là thời điểm các quán cóc, xe đẩy đồ ăn vặt hoạt động nhộn nhịp, đặc biệt là trước các cổng trường học, gần các khu chợ dân sinh, chợ sinh viên. Đa phần nguyên liệu không được che đậy, nhiều loại thực phẩm bày bán không có bao bì nhãn mác rõ ràng.
Tạm bợ, nhếch nhác là điều dễ dàng nhìn thấy nhất ở những địa điểm này. Những chảo mỡ đã thành màu nâu đậm vẫn được nhiều chủ hàng tận dụng để chiên rán các loại đồ ăn vặt bán cho khách hàng hầu hết còn mặc đồng phục học sinh.
"Tôi bán ở đây bao năm rồi, không phải đăng ký an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng có bao giờ bị kiểm tra đâu, mà ai muốn thì cứ tới kiểm tra…"- nói rồi chủ quầy thức ăn đường phố tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội lại tiếp tục dùng đôi tay trần thoăn thoắt cuộn bánh gối bán cho khách.
Có thể dễ dàng nhận thấy, trong tất cả các khâu như gói bánh, chiên bánh và thậm chí lấy bánh cho khách hàng, chủ hàng này đều không sử dụng găng tay và cũng không đeo khẩu trang...
Người bán vô tâm, người mua vô tư
Có một điều đáng lo ngại là phần nhiều người tiêu dùng khi lựa chọn thức ăn đường phố rất ít quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, chủ yếu mua vì "quen", "tiện". Gia đình chị Lê Thị Ngân (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) là một ví dụ. Vì công việc bận rộn nên buổi sáng chị thường mua bánh mì để 2 con nhỏ tranh thủ ăn khi mẹ chở đến trường. Chiều về đón con lại mua tạm cây xúc xích cho con ăn đỡ đói trong lúc chờ cơm.
"Thực tế tôi chưa từng hỏi người bán về nguồn gốc của giò, chả, pate nhân bánh mì. Có lần thấy chủ hàng lấy xúc xích từ trong túi không nhãn mác ra rán, nhưng con thích ăn nên tôi vẫn tặc lưỡi mua"- chị Ngân cho biết.
Chị Ngân chỉ là một trong số nhiều phụ huynh vẫn vô tư cho con tiêu thụ thức ăn đường phố mà chưa ý thức được mức độ nguy hại của việc thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm.
Không chỉ vậy, tại các hàng quán vỉa hè dọc khu vực quanh các bệnh viện ở Hà Nội như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K3, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức..., nhiều người vẫn vô tư ngồi ăn cùng bụi đường cùng mùi hôi thối bốc lên từ cống rãnh, rác thải ngay bên vỉa hè...
Cảnh nhếch nhác ở một quán bán đồ ăn vặt cho học sinh phía sau một trường học trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Theo ông Lâm Quốc Hùng, Nguyên Trưởng phòng Giám sát Ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cùng với quá trình đô thị hóa, kinh doanh thức ăn đường phố không ngừng phát triển. Hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố đã đáp ứng được nhu cầu ngày càng gia tăng của cộng đồng.
Tuy nhiên, việc kinh doanh thức ăn đường phố không đảm bảo an toàn đã dẫn đến rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm.
Có tới 70-80% thức ăn đường phố, trong đó có quà vặt cổng trường được xác định là bị nhiễm khuẩn như E.coli - loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả...
Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế)
"Nhiều yếu tố dẫn đến nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm ở thức ăn đường phố, đó chính là địa điểm bán tạm bợ, kinh doanh thường được tổ chức ngay trên các vỉa hè, sát cống rãnh nước thải, đây là điều kiện môi trường thuận lợi làm ô nhiễm thực phẩm trong quá trình kinh doanh thức ăn đường phố. Hơn nữa, vì tạm bợ nên thường không đủ nước sạch và không sử dụng nước sạch để vệ sinh dụng cụ cũng như chế biến thức ăn- đây là điều kiện thuận lợi làm cho thực phẩm dễ ô nhiễm, mất an toàn. Bên cạnh đó, các chủ hàng vì lợi nhuận nên không chú trọng đến chất lượng thực phẩm đầu vào"- ông Hùng nhấn mạnh.
Nguy cơ mất an toàn thực phẩm từ thức ăn đường phố có thể ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, nhiều thành phần vì thức ăn đường phố cung cấp thực phẩm đáp ứng một phần nhu cầu của cuộc sống. Theo Tiến sĩ Lưu Quốc Toản, Giảng viên Bộ môn dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Trường Đại học Y tế công cộng, các nhóm có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe cao hơn nếu sử dụng thức ăn đường phố không an toàn là trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người già.
Vụ ngộ độc thực phẩm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xảy ra vào cuối tháng 11 đã khiến cộng đồng xôn xao khi số nạn nhân lên đến hơn 400 người, 1 người đã tử vong. Điều đáng nói cách đây hơn 10 năm, Bà Rịa - Vũng Tàu đã được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chọn là 1 trong 10 tỉnh, thành của cả nước để triển khai mô hình điểm về thức ăn đường phố.
"Trẻ em sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn do chưa có đủ kiến thức nhận biết các mối nguy ATTP trong thực phẩm, tần suất sử dụng nhiều hơn do sở thích, sự phong phú, hương vị và bề ngoài hấp dẫn của nhiều loại thức ăn đường phố. Bên cạnh đó, trẻ em là lứa tuổi đang có sự hình thành và hoàn thiện của nhiều cơ quan, chức năng trong cơ thể nên sẽ nhạy cảm hơn đối với các tác nhân ô nhiễm thực phẩm"- TS Toản cho hay.
Có thể thấy, bên cạnh sự vô tâm của người bán, thì một bộ phận người tiêu dùng vẫn vô tư trong việc lựa chọn và tiêu thụ thức ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính sự dễ dãi này đã tạo điều kiện cho thực phẩm bẩn có đất sống...
(Còn nữa)
Bài, ảnh: Anh Đào - Đình Hưng
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/da-ai-an-banh-mi-cua-toi-bi-ngo-doc-dau-ma-so-20241215172325058.htm